Chúng ta cầu phải như lý như pháp. Người thế gian cầu nguyện quá nhiều, vì sao không có được cảm ứng?
Vì họ không hiểu đạo lý, không biết được phương pháp, việc cầu nguyện đó không như lý như pháp, cho nên không có cảm ứng.
Sự cầu nguyện trong cửa Phật, khi tôi mới bắt đầu học Phật, đại sư Chương Gia dạy cho tôi. Ngài nói, chúng ta hướng đến Phật Bồ Tát cầu nguyện, lâu dài không thể hiện tiền, không thể thỏa mãn nguyện vọng, đây là do nghiệp chướng chướng ngại. Chúng ta nhất định phải phản tỉnh, phải quán sát, nghiệp chướng của chính mình đang tồn tại, phải nỗ lực đem nghiệp chướng tiêu trừ, thì sở cầu của chúng ta liền mãn nguyện, liền có thể hiện tiền.
Làm thế nào để nghiệp chướng tiêu trừ? Đại sư nói với tôi, phải “Sám hối”, cùng Bồ Tát Phổ Hiền đã nói “Sám trừ nghiệp chướng” là một ý nghĩa. Tôi hỏi đại sư, cách sám trừ như thế nào? Ngài nói với tôi bốn chữ: “Sau Không Làm Nữa”.Câu nói này nói được dễ dàng, nhưng làm thì thật là khó. Nhà Nho nói: “Bất nhị quá” cũng là cái ý này. Lỗi lầm chỉ có một lần, không thể lăp lại, đây gọi là chân sám hối. Ngài nói với tôi, không cần phải vào chùa thắp hương lễ lạy, đi cầu nguyện, không cần thiết. Vào lúc đó tôi mới học Phật, ngay cả Tam Quy Y cũng chưa thọ. Ngài dạy tôi không cần thiết phải vào trong chùa lạy Phật, quan trọng nhất chính là “thay đổi tự làm mới”. Đây là lời của đại sư Chương Gia dạy tôi.
Chúng ta biết được lỗi lầm của chính mình, phát hiện lỗi lầm của chính mình, đây chính là khai ngộ. Người giác ngộ, sau khi ngộ rồi, đáng quý nhất là phải tu hành. “Tu hành” là gì? Chính là cải lỗi, đem lỗi lầm của chính mình cải đổi lại, đây gọi là tu hành. Cho nên, tu hành là tu sửa lỗi lầm của chính mình, tu sửa hành vi sai lầm của chính mình.
Do đây có thể biết, tu hành không chỉ là niệm Phật tụng kinh, không phải vậy. Việc tụng kinh niệm Phật là phương pháp của tu hành. Người chân thật tu hành phải hiểu được là đem hành vi sai lầm của mình cải đổi lại. Tu từ chỗ nào? Tổ sư đại đức dạy bảo chúng ta “tu từ căn bản”. Cái gì là căn bản? “Khởi tâm động niệm” là căn bản.
Đây là phương pháp tu hành cao minh nhất. Ta nói chuyện sai rồi, lần sau ta cải đổi; ta làm sự việc này sai rồi, lần sau ta không dám làm nữa. Đây là tu từ trên sự, tu từ trên thân, không phải từ căn bản. Căn bản là từ khởi tâm động niệm, từ chỗ này mà cải sửa thì thân khẩu của bạn tự nhiên liền không có lỗi lầm. Cho nên, phải hiểu được ý niệm mới khởi thì có thể quán sát được.
HT. Tịnh Không chủ giảng