Các nhà chức trách địa phương, sau khảo sát sơ bộ, cho rằng công trình này có mặt độ khoảng 1.200 năm. Theo đó, các tượng Phật được điêu khắc vào vách đá, được tìm thấy tại quận Baiyu, một vùng đất của người Tây Tạng. Đây là lần đầu tiên trong suốt chiều dài lịch sử của vùng đất này, giới khảo cổ tìm thấy các tượng Phật được tạc vào vách đá như thế.
Căn cứ vào chất liệu và kiểu dáng của các pho tượng, giới nghiên cứu tin tưởng rằng, có thể công trình này được thực hiện vào giai đoạn cuối của triều đại Tây Tạng Tubo (khoảng năm 618 - 842).
Tượng Phật cổ trong hang động vừa được tìm thấy
Theo Luo Wenhua, Giám đốc Viện Nghiên cứu di sản và văn hóa Phật giáo Tây Tạng thuộc Bảo tàng quốc gia Trung Quốc, lối kiến trúc và nghệ thuật tạo hình của các tượng Phật có kiểu dáng tương tự các công trình điêu khắc trên đá của nền văn hóa Tubo được tìm thấy ở khu vực Tây Tạng và tỉnh Thanh Hải.
Những phát hiện và khai quật công trình Phật giáo này có thể đưa ra những chứng cứ quan trọng để có thể kết luận rằng, giữa triều đại nhà Đường (618-907) và triều đại Tây Tạng Tubo có sự kết nối khá gắn bó. Sự kết nối giao thông và trao đổi văn hóa này đã tạo thành một mạng lưới khá phong phú và đa dạng.
“Baiyu có thể đã từng là một vùng đất có vị trí chiến lược trong mạng lưới kết nối đó. Tuy vậy, chi tiết này cần có thời gian để nghiên cứu và tìm hiểu thêm trong tương lai”, ông Luo chia sẻ.
“Các công trình cổ này một lần nữa cung cấp thêm thông tin và chứng minh kỹ thuật điêu khắc cũng như những đóng góp của nền văn hóa triều đại Tây Tạng Tubo vào Di sản văn hóa Trung Quốc nói riêng, nhân loại nói chung”, ông Luo khẳng định.
Gia Trúc