Duyên khởi và ý nghĩa trai đàn chẩn tế

Thứ bảy, 05/09/2020, 15:36 GMT+7

     

117746183_965298620611559_3316663279861050550_o

     Duyên khởi 1: Một ngày nọ Tôn già A nan là thị giả theo Đức Phật về ở tại tịnh xá Ni Câu Luật Na, phía nam thành Ca tỳ La vệ. Đến đêm vào canh ba thấy có một ngạ quỷ tên là Diệm Khẩu, thân thể ốm yếu, trong miệng lửa cháy đỏ đến trước tôn giả A nan nói: “Sau ba ngày nữa mạng sống của Thầy sẽ hết, thác sanh vào loài quỷ”. A nan nghe nói sợ quá và hỏi: “Sau khi tôi chết sanh vào ngạ quý, phải làm điều gì mới hết?” - Ngạ quỷ nói: “Sáng sớm ngày mai Thầy có thể bố thí nước uống thức ăn cho trăm ngàn na do tha hằng hà sa số ngạ quỷ, bố thí cho vô lượng Bà la môn tiên, các vị minh quan nghiệp ty phủ Diêm la, các vị quỷ thần, những người đã chết lâu xa các lọai ẩm thực thích ứng, mỗi vị sẽ nhận được 49 đấu ẩm thực được tính theo cái lượng đấu của nước Ma già đà, lại còn vì ngạ quỷ chúng tôi mà cúng dường Tam Bảo, thì Thầy được tăng thêm tuổi thọ, và bọn chúng tôi nhờ đó cũng được lìa cái khổ làm thân ngạ quỷ

     Tôn giả A nan đến thưa với Phật như thế. Phật dạy thiết lập đàn tràng chẩn tế ẩm thực cho trăm ngàn na do tha hằng hà sa số ngạ quỷ, bố thí cho vô lượng Bà la môn tiên, các vị minh quan nghiệp ty phủ Diêm la, các vị quỷ thần, những người đã chết lâu xa khắp mười phương các lọai ẩm thực thích ứng, giúp cho các loài thoát khổ. (Phật Thuyết Đà La Ni Cứu Bạt Ngạ Quỷ Diệm Khẩu, Ấn Độ, chùa Đại Hưng Thiện, Tam tạng Sa môn Bất Không phụng chiếu dịch Phạn ra Hán văn), Quảng Minh dịch ra Việt văn).

     Duyên khởi 2: Về tập tục tụng kinh siêu độ, theo Ngài Đạo An “vốn không phải là một tập tục truyền thống của Phật giáo”. Tập tục này chỉ bắt đầu có ở Trung Quốc từ đời nhà Đường. Năm 755, An Lộc Sơn nổi loạn, kéo binh về chiếm kinh thành, khiến vua Huyền Tông phải chạy vào Tứ Xuyên lánh nạn. Một năm sau thì quân triều đình dẹp yên giặc loạn, số người chết nhiều vô số kể. Triều đình bèn ra chỉ dụ cho tất cả các chùa Khai Nguyên trong toàn quốc, thỉnh chư vị cao tăng đại đức, thiết lễ tụng kinh cầu siêu độ cho mọi người đã chết trong cuộc chiến. Dân chúng thấy triều đình làm như thế, bèn bắt chước làm theo, cứ mỗi khi trong nhà có người chết, liền thỉnh chư Tăng tụng kinh cầu siêu độ. Từ đó mà lễ cầu siêu độ cho người chết trở thành một tập tục trong dân gian (ý nghĩa trai đàn chẩn tế - Thư viện Hoa Sen).

     Duyên khởi 3: Tập tục cầu siêu đến Việt Nam bắt đầu từ thời nhà Lý. Đó là việc tổ chức các trai đàn chẩn tế, gọi là “diệm khẩu phổ thí pháp hội” nghĩa là đại hội về Phật Pháp để bố thí thức ăn cho quỷ đói. Pháp này được thực hành trên tác phẩm mang tên là “Thí Chư Ngạ Quỷ Ẩm Thực Cập Thủy Pháp” do Ngài Bất Không dịch vào thế kỷ thứ tám, đời Đường và hiện nay, trong thời khóa tụng niệm buổi chiều, các chùa ở Việt Nam thường có một nghi thức thí thực cô hồn, gọi là Mông Sơn Thí Thực. Nghi thức này có từ đời nhà Tống tại Mông Sơn, Tứ Xuyên, Trung Quốc, vì thế mới có danh xưng "Mông Sơn Thí Thực".

     Trong “Thiền uyển tập anh”: Tăng thống Huệ Sinh (1064) đời vua Lý Thánh Tông, có để lại tác phẩm “Pháp Sự Trai Nghi” nói đến nghi thức chẩn tế. Vào năm 1789 sau khi đại phá quân Thanh năm Kỷ Dậu Vua Quang Trung đã ban sắc làm lễ tưởng niệm các chiến sĩ và tiến cúng cô hồn tử sĩ, kể cả quân Thanh đã tử trận.

     Vua Gia Long sau khi thống nhất sơn hà, năm 1802 cũng thiết đàn siêu độ cho quan quân và những oan hồn uổng tử vì chiến cuộc do Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành chủ tế với bài văn viết bằng quốc âm Tướng Sĩ Trận Vong và Cô Hồn Thập Loại (Ý nghĩa trai đàn chẩn tế - Thư viện Hoa Sen).

     Trai đàn chẩn tế giải oan bạt độ là nghi lễ lớn xuất phát từ thời Đức Phật, khi Ngài về thăm quê hương, đã có chỉ dạy cho Tôn giả A nan tổ chức cúng lễ cầu siêu giải oan cho ngạ quỷ, cô hồn, các Bà la môn tiên... Sau việc giải oan là bố thí ẩm thực cho những người nghèo khó có hiệu quả.

y-nghia-nghi-thuc-trai-dan-chuan-te-giai-oan-bat-do-240

MẬT Ý CỦA PHẬT

     Cúng trai đàn chẩn tế là bài pháp giáo hóa, thuộc ý giáo: “Các Phật tử có phương tiện sắm sửa quà bánh, lễ vật cúng kiến, cúng thí cho cõi “âm” hao tốn bao nhiêu cũng làm cho được...thì các vị cũng phải làm được cho người sống, những nghèo khổ, giúp cho họ cũng được no đủ...”. Đây là cách giáo hóa khéo của Đức Phật “cúng cho người “âm” để cầu thọ được, thì bố thí cho người “dương” được no không nên từ chối. Cho nên đây là việc làm đúng mà người Phật tử phải tham gia.

     Ngày nay việc “thiết lập trai đàn chẩn tế” có từ 50 đến 100 vị Tăng, trong đó có vị Thầy Cả, 2 vị Yết Ma, các bậc giáo phẩm chứng minh và Ban Kinh Sư, hàng ngàn Phật tử tham dự. Việc cúng kiến nầy dành cho các tổ chức tự viện lớn có khả năng thiết lễ, tập trung những Phật tử gia đình sung túc, các gia đình Phật tử nương theo đó mà ghi danh cúng kiến cầu khẩn. Cầu thỉnh quý Thầy, quý Sư các bậc cao Tăng, các bậc có đầy đủ phước đức, có nhiều lực dụng đến cúng thì hiệu quả, như cầu an, cầu siêu, cầu mưa thuận gió hòa, vượt qua những khó khăn trong công việc làm ăn..tổ chức như thế phước báo vô cùng, vì giúp cho hằng trăm, hàng ngàn Phật tử mãn nguyện.

HT. Thích Giác Quang

Ý kiến của bạn