Bài viết thuộc series tìm hiểu những giáo lý cơ bản trong Phật giáo. Chúc mọi người tinh tấn tu học để thông đạt giáo lý Đức Phật, chuyển hóa cuộc sống giúp thân tâm an lạc.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Cách hành đạo của một vị Bồ Tát là xả thân vào đời độ sinh, hiện vô số thân như thân Thanh Văn, thân Cư Sĩ, thân Trưởng Gỉa, thậm chí là thân Súc Sinh, Ngạ Qủy...tùy vào chúng sinh mà hóa hiện.
Có một vị Bồ Tát rất nổi tiếng đó là Ngài Quán Thế Âm. Do tâm nguyện từ bi cứu khổ mọi lời kêu cứu của chúng sinh mà khi có việc nguy khó, người ta thường niệm Quán Âm là như vậy.
Đây là 6 phương tiện trong Lục độ Ba La Mật, bao gồm tu phước báu và trí huệ. Bố Thí, Trì giới, Nhẫn nhục thuộc về tu Phước. Thiền định, Trí huệ thuộc về tu huệ.
Nếu chỉ có phước mà không có huệ thì chả khác nào người thế gian làm việc tốt thông thường, không gọi là hạnh Bồ Tát được. Ngược lại, nếu chỉ có huệ mà không có phước thì trí huệ đó không thành tựu viên mãn, và làm việc gì cũng khó do thiếu phước.
Người thế gian thường bố thí với tâm mong cầu, thấy ta đang làm việc nghĩa và các chúng sinh chịu ơn của ta. Khi việc bố thí được toại nguyện, người đó hạnh phúc vui sướng, ngược lại thì sinh tâm buồn phiền và thậm chí giận dữ. Đây là nguyên nhân vì sao nhiều người bố thí mà tâm không hoan hỉ, đồng thời cái ngã mạn ngày càng lớn.
Vị Bồ Tát do bố thí Ba La Mật với tâm không vướng kẹt nên Ngài không sinh tâm buồn vui như chúng sinh, do đó dù có phải bố thí cho bao nhiêu chúng sinh qua bao nhiêu kiếp đi nữa cũng không thấy mệt mỏi. Bố thí Ba La Mật thật chất chính là bố thí với tâm vô ngã, mà đã vô ngã thì không còn gì có thể làm một hành giả bị kẹt lại.
Bố thí có 3 loại:
1. Tài thí: gồm có bố thí thân mạng mình (máu, nội tạng, công sức, sự sống) và bố thí tài vật (tiền của)
2. Pháp thí: là bố thí giáo pháp, đạo lý để giúp mọi người vượt qua khó khăn.
3. Vô úy thí: là đem đến sự an tâm giúp mọi người không còn sợ hãi nữa. Việc an ủi người thân chính là vô úy thí.
Tam luân không tịch chính là không thấy cái bản ngã đang làm, không thấy đối tượng thụ hưởng hành động từ ta và không thấy thứ đang được làm. Tam luân không tịch trong trường hợp trì giới Ba La Mật chính là không thấy ta đang trì giới, không thấy đối tượng của sự trì giới và không thấy giới đang được trì. Đây chính là tinh thần vô ngã và nhận rõ tánh không các pháp nên không bị kẹt trong hình tướng là vậy.
Có ba mức độ trì giới Ba La Mật như sau:
1. Nhiếp luật nghi giới: giữ gìn giới hạnh bản thân, mang lại lợi ích cho bản thân và chúng sanh.
2. Nhiếp thiện pháp giới: dùng các phương tiện thiện xảo để thu phục nhân tâm người khác nhằm hướng họ đến việc tu dưỡng đạo đức.
3. Nhiêu ích hữu tình giới: là cấp độ cao nhất, vị Bồ Tát nguyện dùng giáo pháp Đức Phật để độ cho tất cả chúng sinh cũng thành Phật.
Nhẫn nhục là một đức tính tốt đẹp và đồng thời cũng rất khó thực hiện. Sở dĩ con người nổi tâm sân giận là vì để bảo vệ cái bản ngã của mình. Sự nhẫn nhục thì ngược lại, là một hành động “bỏ mặc” bản ngã trước các tác động tấn công từ bên ngoài khiến cho bản ngã bị tổn thương, nên rất khó thực hiện. Ông bà có câu “một điều nhịn, chín điều lành” để chỉ cái sức nhẫn nhục có công dụng to lớn như thế nào. Về lâu dài, nhẫn nhục chính là phương pháp tốt nhất để thu nhỏ dần cái bản ngã. Bản ngã càng nhỏ, cuộc sống càng an lạc.
Sự nhẫn nhục cũng phải được suy xét cẩn thận dựa trên hoàn cảnh, không phải lúc nào nhẫn nhục cũng là tốt. Phật giáo là một tôn giáo hiền hòa, do đó luôn là miếng mồi ngon cho nhiều kẻ thù nhắm đến. Nếu người con Phật cứ im lặng nhẫn nhục để mặc kẻ thù tấn công, xem đó là hạnh nhẫn nhục chân chính thì thật sai lầm. Trong trường hợp này cần phải có tiếng nói hoặc hành động để bảo vệ giáo pháp. Sự thật nếu không được nói ra sẽ bị sự dối trá chôn vùi vĩnh viễn, do đó trước các áp đặt sai quấy từ những kẻ chống phá, việc nhẫn nhục đôi khi không phải là phương án tốt nhất.
Tinh tấn chính là nguyên liệu của một chiếc xe. Xe dù tốt đến đâu, nếu không có đủ nguyên liệu cũng không về đích được. Người tu học Phật, dù giỏi giang đến đâu mà không tinh tấn mỗi ngày thì cũng không đạt được kết quả tốt. Trái ngược với tinh tấn đó là sự giãi đãi, tức là lười biếng. Đây là cái bệnh của chúng sinh ngăn cản chúng ta tiến tu, do đó mới thấy tinh tấn quan trọng như thế nào.
Mỗi ngày chỉ cần tu một chút, bố thí một chút, tụng kinh một chút…nhưng làm liên tục, đều đặn không bỏ ngày nào thì chắc chắn ngày đạt Phật quả không còn xa nữa.
Đức Phật có chỉ dạy rất nhiều phép quán niệm khi thiền định, VD như quán niệm hơi thở, quán niệm cảm thọ…Mà mục đích của phép quán niệm này là để định tâm, giúp tâm không còn lăng xăng vọng tưởng để từ đó phát sinh trí huệ. Không phải chỉ có ngồi mới là thiền mà mọi hoạt động hằng ngày cũng phải thiền. Trong từng sát na, chúng ta tỉnh thức với mọi hành động mà chúng ta đang làm thì ở chỗ này, tâm chúng ta không còn bị ngoại cảnh lôi kéo nữa. Đây chính là cái chỗ “đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền” mà Ngài Trần Nhân Tông đã nói đến trong Cư Trần Lạc Đạo.
Vị Bồ Tát thiền định Ba La Mật không chấp vào chỗ chứng đắc, cũng không có niệm phải đạt được Niết Bàn hay xa lánh Ta Bà. Vì chỗ vô sở cầu vô sở đắc nên tâm không còn bị kẹt vào bất kì một pháp nào, đây chính là nguyên nhân tại sao một vị Bồ Tát có thể ra vào luân hồi một cách tự tại, làm bao nhiêu việc độ sanh mà không cảm thấy mệt mỏi ghê sợ như chúng ta.
Hình ảnh Bồ Tát Văn Thù cầm thanh gươm để ẩn dụ cho thanh gươm là trí huệ Bát Nhã, hay trí huệ Ba La Mật. Với trí huệ này, Bồ Tát chặt đứt mọi chướng nạn trên đường độ sinh.
Người không có trí huệ, vào đời độ sinh chắc chắn sẽ bị đời vùi dập làm thoái tâm từ bi, thậm chí xoay ra ghét đời ghét luôn những người chúng ta từng giúp. Do không thấu rõ được thực tướng của chúng sinh, chúng ta dễ bị kẹt vào ngoại cảnh nên làm gì cũng kẹt, cũng chấp. Các vị Bồ Tát thì ngược lại, do có trí huệ nên các Ngài không bị kẹt, làm gì cũng thông suốt và anh nhiên tự tại trước mọi hoàn cảnh.
Cùng chủ đề:
- Kiến Thức Phật Học Phổ Thông - Bài 1: Tứ Diệu Đế
- Kiến Thức Phật Học Phổ Thông - Bài 2: Bát Chánh Đạo