Vu Lan bật khóc nghe tâm sự về mẹ của người con cài bông hồng trắng trên ngực

Thứ sáu, 26/07/2019, 07:43 GMT+7

    Tháng 7 âm lịch - một mùa Vu Lan nữa lại về, đây là dịp lễ để những người làm con nhớ về và bày tỏ tấm lòng hiếu thảo tới ba mẹ, những đấng sinh thành. Thế nhưng, có những người chỉ có thể lặng lẽ nhớ về mẹ cùng những ký ức tuổi thơ và bông hồng trắng mong manh....

    Mẹ là người phụ nữ vĩ đại nhất trong cuộc đời mỗi người, là người luôn yêu thương, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ, che chở cho con cái. Mẹ làm thật nhiều chỉ mong con yêu thành công, hạnh phúc. Ai cũng hiểu tình yêu bao la của mẹ dành cho mình lớn như thế nào và luôn dặn lòng phải yêu thương và báo hiếu đến mẹ khi còn có thể. Thế nhưng, thời gian, công việc và đôi khi là cả những xô bồ, bon chen ngoài kia cứ cuốn ta đi, khiến chúng ta chẳng bao giờ nói với mẹ một câu yêu thương, chẳng ở bên quan tâm, chăm sóc mẹ như ta vẫn muốn và rồi khi nhìn lại là bao tiếc nuối...

    Cứ vào tháng 7 âm lịch hàng năm, mùa Vu Lan đến, chẳng ai bảo ai nhưng đều nô nức cùng người thân lên chùa cầu phước cho ba mẹ mình, trao những yêu thương tới mẹ- người đã mang nặng đẻ đau, yêu thương, nuôi nấng ta suốt những năm tháng thơ dại. Trong dòng người ấy, chúng tôi được lắng nghe một câu chuyện về mẹ của chị L.T.H - một câu chuyện có cả yêu thương, biết ơn và cả những tiếc nuối đi cùng nước mắt.

Chị T.H chia sẻ nỗi ân hận muộn màng của mình khi nhắc về mẹ (Ảnh minh họa).

Chị T.H chia sẻ nỗi ân hận muộn màng của mình khi nhắc về mẹ (Ảnh minh họa).

    Chị T.H cũng như bao người con gái khác được lớn lên trong vòng tay chở che của ba mẹ, mẹ luôn là người thân thiết, yêu thương và quan tâm chị nhất. Chị kể với chúng tôi rằng những ngày tháng có mẹ là những ngày tháng tuổi thơ vô tư, hồn nhiên và tươi đẹp nhất của chị, mẹ luôn là người chăm lo cho chị từ miếng ăn giấc ngủ, luôn lắng nghe tâm sự và ở bên động viên chị vượt qua mọi thử thách đầu đời.

    Khi chị tốt nghiệp đại học bắt đầu đi làm cũng là lúc thời gian hai mẹ con gặp nhau chẳng còn nhiều như trước, công việc cứ thế cuốn chị đi, những cuộc điện thoại hỏi thăm mẹ ngắn ngủi, thưa dần, những bữa cơm với mẹ và ba cũng chẳng còn nhiều. Khi ấy chị suy nghĩ nhiều hơn về công việc, chị muốn gây dựng sự nghiệp để lo cho ba mẹ cuộc sống tốt hơn.

    Thế nhưng, mọi thứ như sụp đổ với chị vào một ngày tháng 4 của 5 năm trước, mẹ đau bụng dữ dội, sức khỏe mẹ yếu đi, ba và chị đưa mẹ đi khám, bác sĩ kết luận mẹ chị đã mắc bệnh ung thư gan giai đoạn cuối. Chị thực sự không thể tin vào mắt mình, chị dằn vặt bản thân vì người mẹ yêu thương của mình bao lâu nay bị bệnh mà mình lại thờ ơ, vô tâm, không hề hay biết. Mọi cố gắng chữa chạy của gia đình cho mẹ cũng chỉ là con số 0, cuối cùng mẹ đã trở về cõi vĩnh hằng, mẹ đã rời xa chị, rời xa ba mãi mãi.

    Chị T.H tâm sự, thời gian đầu đó thực sự là khoảng thời gian vô cùng khó khăn với chị, mọi thứ trong chị trống rỗng, chị không biết làm sao để có thể vượt qua nỗi đau thương, mất mát quá lớn này. Mẹ chị - người luôn yêu thương, sẵn sàng hy sinh cho gia đình đã không còn nữa, mẹ ra đi bỏ lại chị bơ vơ, bỏ lại ba cô quạnh một mình.

    Chị ân hận vì trước kia chưa bao giờ nói với mẹ một câu "con yêu mẹ" dù câu nói ấy chưa bao giờ chị không nghĩ tới nó. Chị tiếc rằng, mình vẫn chưa thể đưa mẹ đi du lịch khắp nơi như đã hứa với mẹ trước khi vào đại học. Chị tiếc rằng, mẹ còn chưa thể mỉm cười hạnh phúc khi nhìn thấy chị cầm tay người đàn ông yêu thương chị bước trên thánh đường trong ngày trọng đại… Tất cả, tất cả những điều đó đều là những điều chị muốn làm nhưng chị sẽ chẳng thể làm được cho mẹ nữa.

    Giờ đây, khi chị đã làm mẹ, người phụ nữ này càng hiểu hơn tình yêu bao la của một người mẹ dành cho con bởi "con dù lớn vẫn là con của mẹ/đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con". Chị càng hiểu ra, trước kia mỗi lần mẹ la mắng chẳng phải vì mẹ không thương chị mà mẹ chỉ muốn chị tốt lên từng ngày. Chị hiểu hơn ai hết, người mẹ nào cũng sẽ sẵn sàng hy sinh mọi điều tốt đẹp nhất để con mình được hạnh phúc.

    Những việc trước kia chưa làm được cho mẹ, chị không cho phép nó tái diễn với ba, chị đưa ba đi du lịch cùng gia đình, quan tâm ba nhiều hơn, về ăn cơm với ba mỗi ngày,... Và chị cũng dạy con mình luôn biết nói những lời yêu thương, quan tâm những người thân xung quanh.

Mỗi mùa Vu Lan đến, chị T.H luôn dặn lòng mình phải luôn quan tâm, thể hiện tình cảm với những người thân yêu. (Ảnh minh họa).

Mỗi mùa Vu Lan đến, chị T.H luôn dặn lòng mình phải luôn quan tâm, thể hiện tình cảm với những người thân yêu. (Ảnh minh họa).

    Mùa Vu Lan năm nay, chị lại dẫn con gái nhỏ 2 tuổi lên chùa, bé cài hồng đỏ, chị cài hồng trắng để tưởng nhớ đến mẹ, cầu phước cho ba, cho gia đình.

    Những yêu thương và cả nuối tiếc trong câu chuyện về mẹ của chị T.H có lẽ cũng là những cảm xúc của rất nhiều người con. Chúng ta luôn hiểu rằng, mẹ là người yêu thương ta nhiều nhất trong cuộc đời này, cần hiểu thảo với ba mẹ. Thế nhưng, chúng ta vẫn mải miết chạy theo những lợi danh ngoài kia, miệt mài với những cuộc đua sự nghiệp mà thờ ơ, vô tâm quên đi mẹ, quên đi những người thân bên cạnh, để rồi khi mất đi thì chỉ còn biết tự trách bản thân và tiếc nuối trong vô vọng.

    Dẫu biết lời yêu thương cha mẹ chẳng hề dễ dàng nói ra như những lời yêu của tình cảm nam nữ, thế nhưng những ai vẫn may mắn còn mẹ - những ai vẫn được cài bông hồng đỏ trên ngực áo, xin hãy nói yêu thương khi tai mẹ còn có thể nghe, khi tim mẹ còn biết xúc động. Xin hãy dùng những hành động nhỏ để tỏ lòng yêu thương với ba mẹ, đừng để tình cảm ấy nhạt nhòa theo thời gian. Đừng đợi đến lễ Vu Lan mới nhớ tới mẹ, hãy biến mỗi ngày đang sống đều là một ngày lễ Vu Lan, khi đó chúng ta mới thực sự trọn đạo hiếu làm con.

Ánh Nguyễn - Nhật Lệ

Ý kiến của bạn