Lúc còn nhỏ, khi 'quýnh' nhau với mấy đứa trong lớp, tôi 'quýnh' thắng, nó chảy máu mũi, nó khóc, tôi nhếch mép cười. Nhưng khi nghe nó kêu "tao về tao méc ba tao" thì tôi lại khóc. Vì tôi không có ba để méc như nó.
Ba và mẹ ly thân, nói đúng hơn là tôi sống với ông ngoại khi còn chưa đầy tháng. Mẹ cũng vì mưu sinh không bên cạnh tôi, một tuần tôi chỉ gặp được mẹ một lần, hiếm hoi lắm mẹ mới hỏi tôi chuyện học ở lớp, ở trường. Cũng hiếm lắm mẹ mới đi họp phụ huynh cho, trừ khi là giáo viên chủ nhiệm mời đích thân - khi tôi đánh nhau trong lớp. Có nhiều khi vì muốn mẹ quan tâm mà tôi cố tình đánh nhau, để bị họp phụ huynh, lúc đó mẹ sẽ về đi họp và cho tôi tiền.
Sau khi đánh nhau, nghe bạn kêu "tao về tao méc ba tao" thì tôi lại khóc. Vì tôi không có ba để méc như nó... |
Cái nghèo khó đã cho tôi động lực trong học hành và công việc. Tôi học như điên và làm việc như dại, tôi luôn làm gấp đôi các bạn bình thường, thời gian ngủ từ thời cấp 2 đến nay luôn là 5 tiếng mỗi ngày, hiếm khi nào 6 tiếng, dù là ngày Tết.
Thứ tôi có được ở tuổi 35 là tự mua được cho mình nhà, mua thêm được căn chung cư, mua được ô tô và mỗi tháng đều trích 3 triệu tặng cho hoàn cảnh khó khăn.
Tôi nghĩ cuộc sống của tôi về vật chất là đủ đầy, bữa ăn của tôi năm ba triệu là bình thường, món nào thích tôi đều dùng tiền tự mua ăn được. Nhưng tôi không mua được, mà nói đúng hơn là không mua nổi - có tiền cũng không mua được bữa ăn với ba. Tôi cũng chưa từng biết được ba thương thì có cảm giác như thế nào. Bạn tôi ngưỡng mộ tôi, nói tôi khá, tôi thành đạt nhưng tôi luôn nói lại là mình nghèo. Các bạn đâu biết thứ mà tôi không có, thứ mà tôi khao khát nó thiêng liêng như thế nào.
Khi ngoại tôi còn sống, khi đến ngày Vu lan là ngoại thường dẫn tôi lên chùa để làm lễ cầu nguyện cho người còn kẻ mất. Tôi giữ truyền thống đó đến hôm nay, dù trời mưa tôi cũng sẽ đội mưa đi chùa ngày này.
Tôi được cài hoa hồng đỏ, vì còn cả cha và mẹ, nhưng trong thâm tâm tôi niềm vui chẳng trọn vẹn, vì ba mẹ đã bỏ nhau tù lúc tôi còn nhỏ... |
Tôi được cài hoa hồng đỏ, vì còn cả cha và mẹ, nhưng trong thâm tâm tôi niềm vui chẳng trọn vẹn. Ba, mẹ tôi còn đó nhưng tôi có được sống cùng đâu, có được hưởng thụ tình thương mỗi ngày đâu? Tôi cũng khao khát báo hiếu cho ba, chở ba đi chơi hay cùng nhau ăn uống, cùng tám chuyện nhưng đó cũng chỉ là khao khát và ước.
Vì vậy, khi thấy ai có đủ cha mẹ, tôi tự dưng vui lây cho họ và nhiều khi tôi vui cả ngày chỉ vì thấy hình ảnh đẹp đó. Tôi thích đến chùa vào ngày Vu lan một phần cũng vì để nhìn thấy niềm vui của mọi người khi được cài hoa hồng, nhất là khi thấy các em đoàn sinh Gia đình Phật tử, sự hồn nhiên đáng yêu của các em Sen non khi cài hoa hồng trên ngực áo.
Tôi nhớ, khi đi học, làm kiểm tra môn tập làm văn, đề bài đưa ra "tả ba của em", tôi có biết ba mình gì đâu mà tả. Cho nên sau này, khi đọc được những bài viết có nội dung tương tự, tôi có sự đồng cảm sâu sắc.
Nếu có một điều, tôi xin nhắn gửi đến các bậc phụ huynh, xin hãy làm tròn trách nhiệm của mình với con trẻ, đừng nghĩ rằng cha mẹ là cực nhất, khổ nhất, vất vả nhất, mà quên rằng phụ huynh hơn con rất nhiều, ít nhất là mình còn có quyền lựa chọn - chọn có sinh đứa trẻ ra hay không, còn con trẻ chắc chắn không có quyền lựa chọn cha mẹ cho mình.
Suy cho cùng, với mọi đứa trẻ và ngay cả chúng ta khi đã lớn khôn thì ai cũng muốn có hạnh phúc. Hạnh phúc có nhiều cách để mưu cầu, mỗi người có nhiều cảm nhận khác nhau nhưng có lẽ với nhiều người, được sống trong tình thương của ba mẹ thì người đó vừa hạnh phúc, vừa giàu có nhất thế gian...
Quốc Việt (Hạnh Ý ghi)/Báo Giác Ngộ