U âm thầm nâng đỡ tôi vào đạo

Thứ năm, 08/08/2019, 20:50 GMT+7
    Tôi sinh năm 1931, vào chùa lúc 8 tuổi, lúc đấy ở miền Bắc bắt đầu nạn đói. Chùa có thóc nhưng sư cụ chỉ dám cho ăn cầm chừng. Ở chùa làng, chỉ có hai sư già, sư cụ, sư bác và 3 chú tiểu, tất cả tự làm ruộng để sống. 
 

DSC02704.JPG
NT.Tịnh Nguyện điều hành một phiên họp của Ni giới

    Ở chùa làng, tôi là chú tiểu nhỏ nhất, được sư cụ cho đi chăn trâu.

    Mỗi khi đưa trâu xuống làng, ra bãi tha ma bên bờ ruộng, vì không hiểu gì về giới luật của Đức Phật nên tôi và đám bạn 5-7 đứa cùng chăn trâu, rủ nhau đi móc cua đồng, nướng rơm rồi… ăn ngon lành. Đó là lý do, là niềm vui tuổi thơ khiến chúng tôi rất thích đi chăn trâu.

    Nhà tôi ở dưới làng, cách chùa chỉ chừng 2 cây số. Tôi ở chùa đói khổ nhưng chưa bao giờ muốn về nhà, vì nghĩ rằng mình ráng tu thì sẽ thành Phật. Thế nhưng, chỉ khi nào đói quá thì tôi mới nhớ đến hình bóng u (mẹ - PV). U thường ngồi bên khung cửi, là người rất hiền dịu. Thỉnh thoảng, tôi lén sư cụ chạy về nhà rất nhanh, chạy qua một bãi tha ma và một miếu thờ thần, rồi mới đến nhà. Vì lúc nào đứa trẻ 8-9 tuổi cũng cảm thấy đói nên mỗi khi chạy về nhà, u tôi đều để dành sẵn cho một bát cơm ngon.

    Những năm đó, cả làng đều lâm vào nạn đói, tôi còn nhớ chú tiểu trong chùa tên Mới bị chết đói. Sư cụ rất đau lòng đành chôn cất chú sau ruộng nhà chùa. Những chú tiểu ở chùa đều gầy ốm, nhờ đi chăn trâu, có ăn cua đồng nên tuy nhỏ nhất trong chùa, nhưng tôi ít bị đói hơn. Ở dưới làng, nhiều khi đội rau đi bán, tôi nhìn thấy nhiều người từ làng khác đến, vì đói nên nằm vất vưởng bên đường. Lúc ấy, tôi cũng thấy rất đau lòng và sợ sệt.

    Tôi nhớ những lúc về nhà để được ăn, thấy nhà tôi thường nấu cháu loãng “thí” cho những người qua đường đói khát.

    Tôi cũng nhớ về hình bóng bà nội. Lúc tôi còn rất nhỏ, bà nội đã dắt tay tôi đi lễ chùa mỗi ngày vào lúc 4 giờ chiều. Ở làng, các bà, các cô, thanh niên rất thích đi chùa. Trong trí nhớ tôi, đi chùa lúc ấy như được đi hội. Chúng tôi đi chùa, xong khóa lễ tối khoảng 8 giờ thì trở về làng. Tôi thích lắm. Đó cũng là nhân duyên tôi được bà nội và u cho đi làm “chú tiểu” từ lúc 8 tuổi. Bây giờ nhớ lại, tôi rất buồn cười. Tôi thích đi vào chùa ở, xuất gia là vì thấy sư bác rất trẻ (chỉ hơn tôi vài tuổi) và rất xinh đẹp (cười).

    Lúc tôi vào chùa, bố (là lý trưởng ở làng) và anh trai không đồng ý vì thấy tôi còn nhỏ quá. Bố bảo, nhà mình có đói khổ gì mà cho con vào chùa. Nhưng, tôi lại được bà nội và u đồng ý cho đi. Lúc ấy, tôi đi tu không có chút gì buồn hay lo sợ xa nhà mà trái lại rất vui vẻ vì sẽ được ở chùa có Đức Phật và sư bác xinh đẹp. Lúc sư cụ cạo đầu, tôi còn nhớ chỉ có bà nội và u chứng kiến. Tôi cũng thấy rất vui vì chỉ thích ở với sư bác xinh đẹp thôi.

    Trong trí nhớ của tôi, bố là người không biết làm gì, chỉ mê “xóc đĩa”, cậy nhà nội có ruộng đất, nhưng về sau, vì mê xóc đĩa nên mọi thứ cũng dần hết. Chỉ ông nội là người thâm Nho, làm nghề dạy học ở làng nên tôi cũng biết chữ nhờ đấy. Bố mất rất trẻ, khi mới 42 tuổi. Lúc ấy, tôi đang còn ở chùa làng.

    Chỉ có hình ảnh u tôi lúc nào cũng rõ nét, in đậm trong tâm trí tôi. Hình ảnh cụ thường ngồi bên khung cửi, dệt lụa. U rất hiền. Như bao người phụ nữ thời bấy giờ, bà không biết chữ nhưng là người phụ nữ thôn quê đặc trưng miền Bắc, đảm đang mọi việc vì chồng vì con và gia đình.

    Vì u là người dệt lụa nên thỉnh thoảng u mang lên chùa cho vài tấm lụa trắng. Sư cụ đã mang những tấm lụa đổi thành tấm vải ú thô để may đồ mới cho các chú tiểu. Những tấm vải được dậm dưới bùn để ra màu “xám chó” rồi mới nhờ người may tay thành những bộ quần áo mới cho chúng tôi.

    Một chú tiểu đang tuổi ăn, tuổi lớn như tôi lúc nào cũng cảm thấy đói, thế nên hình ảnh của u trong lòng tôi càng nhiều, càng sâu đậm hơn. Đó là sự thật rất… phũ phàng. Chính vì thế, những năm tháng hành điệu ở chùa, tôi nhớ đến u nhiều nhất, cũng chính là nhớ đến bát cơm u chờ sẵn ở nhà. Tôi cũng nhớ, những buổi sáng đội rau đi bán ở chợ làng, u thường chờ sẵn trên đường, giúi cho nắm cơm vắt gói lá… U tôi mất lúc đã trụ thế được 82 năm. Lúc ấy, tôi đang tu học ở Huế. Biết tin u mất, tôi bắt xe đò về lại quê nhà, trong lòng ngổn ngang bao nhiêu hình ảnh cũ của u hiện về, nhất là hình ảnh u ngồi bên khung cửi, hình ảnh u đứng đợi tôi bên đường làng...

    Mỗi mùa Vu lan - mùa Báo hiếu, dù đã gần “cửu thập” nhưng khi nhớ về u, tôi ấn tượng nhớ sâu đậm nhất vẫn là suốt bảy năm tôi ở chùa làm tiểu. U đã ở bên tôi, dù không khuyên bảo gì nhiều nhưng lúc nào cũng hiền hòa như nước ở bến quê. U đã âm thầm giúp tôi, nâng đỡ tôi ở buổi sơ tâm vào đạo.

    Ngôi chùa làng Phúc Điền (chùa có tên chữ là Phúc Xương, nay thuộc xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, Ninh Bình) cổ kính, đơn sơ ấy, ngày nay vẫn còn in đậm những dấu ấn thơ dại, thời tôi còn để… chỏm”.

NT.Thích nữ Tịnh Nguyện
UVTT HĐTS, Trưởng Phân ban Ni giới Trung ương GHPGVN
H.Diệu ghi

Ý kiến của bạn