Đây là những điều mà tôi đã được nghe, thời Đức Phật cư trú tại ngôi nhà khách ở trong rừng, thuộc tụ lạc Na-lợi. Lúc ấy có tôn giả Tán-đà Ca-chiên-diên đến thăm Người. Sau khi đảnh lễ dưới chân Đức Phật, tôn giả ngồi xuống một bên và thưa rằng:
- Bạch Đức Thế Tôn, Thế Tôn thường nói tới danh từ “chánh kiến”. Cúi xin Người giảng giải ý nghĩa của từ này cho chúng con.
Phật bảo tôn giả Tán-đà Ca-chiên-diên rằng:
- Người đời thường nghiêng về hai khuynh hướng nhận thức, một là có, hai là không. Đây là hai quan niệm vướng mắc vào cái tri giác sai lầm. Vì vướng vào tri giác sai lầm đó cho nên mới kẹt vào hoặc “ý niệm có”, hoặc “ý niệm không”. Này Tán-đà Ca-chiên-diên! Phần lớn người đời đều bị kẹt vào chấp mắc và bảo thủ. Người không bị kẹt vào chấp và thủ thì không còn nắm giữ và vọng tưởng về cái ngã nữa. Người ấy biết cái khổ, chẳng hạn, khi có điều kiện phát sinh thì nó phát sinh, khi hết điều kiện tồn tại thì nó tiêu diệt. Người ấy không còn nghi hoặc gì nữa cả. Cái thấy của người ấy không do ảnh hưởng của kẻ khác mà có, trái lại do chính người ấy tự đạt được. Cái thấy ấy gọi là chánh kiến. Đó là cách trình bày chánh kiến của Như Lai.
Người có tri kiến chân chính khi quán sát về sự sinh khởi của thế gian không thấy thế gian là không. Người có tri kiến chân chính khi quan sát về sự hoại diệt của thế gian không thấy thế gian là có. Này Tán-đà Ca-chiên-diên! Chấp có là một biên kiến, chấp không là một biên kiến khác. Như Lai lìa hai biên kiến đó mà thuyết pháp một cách trung đạo. Nghĩa là: “Cái này có vì cái kia có, cái này sinh vì có cái kia sinh”.
Từ vô minh mà có hành,
từ hành mà có thức,
từ thức mà có danh sắc,
từ danh sắc mà có lục nhập,
từ lục nhập mà có xúc,
từ xúc mà có thọ,
từ thọ mà có ái,
từ ái mà có thủ,
từ thủ mà có hữu,
từ hữu mà có sinh,
từ sinh mà có lão tử, và khổ đau chồng chất thành khối.
Nếu vô minh không còn thì hành không còn,
hành không còn thì thức không còn,
thức không còn thì danh sắc không còn,
danh sắc không còn thì lục nhập không còn,
lục nhập không còn thì xúc không còn,
xúc không còn thì thọ không còn,
thọ không còn thì ái không còn,
ái không còn thì thủ không còn,
thủ không còn thì hữu không còn,
hữu không còn thì sinh không còn,
sinh không còn thì lão tử không còn và nguyên khối khổ đau chồng chất kia bị tiêu diệt.
Phật nói kinh này xong, tôn giả Tán-đà Ca-chiên-diên thấy tâm bừng sáng giải thoát, cắt đứt được các hệ lụy và chứng quả A-la-hán.