Ở Nhật người ta gọi các tượng phật có kích thước khổng lồ là Daibutsu, và Daibutsu ở Kamakura là một trong những pho tượng Phật nổi tiếng nhất của đất nước Phù Tang.
Daibutsu ở Kamakura là tượng Phật A Di Đà được đúc bằng đồng vào năm 1252 bởi các điêu khắc sư Ono-Goroemon và Tanji-Hisatomo theo lời thỉnh cầu của cô Idano-no-Tsubone và nhà sư Joko. Các vị này không những có sáng kiến về việc đúc tượng, xây dựng đền thờ mà còn lo cả việc quyên góp tiền bạc để thực hiện nữa.
Trước kia pho tượng được thờ trong một chánh điện khổng lồ chùa Kotokuin, nhưng vào năm 1495 một cơn sóng thần đã quét sạch ngôi chùa, chỉ còn lại pho tượng không bị hề hấn gì cả; rồi kinh đô được dời về Nara nên chùa không được xây dựng lại và cũng từ đó pho tượng ở ngoài lộ thiên.
Pho tượng cao 13.35m và người ta đã dùng đến 121 tấn đồng để đúc tượng. Trong một thời gian dài đây là pho tượng Phật bằng đồng lớn nhất thế giới. Pho tượng rỗng ở bên trong và có cầu thang dẫn lên cao tới nơi cổ của tượng.
Qua nhiều thế kỷ, pho tượng bị hư hại nhiều lần do thiên tai, đến năm 1960-61 pho tượng được đại trùng tu. Người ta sửa chữa và gia cố phần cổ của pho tượng cũng như thực hiện một hệ thống nền chống các cơn động đất ở dưới bệ tượng.
Pho tượng có một số những đặc điểm đáng lưu ý như mắt khép hờ nhìn xuống đất, ánh mắt tạo cho khách thập phương một cảm giác gần gũi bao dung mỗi khi tiến đến gần tượng.
Trên trán của pho tượng có một nét cong được làm bằng bạc ròng, nặng 13.5kg, phát sáng biểu hiện cho vô lượng quang toả đi khắp mười phương thế giới.
Sóng mũi mang nét nghệ thuật điêu khắc của Hy Lạp
Tóc là những xoắn theo chiều kim đồng hồ và có tất cả là 656 xoắn.
Chân bắt chéo hơi nghiêng về phía trước
Tư thế của tượng thể hiện sự thiền định vừa mang phong cách Ấn Độ, vừa có nét thiền Zen của Nhật.
Tượng Phật ở Kamakura là một trong những hình ảnh biểu tượng của Nhật Bản đã được lên tem như năm 1939 (Sc273), 1953 (Sc-C39-42).
Trong số này có một con tem rất đáng lưu ý là con 1y, màu nâu nhạt, phát hành năm 1939, vào năm 1942 trong thời kỳ Thế chiến II Nhật đã mang ra in đè để dùng tạm những nơi Nhật chiếm đóng ở North Borneo. Con tem này tương đối có giá, đặt biệt là tem chết mắc hơn tem sống, nên in đè giả khá tràn lan.
Ngoài ra rất nhiều nước khác cũng đưa hình ảnh tượng Phật Kamakura lên tem bưu chính của mình trong các mục thắng cảnh, di tích, văn hóa, hữu nghị... nhất là vào các dịp tham dự thế vận hội, hội chợ ở Nhật.