LTS: Chuyện những người con xuất gia đưa mẹ vào chùa tu hành hay ở cùng chùa với mẹ tuy không nhiều, nhưng không phải là một câu chuyện hoàn toàn xa lạ. Từ xưa đến nay đã có khá nhiều câu chuyện cảm động về tình cảm mẹ con trong hoàn cảnh đặc biệt ấy.
Nhân mùa Vu lan Báo hiếu, niệm ân về những đấng sinh thành, nguyệt san Giác Ngộ thực hiện chuyên đề về vấn đề báo hiếu của người xuất gia. Trong khuôn khổ ấy, chúng tôi xin giới thiệu đến quý độc giả vài câu chuyện thấm tình đạo vị của những người tu “ở chùa với mẹ”, với mong muốn nhận được sự sẻ chia và lòng cảm thông, trân trọng về những cung bậc tình cảm thiêng liêng ấy…
NSGN
Hòa thượng THÍCH NHẬT QUANG
"Với mẹ, hãy chân thành và tùy duyên"
Mẹ tôi vẫn thường tự hào vì được sinh ra trong một gia đình có truyền thống theo Phật. Thuở nhỏ, mẹ thường lên chùa tụng kinh, lễ Phật, công quả, và là một trong những Phật tử tích cực nhất. Cho đến khi lập gia đình, mẹ vẫn duy trì công phu ấy một cách đều đặn.
Ba mẹ tôi từng nguyện răng, nếu sinh được con trai, thì năm lên bảy sẽ cho vào chùa xuất gia học đạo.
Thế nhưng, bất hạnh thay, năm tôi lên bốn, ba tôi qua đời trong cảnh chiến tranh lửa đạn; mẹ phải một mình nuôi tôi và đứa em gái mới vài tháng tuổi, chịu vô vàn khó khăn, gian khổ. Vùng đất Trảng Bàng quê tôi bị bom đạn cày xới không dứt, khiến cho việc mưu sinh hầu như rơi vào ngõ cụt.
Thể theo lời nguyện, năm tôi lên bảy, mẹ đưa tôi vào chùa tu học. Được ba năm, mẹ trở về quê ngoại, mang tôi theo. Tôi lại được gửi vào chùa và sống khá gần mẹ bởi chùa cách nhà không xa.
Năm mười ba tuổi, tôi thực sự rời xa mẹ để lên thành phố. Trải qua thời kỳ tu học, thọ giới tại chùa Vạn Đức, rồi các Phật học viện Huệ Nghiêm, Vạn Hạnh…, cho đến khi ra làm Phật sự, tôi vẫn luôn băn khoăn suy nghĩ về mẹ. Câu hỏi lớn ngự trị trong trái tim tôi là làm sao để mẹ bớt khổ, làm sao để báo đáp ơn dày của mẹ? Mỗi lần gặp mẹ, tôi vẫn luôn nhận thấy trong đôi mắt mẹ nỗi kinh sợ điêu đứng. Chiến tranh khốc liệt, cuộc sống điêu tàn, cái chết luôn chờ chực trước mắt, nói chi đến cuộc mưu sinh khốn khó!
Khi tôi ra trường, được giữ lại Huệ Nghiêm giảng dạy, mỗi tháng tiền lương chỉ có 200 đồng bạc, ngoài việc dành dụm mua sách báo, tôi vẫn giữ lại chút ít để gửi về tặng mẹ, với mong muốn mẹ bớt khổ đôi phần. Thương mẹ, tôi chỉ biết hỏi: “Mẹ có khỏe không, có khổ nhiều lăm không?”.
Sau này, trở lại Vạn Đức, có một vị Phật tử thân thiết thấu hiểu nỗi niềm trăn trở của tôi, liền phát tâm hỗ trợ cho mẹ để tôi yên tâm tu hành, phụng đạo. Tôi tự nhủ, mình phải ráng tu hành để trang trải món nợ của thí chủ, đồng thời cũng khuyên mẹ hướng theo con đường đạo để không phụ tấm lòng của vị Phật tử hảo tâm.
Đến khi vị mạnh thường quân ấy mất, gặp lúc tôi vào núi hành đạo tu thiền, Hòa thượng Vạn Đức giới thiệu một số Phật tử khác tiếp tục ủng hộ mẹ tôi. Vì vậy mà mẹ có dịp đến chùa nhiều hơn, cất bớt những gánh lo vật chất để lắng lòng với kinh kệ. Có lẽ vì vậy mà mẹ không bao giờ quên ân HT. Vạn Đức. Sau này, dù có duyên tập sư xuất gia với HT. Trúc Lâm, mẹ tôi vẫn giữ nguyên pháp danh mà HT. Vạn Đức ban cho.
Sau năm 1975, tôi được HT. Trúc Lâm cử từ Chơn Không về Thường Chiếu trụ trì. Thỉnh thoảng mẹ tôi lại từ Vạn Đức ra thăm. Tôi khuyên mẹ: “Thôi giơ mẹ già rồi, khó khăn cay đắng ở đời cũng đã nếm trải nhiều rồi, thời gian không còn nhiều nữa, mẹ hãy hướng hẳn cuộc đời mình về cửa Phật!”.
Năm sau, mẹ tôi 61 tuổi, quyết định vào chùa ở. Ban đầu mẹ ở tại một cái thất ngoài rẫy, chăm lo việc trồng tỉa. Sau tôi khuyên mẹ dù sao cũng “hoàn thành phận sự ở đời rồi, giờ ráng dấn thêm một bước nữa xuất gia tu hành”, và rất vui là mẹ nhận lời.
Mẹ vào chùa, xuống tóc, thọ Sa di ni nhưng vẫn làm việc như một bà vãi. Đến khi Hòa thượng từ Chơn Không về, ngài dặn mẹ cứ ở đây với đại chúng để tu, chỉ chăm lo tu thôi. Tôi biết kết quả là mẹ đã hoàn toàn được hướng vào con đường đạo. Tôi thấy mẹ rất vui, và tôi cũng vậy.
Cho đến bây giờ, hơn 30 năm đưa mẹ vào tu học ở chùa, được phụng dưỡng và hằng ngày có dịp chăm sóc mẹ, tôi cảm thấy mình là người thật hạnh phúc. Mẹ tôi luôn giữ tâm bình đẳng, sống hòa thuận với chúng, không có những xích mích, va chạm. Giờ mẹ đã 89 tuổi, không còn nhiều sức khỏe để làm lụng như trước, nhưng mẹ vẫn chăm chỉ niệm Phật, trì chú, siêng năng tu hành.
Tôi nghĩ, tấm lòng của tôi đối với mẹ là tấm chân thành. Nhờ tấm chân thành ấy mà mẹ được Tam bảo gia trì và Phật tử hỗ trợ, đó là phước duyên của mẹ và tôi. Tôi cố giữ sao cho phước duyên ấy luôn được trọn vẹn…
Thượng tọa THÍCH THIỆN BẢO: "Nguyện tu cùng má"
Tôi sinh ra trong một gia đình gồm có ba anh em - hai trai, một gái - cộng thêm đứa em nuôi nữa là bốn. Năm 1959, khi ba mất, tôi mới vừa 9 tuổi. Má tôi đã phải sớm hôm bươn chải làm mấy mẫu ruộng mà ba tôi để lại. Cảnh nhà thiếu trước hụt sau, lại gặp phải mùa nước lớn ngập lụt cả vùng, mùa màng thất bát, má đã phải tay bồng tay bế đưa anh em tôi tha phương cầu thực.
Tuổi thơ tôi từng chứng kiến những giọt nước mắt lăn tròn trên đôi gò má đen gầy của má. Nhưng tôi còn nhỏ quá, không cắt nghĩa được tại sao, chỉ biết ôm lấy má khóc mà chẳng nói gì. Có lẽ vì vậy mà giữa tôi với má dường như có một mối giao hòa tâm linh rất khó tả.
Năm tôi 13 tuổi, do có “căn tu”, nên tôi cứ nằng nặc xin ma xuất gia. Má bảo: “Tùy con, má không ép. Nhưng có tu được không? Đi tu thì phải tu cho đàng hoàng, chớ vì ham vui, nay thì tu, mai lại về, tội chết!”. Má tuy không bác chuyện xuất gia, nhưng tôi biết má buồn vì tôi là đứa con trai út.
Chùa gần nhà, nên tôi thỉnh thoảng vẫn chạy về cùng má. Một thời gian sau, tôi lên thành phố tu học, má ở nhà một mình vì anh chị tôi đã có gia đình và ra riêng. Thỉnh thoảng có dịp, má lại lặn lội đường xa lên thăm tôi; hoặc khi có dịp, tôi vẫn về thăm má, trò chuyện đôi chút rồi lại về chùa.
Đến lúc tôi chính thức trụ trì chùa Nguyên Hương, má vẫn ở dưới quê làm ruộng, cuộc sống đầy khó khăn, thiếu thốn. Thế nhưng vài tháng má lại tranh thủ lên thăm tôi một lần, đem theo vài bao gạo và những thứ rau quả má tự gieo trồng. Tôi thương má quá, nhưng vì công việc của chùa cũng như việc học bề bộn nên chưa trọn lòng chăm sóc má.
Vào khoảng năm 1978, một lần má lên chùa thăm tôi và ở lại hơi lâu. Má cứ lo cho tôi không ai chăm sóc, ăn uống thất thường, nên về quê giao hết mấy mẫu ruộng cho chị tôi và quyết định ở lại chùa. Tôi nghĩ, dù sao má cũng già rồi, ở đời làm việc cực nhọc mà lại không ích lợi gì; nếu má ở chùa, tôi sẽ có dịp chăm sóc, hiếu dưỡng má, lại có thể để cho má có thời gian kinh kệ, một lòng hướng Phật, thì sẽ có được nhiều lợi ích.
Tôi hiểu, má ở chùa cùng tôi là vì muốn chăm sóc tôi và muốn nhắc nhở việc tu hành của tôi, vì dù sao lúc ấy tôi vẫn còn khá trẻ, nếu không tu được thì mang tội. Mỗi sớm, má dậy vào lúc 3g30, lên chánh điện đốt nhang, niệm Phật, đợi đến giờ mấy chú điệu hô chuông và công phu khuya. Buổi chiều tối cũng vậy, má lên chánh điện niệm Phật rồi tham gia thời khóa Tịnh độ. Việc tu tập của má miên mật và đều đặn khiến cho tôi cũng phải tự xấu hổ nhìn lại chính bản thân mình. Chỉ mỗi khi bịnh nặng má mới vắng những thời kinh…
Quả thực, tôi ít khi khuyên má tụng kinh, niệm Phật. Việc tu hành như thử là căn duyên của má. Có lẽ vì vậy mà má đã chấp nhận lời khuyên của một số chư vị tôn đức Tăng, Ni mà phát tâm tập sự xuất gia, thọ Sa di ni . Dù vậy, má vẫn sống với tư cách là một người làm công quả trong chùa hơn là “má của thầy trụ trì”, khiến cho các huynh đệ đều tỏ lòng quý mến. Má không ưa chuyện thị phi, không bao giờ đem chuyện chua nói ra ngoài, cũng như không đem chuyện bên ngoài nói ở chùa. Thỉnh thoảng chuyện gia đình của anh chị tôi có đến tai má, làm cho má buồn phiền thì tôi lại khuyên má nên học hạnh xả bỏ, dứt hẳn việc đời, vì lo lắng sẽ làm cho má khổ song lại không giúp gì được cho con cháu hết.
Tôi biết, má đã góp phần thúc đẩy cho con đường tu học của tôi. Tôi sinh ra được làm con má là một phước duyên rất lớn. Việc má ở chùa, vì vậy, là một sự ích lợi cho cả má và tôi. Nếu không có má, tôi thực khó mà giữ trọn con đường tu bởi sự lôi kéo của những mối quan hệ ở đời. Tôi thường nói với huynh đệ và Phật tử rằng: “tôi tự hào vì có người mẹ thật xứng đáng là mẹ của ông thầy tu”.
Với tôi, má không chỉ là má, mà còn là một người bạn đồng tu. Khi má mất đi rồi, tôi thấy lòng mình thực trống trải, nhìn những chỗ má hay ngồi mà không cầm được nước mắt. Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh má ngồi bên mâm cơm đợi tôi về, nhất mực không chịu ăn khi tôi chưa ăn, dù tôi thường ăn cơm với đại chúng còn má thì ăn riêng dưới bếp. Nhiều hôm má nhịn đói vì tôi bận việc về trễ mà quên gọi điện về…
Khi má bệnh nằm mê man trên giường, tưởng đã mất, nhưng khi tỉnh dậy thì thều thào nói: “Vì thương ông mà tui sống lại nè!”. Tôi ráng cầm nước mắt, khuyên: “Má hãy ráng niệm Phật!”. Thế nhưng, tôi vẫn khóc nhiều khi má mất. Tôi hiểu, đó là tình cảm thiêng liêng giưa má và con, là mối nhân duyên nhiều đời nhiều kiếp. Dù có là người xuất gia thì tôi vẫn là con của má, nên tôi nguyện được cùng má tu hành cho đến ngày thành Phật.
Ni sư TN. NHƯ ĐỨC "Bà Cô đã đưa tôi vào đạo"
Tôi gọi mẹ mình là Bà Cô, vì một lẽ đơn giản: mẹ là người xuất gia. Đó là năm tôi 4 tuổi, Bà Cô dẫn tôi vào chùa bởi “không chịu nổi cái khổ, phải tìm cách thoát ra”. Cái khổ mà Bà Cô nói chính là chuyện ba tôi suốt ngày đam mê cờ bac, không chia sẻ việc gia đình. Bà Cô chịu khổ không thấu, một lần trông thấy vị Sư bà ôm bình bát khất thực, phong thái nhẹ nhàng, thanh thoát, bèn quyết định từ bỏ cuộc sống gia đình, vào chùa tu tập.
Tôi theo Bà Cô đến ở chùa Sư nữ Thích Ca. Mấy năm sau, Bà Cô sang Dược Sư nhập chúng, giữ việc tri khách, tôi cũng sang theo. Tôi ở chùa, được chư Ni thương dạy dỗ, cho đi học. Lạ một điều là Bà Cô chẳng bao giờ khuyên tôi xuống tóc tu hành. Nhưng đến năm 20 tuổi, tôi phát tâm xuất gia, Bà Cô vui lắm, bảo đó là điều mà Bà Cô chưa hề nghĩ tới.
Giữa tôi với Bà Cô không phải là mối quan hệ thường tình, mà hơn thế, là tình thầy trò. Dù vẫn là mẹ con, nhưng đó không phải là cái tình quyến luyến. Khi chăm sóc tôi, đồng thời Bà Cô cũng chăm sóc mấy Sư cô khác đồng trang lứa với tôi, rất bình đẳng.
Sau này, khi Bà Cô lên Chân Không, tôi cũng lên theo. Tôi theo Bà Cô nhưng không có nghĩa là “theo tiếng gọi mẹ con”, mà là có duyên và nguyện theo pháp môn Hòa thượng Trúc Lâm giảng dạy. Bà Cô ở cốc, còn tôi ở thiền viện Bát Nhã gần đó. Thỉnh thoảng tôi lên thăm Bà Cô, nghe kể chuyện này chuyện nọ. Những câu chuyện như thế giup cho tôi hiểu rõ hơn việc đạo, việc đời, như vừa hướng dẫn, vừa tâm sự.
Mặc dù từ nỗi khổ của một phụ nữ gặp phải người chồng không chăm lo gia đình mà xuất gia, nhưng Bà Cô dễ dàng dứt bỏ việc đời, tu hành rất khỏe, rất thoải mái. Thậm chí, khi nghe tin ba tôi đi bước nữa, Bà Cô không buồn mà còn gửi lời cảm ơn người dì sau nữa. Dì là người đàn bà phải gánh chịu nỗi khổ đau giống như Bà Cô tôi lúc trước. Khổ, nhưng dì đâu có xuất gia…
Những năm tôi về Viên Chiếu, bắt đầu đối mặt với muôn vàn khó khăn. Chịu không nổi, thỉnh thoảng tôi tâm sự với Bà Cô, thì được khuyên là bao giờ cũng phải nên cùng chúng tu tập, phải biết nương sức chúng, chị em cùng nhau vượt qua những khó khăn, thử thách.
Sau này, khi lớn tuổi, Bà Cô về Viên Chiếu ở với tôi, mặc dù là bậc hạ lạp cao niên, là “mẹ của trụ trì”, nhưng Bà Cô lại sống rất ư giản dị, đến nỗi nhiều người không biết bà là ai, hoặc tưởng là tôi đưa Bà Cô vào chùa tu, ít ai biết chính Bà Cô đã đưa tôi vào đạo, là một vị Ni trưởng, và mọi người vẫn gọi bà một cách giản dị là “Bà Cô”. Có lần, tôi đi dạy về mệt, đang ngồi nghỉ trong phòng thì mấy sư cô nhỏ đến xá chào, tôi không chào lại thì liền được Bà Cô nhắc nhở: “Mấy cô xá chào, sao cô không chắp tay xá lại?”.
Quả thực, tôi có phước duyên được cùng Bà Cô tu tập. Tôi không phải lo cho Bà Cô về mặt vật chất, lại không phải lo về mặt tinh thần, vì Bà Cô là thầy tôi, chăm tu hơn tôi. Cho nên, khi nghĩ về chữ hiếu, tôi thường hướng lòng mình về tất cả các bà mẹ của thế gian và của những người tu, luôn mong muốn cho họ được an lạc, hạnh phúc.
Cuộc đời tu của tôi ảnh hưởng Bà Cô rất nhiều. Nếu Bà Cô không đưa tôi vào chùa, những hạt giống Phật pháp đâu có gieo vào tôi, đâu có nảy mầm cho tôi xuất gia học đạo. Chính Bà Cô cũng đã dạy tôi rằng, nếu trong chúng ai đang có me và phải lo cho mẹ, thì hãy tạo điều kiện cho các vị ấy đưa mẹ vào chùa tu tập.
Khi xuất gia mà có một người mẹ như vậy là một món quà rất quý báu, nên tôi nguyện ai ai cũng có được một bà mẹ dễ thương như thế.
Đại đức THÍCH QUẢNG VIỆT "Nguyện một lần đưa mạ thăm đất Phật"
Mùa hè năm 1973, mạ dẫn tôi ra đi trong cảnh Sài Gòn chiến tranh khói lửa, tìm một nơi trú ẩn an toàn cho bản thân và cho tôi - đứa trẻ còn thơ dại vừa mới biết đi lẫm đẫm. Có người quen bảo với mạ rằng ở vùng Hạnh Thông Tây có một ngôi chùa người Huế, và do nhân duyên đó mà mạ tôi tìm đến cảnh chùa Già Lam. Ôn Già Lam - tức cố Đại lão HT.Thích Trí Thủ - cho mạ con tôi ở lại, mạ lam công quả còn tôi thì làm điệu. Mạ ở nhà bếp lo việc nấu nướng cho chư Tăng, tôi ở với quý thầy học tập kinh kệ và bắt đầu đến trường. Cuộc đời tôi gắn liền với cảnh chùa từ đó.
Không như những chú điệu khác, vào chua là phải xa mạ, tôi thì vừa được tu, vừa được ở bên mạ. Vì vậy, dù không tránh khỏi những trận đòn mà quý thầy “tặng” vì ham chơi hay lười học, tôi vẫn là một chú điệu hạnh phúc, thường được mạ ưu ái dành cho những món ăn ngon nhất.
Tôi lớn dần lên, thường ít khi trò chuyện với mạ, một phần vì do bản tính, phần thì cảm thấy ngại. Tôi cứ yên trí rằng mạ ở đó, tôi ở đây, đâu có xa xôi gì mà phải thăm hỏi?! Giữa hai mạ con dường như có một khoảng cách vô hình nào đó mà tôi không thể nào lý giải nổi. Lắm lúc thấy mạ làm việc mệt nhọc, tôi cũng muốn hỏi han đôi chút, nhưng rồi lại thôi!
Trừ trường hợp đi đây đó vài ngày, còn thường thì tôi chẳng bao giờ xa mạ - sự hiện diện của mạ bên tôi trong chùa cứ như là một sự mặc nhiên. Cho đến khi sang Trung Quốc du học, lần đầu tiên rời xa môi trường sinh hoạt cũ và đón nhận môi trường sinh hoạt mới với đầy những cái phải tự lo, tôi mới thực nhận thấy một khoảng trống trong lòng, tôi biết rằng mình xa mạ và ý thức được sự ấm áp trong tình mạ. Mỗi tuần, tôi đều email hoặc điện thoại về cho mạ, còn mạ thì viết thư và nhờ một thầy bạn email sang cho tôi. Thư viết chẳng có gì đặc biệt, quanh đi quẩn lại cũng là vấn đề sức khỏe và việc học hành. Tuy vậy, tôi vẫn biết hàng tuần, sau những giờ nấu nướng mệt nhọc, mạ vẫn chờ điện thoại và email của tôi.
Khi tôi trở về nước, lại được sống cùng đại chúng và gần bên mạ, tôi nhận ra rằng mạ đang già hơn và sức khỏe kém hơn, lòng không khỏi băn khoăn suy nghĩ. Từ trước đến nay, tôi không phải lo lắng gì nhiều về đời sống của mạ, vì mạ ở chùa và vẫn tụng kinh, niệm Phật những khi xong công việc. Nhưng nếu sau này, khi mạ không còn sức khỏe để làm lụng nữa, mạ sẽ cảm thấy buồn hơn, thì tôi phải dành thời gian thật nhiều để chăm sóc mạ…
Tâm nguyện của tôi là được một lần đưa mạ sang đất Phật, lễ bái Tứ động tâm và chiêm bái những nơi từng lưu dấu chân Đức Phật. Tôi không hiểu những người mạ khác thế nào, chứ riêng mạ tôi thì được đến đất Phật là một ước nguyện to lớn. Đời mạ không nhiều mong cầu, ngoài việc mong tôi khỏe và siêng năng tu tập, nên tôi nghĩ rằng, nếu chính bản thân đưa mạ về xứ Phật, để mạ đảnh lễ và chiêm ngưỡng những thánh tích, kể cho mạ nghe nơi này Phật thành đạo, nơi này Phật Niết bàn… và niềm tin của mạ sẽ thêm vững chãi, thì đó cũng là một trong những phương cách để tôi báo đền thâm ân của mạ… .
ĐĂNG TÂM thực hiện