/

Trường Y tế công của Đại học Harvard mở Trung tâm Chánh niệm Thích Nhất Hạnh

Thứ bảy, 29/04/2023, 06:36 GMT+7

      Trung tâm Chánh niệm Thích Nhất Hạnh vừa chính thức khai trương ngày 26-4 tại Trường Y tế công Harvard T.H. Chan (Mỹ), với mục tiêu trở thành trung tâm nghiên cứu và thúc đẩy thực hành chánh niệm một cách khoa học trong cộng đồng.

     Thông tin trên trang web của Đại học Harvard cho biết trung tâm được đặt theo tên của cố thiền sư Thích Nhất Hạnh, được xây dựng từ khoản tiền quyên tặng 25 triệu USD của một người giấu tên, cũng là khoản đóng góp độc lập có giá trị lớn nhất cho Trường y tế công Harvard T.H. Chan.

   Theo trang Harvard Magazine, ngày 26-4, rất nhiều nhà khoa học và các nhà sư Phật giáo đã từ khắp nơi trên thế giới tới dự lễ khai mạc Trung tâm Chánh niệm Thích Nhất Hạnh. Tên của trung tâm nhằm để tôn vinh vị thiền sư người Việt, người đã đi đầu và có ảnh hưởng rất lớn trên toàn thế giới trong phong trào thực hành chánh niệm.

     Mặc dù công việc của nhà sư và nhà nghiên cứu dường như rất khác biệt, nhưng các diễn giả tham gia sự kiện hôm đó đã đồng điệu trong quan điểm cho rằng việc thực hành chánh niệm có thể giúp cải thiện sức khỏe thể chất.

     Trung tâm Chánh niệm Thích Nhất Hạnh được thành lập với mục tiêu giúp công chúng hiểu về chánh niệm. Trung tâm này cũng sẽ theo đuổi các nghiên cứu dựa trên cơ sở khoa học về thực hành chánh niệm, nhất là những nghiên cứu tập trung vào dinh dưỡng và môi trường sống.

     Trong vài thập kỷ qua, sự quan tâm của công chúng với chánh niệm đã thực sự bùng nổ trên thế giới. Trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng, các nhà nghiên cứu muốn đưa khái niệm chánh niệm vượt xa hơn việc thiền tập và quán chiếu tự thân ở mỗi người. Đây vốn là cách vẫn thường được trình bày trong hàng chục app dạy chánh niệm phổ biến.

     Bà Michelle Williams, hiệu trưởng Trường Y tế công Harvard T.H. Chan (Mỹ), nói bà tin rằng thực hành chánh niệm có thể góp thêm những giải pháp can thiệp quý giá cần thiết để giải quyết những vấn đề như bệnh béo phì, bệnh tim mạch và biến đổi khí hậu."Cách thực hành này không đòi hỏi những công cụ hay sản phẩm cụ thể nào. Nó có sẵn cho tất cả mọi người và ở bất cứ đâu", bà Michelle Williams nói. Thực hành chánh niệm là khi con người sống hoàn toàn trọn vẹn với từng khoảnh khắc, ở đây và ngay lúc này, nhận thức về mọi điều diễn ra bên trong và xung quanh họ mà không hề phán xét. Thực hành chánh niệm có thể giúp giảm stress, tăng khả năng tự nhận thức, bồi đắp tinh thần chấp nhận và bình an.

    Tuy nhiên lĩnh vực này vẫn còn khá mới mẻ và các nhà nghiên cứu của Trung tâm Chánh niệm Thích Nhất Hạnh sẽ tiếp tục tìm kiếm những công cụ khoa học để đánh giá tác động can thiệp của chánh niệm với sức khỏe và hạnh phúc con người.

                                                                                                                                                                                       Theo Tuổi Trẻ. 

Ý kiến của bạn