Tất cả các cơ sở tôn giáo của Phật giáo dù có nhiều danh xưng nhưng đều có thể gọi đó là Chùa. Những tên gọi khác như Thiền viện, Tu viện, Tịnh xá… được dùng trong Phật giáo hiện nay ngoài ý nghiã và chức năng của Chùa nói chung chỉ nhằm mang sắc thái tu tập đặc thù của tông phái, hệ phái...
Hỏi: Ở quê hương chúng tôi chỉ có Chùa, Tự và Cổ tự nhưng khi đọc sách báo Phật giáo và đi thực tế tôi được biết thêm ngoài chùa ra còn có Thiền viện, Thiền thất, Tu viện, Phật học viện, Tổ đình, Tịnh xá, Tịnh thất, Ni tự, Sắc Tứ… tự, Tùng lâm, Già lam. Vậy các cơ sở này mang ý nghiã thế nào? Có gì khác với Chùa không?
Đáp: Chùa, nói chung là nơi thờ Phật, các cơ sở thờ tự của Phật giáo đồng thời cũng là chỗ tu học, lễ bái của Tăng Ni và Phật tử. Chùa là dịch nghiã của chữ Tự theo Hán ngữ. Khởi nguyên, Tự là công sở, trụ sở, dinh thự, dịch quán (Sơ đẳng Phật học giáo khoa thư – Tự). Đến thời Hán, Tự là nhà khách dùng để tiếp đón quan khách và các đoàn sứ giả (Hồng Lô tự). Khi hai nhà truyền giáo Ấn Độ đầu tiên là Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan đến Trung quốc, Hán Minh đế thỉnh hai ngài ở Hồng Lô tự. Về sau, nhà vua cho xây dựng một cơ sở khác ở cửa Tây thành Lạc Dương để hai vị Cao tăng làm nơi tu tập, dịch kinh và truyền bá Phật pháp, đặt tên là Bạch Mã tự (Kinh Tứ thập nhị chương). Tự có nghiã là cơ sở tôn giáo của Phật giáo Trung Quốc bắt nguồn từ đó.
Tất cả các chùa ở nước ta hiện nay, nếu gọi theo tiếng Việt là chùa A , chùa B nhưng đều có tên chữ là A tự, B tự; như chùa Linh Sơn (Linh Sơn tự), chùa Pháp Hoa (Pháp Hoa tự) v.v… Cổ tự có nghĩa là chùa cổ, chùa xưa. Những ngôi Cổ tự này lúc khai sơn, lập tự chưa có danh hiệu cổ tự. Về sau, hậu thế thêm chữ “cổ” vào tên chùa để tăng thêm bề dày lịch sử.
Mặt khác, tuy Chùa có nghĩa tương đương với Tự trong Hán ngữ nhưng theo một số nhà nghiên cứu thì cho rằng Chùa có thể bắt nguồn từ chữ stupa (Sanskrit) hay thupa (Pàli), có nghiã là Tháp, do người Việt cổ đọc trại ra mà hình thành (Thích Minh Châu – Minh Chi, Từ điển Phật học Việt nam, tr 132).
Chùa thì có lớn, vừa hoặc nhỏ, người đông hoặc ít nhưng Viện thì đa phần to lớn, quy mô, nhiều ban và có đông tăng sỹ tu học. Thiền viện là những “chùa lớn” chuyên tu thiền định. Những Thiền viện lớn có đến hàng ngàn thiền sinh.
Tu viện là những viện chuyên tu, cũng được xếp vào loại “chùa lớn”. Danh xưng tu viện tuy không nêu rõ lập trường tu tập của tu viện ấy song ai cũng biết đó là một trung tâm tu học lớn, tu tập theo một tông phái nào đó như Thiền tông hoặc Tịnh độ tông v.v… Phật học viện là cơ sở giáo dục đào tạo Tăng Ni trẻ, trường Phật học các cấp.
Tổ đình là những ngôi chùa Tổ, nơi bắt đầu của một pháp phái. Các chùa viện chi nhánh xuất phát từ một vị Tổ sư khai sáng, thành lập hệ thống sơn môn pháp phái, tôn xưng ngôi chùa của thầy tổ làm Tổ đình. Tịnh xá có nghiã là nơi tu tập thanh tịnh, hầu hết những cơ sở tôn giáo của hệ phái Phật giáo Khất sỹ đều mang tên tịnh xá. Tịnh xá cũng như chùa có đủ loại lớn nhỏ khác nhau. Tịnh thất là nơi ở và chuyên tu của một hoặc vài hành giả với các đặc điểm nhỏ, vắng lặng và ẩn dật. Ni tự là chùa của chư Ni (người nữ xuất gia). Tuy nhiên, trong thực tế thì Chùa (Tự) bao hàm ý nghiã là nơi tu học cho cả chư Tăng và chư Ni.
Sắc Tứ … tự là những ngôi chùa được sắc phong của vua ban tặng. Những ngôi chùa có công với vua, đất nước hay nổi tiếng về một phương diện nào đó (đạo đức, linh ứng…) thường được sắc phong. Hiện tại, có rất nhiều chùa Sắc Tứ do các triều vua thời phong kiến sắc phong, ban tặng.
Tùng lâm (Vihara) có nghĩa tương ứng với Già lam (Asharam) là những tinh xá rộng lớn, có rừng hoặc vườn cây, nhà cửa để tăng chúng tu học với số lượng lớn. Tùng lâm và Già lam thường rộng rãi, thiên nhiên, rất bề thế và quy mô. Những tinh xá to lớn như Trúc Lâm (Ma Kiệt Đà), Kỳ Viên (Xá Vệ) mới xứng nghiã Tùng lâm, Già lam. Về sau này, Tùng lâm hay Già lam thường nhỏ hơn, là chùa nói chung nhưng phải đủ bảy kiến trúc gọi là Thất đường. Bao gồm: Phật điện (Chánh điện), tháp (thờ xá lợi hoặc thờ Phật), giảng đường (nơi giảng kinh), chung lâu (lầu chuông), tàng kinh các (phòng kinh sách), tăng phòng (phòng ở của chúng Tăng), thực đường (nhà ăn). (Phật Quang đại từ điển – Già Lam).
Tất cả các cơ sở tôn giáo của Phật giáo dù có nhiều danh xưng nhưng đều có thể gọi đó là Chùa. Những tên gọi khác như Thiền viện, Tu viện, Tịnh xá… được dùng trong Phật giáo hiện nay ngoài ý nghiã và chức năng của Chùa nói chung chỉ nhằm mang sắc thái tu tập đặc thù của tông phái, hệ phái đồng thời thể hiện những đặc điểm riêng về quy mô, kiến trúc, truyền thống… mà thôi.
Thầy : Huyền Ngu - Quảng Tánh