SỰ TÍCH “PHẬT CÔ ĐƠN”
HỮU CHÍ
Tượng Phật ở khu Lê Minh Xuân, Cầu Xáng với tên gọi: “ Phật Cô Đơn”
“Phật Cô Đơn” hay chùa “Phật Cô Đơn” là tên quen gọi của người dân địa phương và phần đông Phật tử đi hành hương ở ngoại ô TP. Hồ Chí MInh, dù thực tế cổng tam quan của chùa ghi rõ: “Bát Bửu Phật Đài”.
Nguyên do như thế nào mà lại có sự khác biệt như vậy? Tên “Phật Cô Đơn” có trong trường hợp nào và ở vào thời điểm nào?
Đi tìm hiểu nguồn cội, tôi được biết:
- Chùa “Phật Cô Đơn” hay Bát Bửu Phật Đài, tọa lạc ở ấp 1, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM. Chùa do cư sĩ Ngô Chí Bình tạo dựng trên một khu đất rộng sau khi xây xong Thanh Tâm Tự. Hai ngôi chùa cách nhau khoảng 100m.
- Chùa Thanh Tâm, xây dựng xong vào tháng 4 năm 1956, trước đây ở mé kênh An Hạ thuộc ấp Phú Đức, xã Tân Tạo, huyện Bình Chánh, ở về phía trái Cầu Xáng nằm trên Tỉnh lộ 10 cách giao lộ Quốc lộ 1A – Tỉnh lộ 10 khoảng 10 km, không tồn tại vì bị bỏ bom sập năm 1965.
Tháng 9/1957, duyên may đến với cư sĩ Ngô Chí Bình khi muốn mượn khuôn đúc tượng Phật còn bỏ không tại chùa Xá Lợi (Chùa Phật học Xá Lợi, Q.3 bây giờ) để đúc tượng Phật cho Thanh Tâm Tự qua sự giới thiệu của ông Lưu Văn Trừ, Tổng Thư ký Hội Phật học Nam Việt thì được Hội trưởng Mai Thọ Truyền sau khi đã thảo luận cùng Ban Quản trị và hội viên, hiến cho không có điều kiện do khuôn khổ tượng Phật mới đúc quá lớn, không phù hợp với vị trí đặt tượng tại chùa Xá Lợi.
Tượng Phật do điêu khắc gia Trương Đình Ý chỉ huy gia công tại chùa Xá Lợi theo đơn đặt hàng của Hội Phật học Nam Việt từ 30/6/1956, đến 20/1/1957 thì hoàn thành.
Việc di chuyển tượng Phật là một vấn đề khó khăn đối với ông Ngô Chí Bình vào thời điểm lúc ấy vì tượng Phật vừa cao vừa nặng, không thể di chuyển qua cửa ở tầng lầu chùa Xá Lợi.
Theo di cảo của Cư sĩ Ngô Chí Bình (1906-1987), pháp danh Thiện Bảo, thoạt đầu tiên tu theo Phật giáo, sau đó nhập môn Cao Đài năm 1965, cho biết ông phải nhờ đến nhiều đàn cơ của Phật, Tiên, Thánh hướng dẫn mới thực hiện được việc di chuyển tượng Phật từ chùa Xá Lợi về đến Thanh Tâm Tự cho đến khi đặt được tượng Phật lên bát giác đài.
Cư sĩ Ngô Chí Bình là Đốc học Tư thục Tiểu học Chí Thanh ở quận 1 Sài Gòn. Ông là Tổng Lý Minh Đạo thứ nhì của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, kế nhiệm tiền bối Huệ Lương Trần Văn Quế.
Ông Bình kể lại việc di chuyển tượng Phật như sau:
“Ngày 17 tháng 8 nhuần Đinh Dậu (10-10-1957), đúng 6 giờ ban mai (giờ Mẹo), bổn thân tôi (ông Bình) đứng nguyện cho thợ khởi công lập giàn khai tượng, đục ngang giữa chia hai phần trên và dưới y theo lời Phật dạy. Bán thân trên để lại nguyên vẹn niêm lại trong thùng, còn phần dưới rã ra bốn mươi mốt tảng lớn độ hai người khiêng.
Sáu giờ rưỡi sáng ngày 29 tháng 8 nhuần Đinh Dậu (22-10-1957) do hãng Les Transitaires Réunis chuyển đi, về đến Thanh Tâm Tự (Cầu Xáng, Đức Hòa). Tới nơi hồi 12 giờ, đúng Ngọ”...
Ngày 26/2/1959, ông Bình cho khởi công đào móng, đóng cừ, đổ nền để xây dựng bát giác đài. Đến 26/4/1959, việc xây dựng tạm dừng với nhiều lý do ngoài ý muốn. Cho đến 12 tháng sau đó, ông Bình cùng với một số huynh đệ Huyền Cơ (đoàn Vô Úy) lập linh đài cầu nguyện cho sự tạo tác mau thành tựu với sự chứng minh của Hòa thượng Thích Từ Quang, Sư Thích Huyền Cơ cùng chư tăng ni hộ niệm liên tục trong ba ngày 1, 2, 3 tháng 5/1960. Đến 5/9/1960, công việc xây dựng tiếp tục trở lại suôn sẻ luôn cho đến ngày hoàn thành bát giác đài để xúc tiến việc an vị tượng Phật Thích Ca Mâu Ni.
Đúng 7 giờ sáng ngày 28/2/1961, ông Bình cho di chuyển bốn mươi mốt mảnh phần dưới pho tượng từ Thanh Tâm Tự ra địa điểm bát giác đài để cho ráp lại từ 6/3/1961 đến 16/3/1961 thì ráp xong.
Nửa phần trên pho tượng được di chuyển ra bát giác đài ngày 11/3/1961 và được vận chuyển lên đài sáng ngày 17/3/1961.
Hai bán thân pho tượng được ráp liền khớp với nhau vào chiều ngày 18/3/1961.
Thời gian tiếp theo là phần hoàn thiện Bát Bửu Phật Đài.
Bát Bửu Phật Đài được xây dựng bằng bê tông cốt thép dựa theo mô hình mẫu bằng thạch cao do KTS Võ Đức Diên hiến tặng cho cư sĩ Ngô Chí Bình.
Bát Bửu Phật Đài lúc mới xây dựng lợp mái lá. Ảnh tư liệu 1961
Lễ an vị tượng Phật thích Ca Mâu Ni được tổ chức tại chánh điện Phật đài liên tục trong ba ngày 23, 24, 25 tháng 8 năm 1961 (vào dịp Rằm tháng 7 Tân Sửu). Tham dự trong các ngày lễ có phái đoàn Hòa thượng Thích Từ Quang cùng chư tăng, phái đoàn Cao Đài Thống Nhất (Minh Tân), phái đoàn Vĩnh Nguyên Tự, đại diện Hội Thánh Cao Đài Tam Quan, đại diện chính quyền địa phương, phóng viên nhựt báo Ngày Mới cùng nhiều đạo tâm Phật tử quy về.
Đài cao 3m, là một mặt bằng lộ thiên khá rộng, tôn trí tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao 4,80m, ngang hai gối 4m, nặng khoảng 4 tấn đặt trên đài sen cao 1,20m. Có bốn cầu thang 21 bậc cấp đi lên Phật đài xây ở các hướng Đông – Nam, Tây – Bắc, Tây – Nam, Đông – Bắc. Hồ chứa nước mưa xây ở giữa có tám vách, mỗi vách rộng 3m trước đây có viết tám khẩu hiệu đạo từ: CÔNG BÌNH, BÁC ÁI, TỪ BI, ĐẠI ĐỒNG, AN CƯ, LẠC NGHIỆP, THÁI BÌNH, HẠNH PHÚC. Dưới mỗi khẩu hiệu đều có cặp liễn hai bên đề như sau:
Công Lý nhơn sanh an lạc hưởng
Bình dân chủng tộc vĩnh gia tồn
Bác vật trí nguyên khoa học sự
Ái tha tường thấu khổ tương thân
.......................................
.......................................
Đại chí thượng trung như hạ đẳng
Đồng chung tôn tiểu thị thân nhân
An hòa gia đạo thuần phong lập
Cư thạnh quốc dân mỹ tục thành
Lạc thú điền viên nông súc tạo
Nghiệp gia thổ sản túc đa sanh
Thái độ trung dung nhân loại thích
Bình an thiên hạ thế gian nhân
Hạnh phúc thiện từ gia tộc hiệp
Phúc nhân chánh nghĩa chúng sanh hòa
Ở giữa mỗi cặp liễn có tranh vẽ tiền thân Đức Phật.
Chánh điện có khoảng trống hình bát giác khá rộng bao quanh hồ nước, có 8 lối đi vào ra thong thả.
Kể từ sau lễ an vị tượng Phật, tiếng súng bắt đầu nổ giòn trong vùng Đức Huệ giáp vùng Đức Hòa. Các cuộc đụng độ giữa du kích quân cách mạng và binh sĩ VNCH diễn ra bất chợt ở vùng gần khu vực Cầu Xáng, Bát Bửu Phật Đài.
Bát Bửu Phật Đài trong ngày lễ an vị tượng Phật. Ảnh tư liệu 1961
Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni tại Bát giác đài trong buổi lễ an vị 23-8-1961. Ảnh tư liệu 1961
Qua cuộc lễ, Thanh Tâm Tự và Bát Bửu Phật Đài thưa dần đạo tâm đến chiêm bái do lưu thông thủy bộ đi lại khó khăn. Lần lần bặt hẳn bóng người lui tới vì nơi này trở thành cấm địa, chỉ có mấy vị trụ trì được phép ở lại chùa và trừ ra quân đội canh phòng mới được ra vào. Tháng 2/1965, Bát Bửu Phật Đài bị cháy phần mái tranh do lửa của trái sáng từ máy bay thả xuống. Đến tháng 11/1965, Thanh Tâm Tự bị bỏ bom sập nát chỉ còn trơ lại nền chùa.
Năm tháng trôi qua, ông Bình không có dịp về thăm chùa vì khu vực Bát Bửu Đài nằm trong vùng chiến sự mất an ninh. Mãi đến tháng 5 năm 1969, nhân dự buổi lễ Phật Đản vào ngày rằm tháng 4 âm lịch tại một Niệm Phật Đường ngang chợ Cầu Xáng, ông Bình mới có dịp trở lại viếng Bát Bửu Đài với sự hướng dẫn có tổ chức của chính quyền địa phương. Ông Bình kể lại, khi đi ngang Thanh Tâm Tự, ông vẫn không biết vì nền chùa bị tre trúc mọc lên dày bịt, hoa rừng chụp xuống ngổn ngang chằng chịt. Một sĩ quan trong đoàn dừng lại chỉ tay nói với ông Bình: - “Đây là nền chùa cũ Thanh Tâm đã bị thả bom nhưng trong ấy còn hai trái bom chưa nổ”. Khi vào đến Phật đài, ông thấy tượng Phật bị lấm nhấm nhiều vết đạn, còn hồ nước thì bị lủng một lỗ lớn và vài lỗ to bằng cái chén, bên trong vẫn còn nước ở mực bảy tám tấc, nước vẫn trong veo. Dưới nền cỏ rêu phong, chung quanh đài, lau sậy, cỏ tranh cùng cỏ dại mọc đầy !!!...
Trải qua những năm tháng chiến tranh, bom đạn tàn phá xóm làng, thiêu rụi cả mái che Phật đài, chùa Thanh Tâm bị bom san bằng, chỉ riêng ngôi Phật đài với kim thân Đức Phật dù bị nhiều thương tích do bom đạn, vẫn sừng sững nơi hoang vắng.
Thời gian trôi qua, đến tháng 3 năm 1974, được tin binh đội trú đóng đã dời đi, sự lưu thông được dễ dàng, đồng bào đi lánh nạn lục tục trở lại tìm đất cũ sanh cơ lập nghiệp. Ông Bình nhiều lần trở lại, cho dọn con đường từ nền cũ chùa Thanh Tâm ra tới Phật Đài, cho đốn cây để làm cột, dựng nhà, làm trường học cho trẻ em. Về tượng Phật bị vết đạn, ông Bình kêu thợ trám lại, ráp lại những cánh sen chung quanh liên đài và phết áo vào tượng Phật. Công việc tu bổ tượng Phật trong vòng 12 ngày thì hoàn tất (21-8-1974).
Sau 30-4-1975, tiếng súng im bặt, nhưng khu vực Bát Bửu Phật Đài vẫn ít người lai viếng, nên vẫn còn hoang vắng.
Thợ đang trám các vết đạn trên tượng Phật. Ảnh tư liệu
Tượng Phật sau khi tu bổ xong . Ảnh tư liệu
Vào năm 1976, khi có chiến dịch làm thủy lợi, dân chúng trong độ tuổi quy định phải đều tham gia đóng góp 15 ngày công lao động/năm. Hàng trăm hàng ngàn thanh niên thanh nữ thành phố cùng các đoàn thanh niên xung phong khăn gói áo quần mang theo lương thực tỏa ra các vùng nông thôn còn hoang hóa để làm thủy lợi đào kênh thông nước xả phèn. Khu vực ấp Phú Đức (vùng Cầu Xáng) xã Tân Tạo, huyện Bình Chánh là một trong những khu vực ngoại vi TP. Hồ Chí Minh, được chọn làm thí điểm. Đoàn dân công chia nhau thành nhiều toán. Mỗi toán từ vài mươi người đến hàng trăm người cùng nhau đào các con kênh có số hiệu: kênh 1, kênh 2, kênh 3,... Hết giờ lao động, họ tìm những nơi có bóng mát để nấu nướng, sau đó tìm chỗ ngã lưng nghỉ ngơi. Những người may mắn lao động gần khu có tượng Phật lộ thiên thì họ vào nghỉ bên dưới Phật đài. Họ bước theo cầu thang lên Phật đài để ngắm tượng Phật có nét mặt bao dung hiền từ, rồi họ chấp tay cúi đầu xá tượng Phật trong tâm trạng lâng lâng suy tư: Tượng Phật sao lại có mặt ở chốn đồng hoang này, tượng Phật lại chịu cảnh dầm mưa dãi nắng, không người lai vãng thắp hương, sao Ông lại ngồi lẻ loi, cô đơn quá vậy? Rồi bỗng trong tâm thức họ lóe lên hai chữ “Cô đơn”, rồi họ đặt tên cho tượng Phật ở Bát Bửu Phật Đài là “Phật Cô đơn”. Hết thời gian lao động, họ trở về thành phố, lúc đi qua thôn xóm có nhà dân, lúc ngồi trên xe họ nhỏ to với nhau chuyện gặp tượng Phật Cô đơn và khi về đến nhà họ cũng kể lại cho bà con khu phố là họ gặp Ông Phật Cô đơn ở nơi họ làm thủy lợi. Những người có tánh hiếu kỳ lần mò đi viếng tượng Phật để xem sao, coi có phải như vậy không. Rồi một đồn 10, mười đồn 100... lần hồi tên “Phật Cô đơn” lan tỏa vào tâm thức của hàng hàng Phật tử.
Như vậy có thể biết được danh xưng “Phật Cô đơn” xuất phát từ những người đi làm thủy lợi vào mùa khô năm 1976 tại nông trường Lê Minh Xuân, nơi có tượng Phật.
Đến năm 1988, Thành hội Phật giáo TPHCM giao cho Ban Đại diện Phật giáo huyện Bình Chánh từng bước chỉnh trang khu di tích Bát Bửu Phật Đài. Thượng tọa Thích Thiện Bổn được giao nhiệm vụ trụ trì. Thượng tọa cùng chư tăng ni, Phật tử đã cho sửa sang xây dựng nhiều công trình như: nhà tiếp khách, phòng phát hành kinh sách, cổng tam quan, nhiều tượng Phật tích trong khuôn viên chùa. Điện Phật ở bên trong Phật Đài. Chánh điện thờ Di Đà Tam Tôn: Phật A Di Đà, Bồ tát Quan Thế Âm, Bồ Tát Đại Thế Chí. Mặt sau thờ Tổ sư Đạt Ma. Hai bên thờ các vị Bồ tát Quan Thế Âm, Địa Tạng, Chuẩn Đề, Thiên Long, Hộ Pháp và Tiêu Diện.
Các di tượng Phật tôn trí tại Chánh điện Bát Bửu Phật Đài sau năm 1992
Bát Bửu Phật Đài sau năm1992
Cổng tam quan
Thượng tọa Thiện Bổn viên tịch ngày 23/4/2004. Thượng tọa Thích Thiện Ấn (Nhật Ấn) trụ trì chùa Long Thạnh trên tỉnh lộ 10 được cử kiêm nhiệm trụ trì Bát Bửu Phật Đài từ 2005 đến nay. Đại đức Thích Minh Tài có mặt tại Bát Bửu Phật Đài từ năm 1991, hiện nay thay mặt TT Thích Nhựt Ấn quản lý khu di tích.
Trải qua những năm tháng chiến tranh, bom đạn đã tàn phá xóm làng, chùa Thanh Tâm bị xóa sổ, chỉ riêng ngôi Phật đài với Kim thân Đức Phật vẫn sừng sững, trang nghiêm giữa nơi hoang vắng. Sự việc tượng Đức Thích Ca vẫn tồn tại nguyên vẹn trong khi cả một vùng bom đạn bị cày xới, trơ trụi, đã làm tăng thêm niềm tin Phật của giới Phật tử. Không những người dân địa phương gọi di tích tôn nghiêm này là chùa “Phật Cô đơn” mà giới Phật tử, ngay đến các vị chức sắc các chùa chiền khi nghe nói đến Bát Bửu Phật Đài ở khu Cầu Xáng Lê Minh Xuân cũng hiểu là nói đến “Phật Cô đơn”.
Bát Bửu Phật Đài ngày nay là điểm tham quan, chiêm bái, hấp dẫn du khách Phật tử gần xa vào dịp Tết và các ngày rằm...
Nguồn: chuaxaloi.vn