Tôi là người theo đạo Phật và muốn hiểu rõ hơn về giáo pháp. Tôi có câu hỏi xin quý Báo trả lời giúp: Cúng vong linh, cúng cô hồn có phải là pháp của đạo Phật? Nếu có, xin vui lòng chỉ giúp Đức Phật dạy các điều ấy trong những kinh nào?
HỎI: Tôi là người theo đạo Phật và muốn hiểu rõ hơn về giáo pháp. Tôi có câu hỏi xin quý Báo trả lời giúp: Cúng vong linh, cúng cô hồn có phải là pháp của đạo Phật? Nếu có, xin vui lòng chỉ giúp Đức Phật dạy các điều ấy trong những kinh nào?
(MINH CƯỜNG, quexua...@gmail.com)
Bạn Minh Cường thân mến!
Cúng vong linh và cúng cô hồn là tập tục, tín niệm dân gian có từ lâu đời, phổ biến trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người Việt. Cúng vong linh thường thực hiện vào những ngày kỵ giỗ, con cháu soạn mâm cỗ dâng cúng ông bà cha mẹ và những người thân đã mất. Cúng cô hồn là trai chủ phát tâm sắm sửa cơm nước lễ vật để phân phát, bố thí cho những vong hồn cô độc, đói khát, lang thang vất vưởng, không nơi nương tựa (trong dân gian thường cúng cô hồn vào các ngày đầu và cuối tháng âm lịch, vào các dịp giỗ-lễ của gia đình, đặc biệt bố thí rộng lớn trong tháng Bảy hàng năm).
Trong đạo Phật, cúng vong linh và cúng cô hồn là những nghi lễ thông dụng. Các chùa vẫn tổ chức cúng vong linh hàng ngày cho bá tánh Phật tử thập phương. Tuy nhiên, tùy theo nhận thức, hiểu biết về Chánh pháp của mỗi người mà có quan niệm về cúng vong linh và cô hồn khác nhau. Theo đạo Phật, khi cúng vong linh, chỉ những vong linh tái sinh trong loài ngạ quỷ mới được lợi ích vì tương ưng xứ. Cúng cô hồn chính là phương thức bố thí cho loài quỷ đói khát được no đủ đồng thời khai thị cho chúng xả ly các chấp thủ để thoát ra khỏi cảnh giới khổ đau. Lần tìm trong kinh tạng Pàli, chúng ta có thể thấy rõ hơn những lời Phật dạy về việc cúng vong linh và cúng thí thực cô hồn (bố thí ngạ quỷ).
Trước hết, kinh Tăng chi bộ (chương 4 pháp, phẩm Nghiệp công đức, phần Bốn nghiệp công đức), Đức Phật xác định hiến cúng các vong linh là việc làm đúng đắn. Vị Thánh đệ tử với tài sản do mình làm ra đúng pháp, rồi “tổ chức 5 loại hiến cúng; hiến cúng cho bà con, hiến cúng cho khách, hiến cúng cho các vong linh quá khứ, hiến cúng cho vua, hiến cúng cho chư Thiên” là “sự thọ hưởng đúng phương xứ”. “Hiến cúng cho các vong linh quá khứ” tương đồng với việc cúng giỗ, cúng kỵ, cúng vong linh của chúng ta ngày nay.
Kế đến, cũng trong kinh Tăng chi bộ (chương 10 pháp, phẩm 17-Janussoni, phần Janussoni), Đức Phật đã dạy rõ về việc con cháu tổ chức cúng cho người thân (ông bà cha mẹ…) đã chết, ai tương ưng xứ thì mới được lợi ích. “Này Bà-la-môn, người nào sau khi thân hoại mạng chung, sinh vào cõi ngạ quỷ. Vị ấy được nuôi sống và tồn tại với các món ăn tại đấy. Món ăn nào, các bạn bè, thân hữu, hoặc bà con, hoặc người cùng huyết thống muốn hướng cúng cho vị ấy; tại đấy, vị ấy sống với món ăn đó, tồn tại với món ăn đó. Này Bà-la-môn, đây là tương ưng xứ, trú nơi đây, vị ấy được lợi ích của bố thí ấy”. Nghĩa là nếu thân nhân của chúng ta sau khi chết theo nghiệp thọ sinh vào địa ngục, súc sinh, người, trời thì không hưởng được những gì chúng ta dâng cúng nhưng nếu tái sinh vào ngạ quỷ thì hưởng được.
Quan trọng là Đức Phật đã xác quyết lục thân quyến thuộc của chúng ta chắc chắn có nhiều người tái sinh vào ngạ quỷ, nên sự cúng kính ấy không bao giờ là dư thừa, vô ích. Mặt khác, người phát tâm hiến cúng chắc chắn hưởng được phước quả: “-Thưa Tôn giả Gotama, nếu bà con huyết thống ấy đã chết, không sinh vào chỗ ấy, thời ai hưởng bố thí ấy? -Này Bà-la-môn, các bà con huyết thống khác đã chết, được sinh vào chỗ ấy, những người ấy được hưởng bố thí ấy. -Thưa Tôn giả Gotama, nếu bà con huyết thống đã chết, không sinh vào chỗ ấy, và các bà con huyết thống khác cũng không sinh vào chỗ ấy, thời ai hưởng bố thí ấy? -Không có trường hợp ấy, không có cơ hội ấy, này Bà-la-môn, rằng chỗ ấy có thể trống không trong một thời gian dài, không có người bà con huyết thống đã chết. Nhưng này Bà-la-môn, người bố thí không phải không có hưởng quả”.
Về cúng cô hồn, cô hồn là cách gọi của dân gian về loài quỷ đói khát (ngạ quỷ). Kinh Phật đề cập khá nhiều đến ngạ quỷ và cách bố thí cũng như cứu độ cho loài này. Kinh Tương ưng bộ (tập V, chương 12 - Tương ưng Sự thật), Đức Phật đã khẳng định con người sau khi chết đi, một bộ phận không nhỏ phải theo nghiệp tái sinh vào ngạ quỷ: “Này các Tỳ-kheo, ít hơn là các chúng sanh sau khi chết từ thân người, được tái sanh làm người lại. Và nhiều hơn là các chúng sanh sau khi chết từ thân người, phải tái sanh vào cõi ngạ quỷ”.
Ngạ quỷ sống cộng cư với loài người nhưng hầu hết chúng ta không thấy họ. Trong một số trường hợp, đủ nhân duyên như nữ cư sĩ Velukantakì, mẹ của Nanda, thấy được quỷ: “Một thời, Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Mahà Moggallàna đang du hành ở Dakkhinàgiri, cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Lúc bấy giờ, nữ cư sĩ Velukantakì, mẹ của Nanda… nói với Tôn giả Sàriputta: Thưa Tôn giả, không phải chỉ có sự vi diệu như vậy, sự hy hữu như vậy đối với con. Con còn có một sự kiện vi diệu, hy hữu khác! Ở đây, thưa Tôn giả, người chồng của con, khi mạng chung, sanh vào sanh loại (quỷ) Dạ-xoa, và vị ấy hiện lên trước mặt con, với một tự ngã như lúc trước. Nhưng thưa Tôn giả, con rõ biết, không vì nhân duyên ấy, tâm của con có đổi khác” (Kinh Tăng chi bộ, chương 7, Bảy pháp, phẩm 5-Đại tế đàn).
Kinh Tiểu bộ (Ngạ quỷ sự, phẩm Ubbari, Chuyện mẹ của Trưởng lão Sàriputta) kể rằng: “Lúc Thế Tôn ở tại Trúc Lâm, bấy giờ các Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên… đang trú tại một nơi trong khu rừng không xa thành Vương Xá. Trong đời quá khứ, mẹ của Tôn giả Xá-lợi-phất vì tham lam bỏn sẻn, tạo ác nghiệp nặng nề nên khi từ trần bà tái sinh làm ngạ quỷ chịu nhiều khốn khổ. Nữ quỷ đã tìm đến và cầu xin Tôn giả Xá-lợi-phất rũ lòng thương, vì quỷ mà phát tâm bố thí, cúng dường để thoát khổ ngạ quỷ. Sau đó, Tôn giả Xá-lợi-phất cùng các Tỷ-kheo đến gặp vua Tần-bà-sa-la trình bày sự việc, nhờ trợ duyên và được đức vua chấp thuận. Khi lễ vật chuẩn bị xong, Tôn giả Xá-lợi-phất thành tâm dâng cúng lên Đức Phật và chư Tăng khắp mười phương rồi hồi hướng công đức cho nữ quỷ. Nhờ phước báo ấy mà nữ quỷ, mẹ Tôn giả Xá-lợi-phất trong quá khứ được thoát kiếp ngạ quỷ, sinh lên cõi trời”.
Ngoài ra, còn có các kinh như kinh Tiểu bộ (Ngạ quỷ sự, phẩm 1- phẩm Con rắn, Chuyện Ngạ quỷ ngoại bức tường) kể chuyện về bố thí cho ngạ quỷ hết đói khát, kinh Tiểu bộ (Ngạ quỷ sự, phẩm Ubbari, Chuyện mẹ của Uttara) nhấn mạnh đến việc cúng dường chư Tăng để hồi hướng công đức cho ngạ quỷ được sinh thiên. Ngạ quỷ là loài chúng sinh chịu nhiều thống khổ đói khát, họ mong mỏi được bố thí các đồ ăn uống cũng như làm phước để hồi hướng cho họ. Tuy mắt phàm chúng ta chẳng nhìn thấy ngạ quỷ nhưng không có nghĩa là chúng không có. Đức Phật, chư vị Thánh Tăng biết rất rõ cảnh giới này nên đã cảnh tỉnh: “Này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy chúng sinh ấy nhưng Ta không có nói. Nếu Ta có nói, các người khác cũng không tin Ta. Và những ai không tin Ta, những người ấy sẽ bị bất hạnh, đau khổ lâu dài” (Kinh Tương ưng bộ, tập II, chương VIII, Tương ưng Lakkhana, phẩm Thứ nhất, I-Đống xương).
Có thể nói, cúng vong linh và cúng thí cho quỷ đói cô hồn đã tồn tại trong tín ngưỡng của người Ấn Độ cổ đại. Tín niệm này được Đức Phật đề cập đến khá nhiều trong giáo thuyết của Ngài. Nói chung, quan điểm của Đức Phật là tùy thuận việc cúng kính này trong tinh thần trí tuệ, từ bi, nhằm lợi ích hữu tình. Khi đạo Phật truyền sang Việt Nam tín niệm này được tiếp biến với tập tục và văn hóa bản địa, đồng thời được duy trì cho đến ngày nay.
Chúc bạn tinh tấn!