Từ xưa Ấn Độ có truyền thống và niềm tin rằng, người nào cầu đạo giải thoát đều phải nỗ lực và kiên trì tu khổ hạnh, vì vậy Thái tử Tất Đạt Đa đã đi đến Uruvela, một thị trấn ở Senani và cùng với năm anh em ông Kiều Trần Như (Kodanna), Bạt Đề (Bhadhya), Đề Bà (Vappa), Ma Ha Nam (Mahanama) và Ác Bệ (Asaji), bắt đầu một cuộc tu khổ hạnh kéo dài đến 6 năm, dẫn đến kết quả thân thể Ngài gầy đi như một bộ xương khô, đôi mắt sâu hoắm, không còn đi đứng được nữa.
Từ thực nghiệm này, Ngài thấy rằng chân lý tối hậu giải thoát an lạc, diệt trừ khổ đau không thể cầu được ở bên ngoài, ở bất kỳ một bậc đạo sư nào, cũng không phải qua pháp môn hành xác mà sự chứng ngộ ấy cần phải được thể hiện ở chính trong nội tâm của mỗi người và không thể dựa vào một tha lực nào khác.
Ngài lấy lại sức nhờ uống bát sữa do thôn nữ Su Dà Ta (Sujata) dâng cúng, sau đó xuống tắm ở dòng sông Ni Liên Thuyền (Neranjara). Năm người bạn đồng tu cho rằng Ngài đã thối chí, quay về cuộc sống dục lạc tiện nghi, nên rời bỏ Ngài và đi đến Isipatana gần thành Ba La Nại (Benares)…
Trong Bảo tàng Quốc gia Lahore của Pakistan hiện lưu trữ pho tượng cổ thể hiện hình ảnh của Đức Phật lúc tu khổ hạnh đó, tượng được đặt tên là Fasting Buddha Statue hay Phật Tuyết Sơn, được tạc từ thế kỷ thứ 3-4. Tượng được mang lên tem và postcard nhiều lần để quảng bá cùng thế giới.
Nguồn: Lee Royse/temvietdoday