HỎI: CON VÔ CHÙA ĂN CƠM CÓ NỢ CHÙA KHÔNG?
ĐÁP: Có rất nhiều người khắt khe về điều này đến nỗi đi vô chùa khát nước cũng không dám uống vì sợ nợ chùa. Thưa quý Phật tử nếu mình nói mình đến chùa mình tu tập, mình lễ Phật xong mình ăn bữa cơm hoặc được Quý Thầy Quý Sư Cô tặng cho trái cam, quả quýt mà mình sợ nợ chùa thì thầy nghĩ quý vị đã nợ cuộc đời này quá nhiều rồi. Trước nhất là nợ ơn cha, ơn mẹ tấm thân này, nợ thầy nợ cô những con chữ ngày xưa, nợ bạn nợ bè đã giúp đỡ mình, nợ người đổ xăng, nợ người nông dân trồng lúa cho mình ăn,… Nếu chúng ta hiểu theo nghĩa mang nợ thì thực sự cuộc đời này những gì mình dùng điều nợ hết quý vị ạ. Nhưng nếu theo nghĩa tiêu cực một chút cứ cho là nợ chùa đi, vậy thì nợ chùa một chén cơm mà quý vị vô chùa tu được cả nghìn lợi ích hơn nữa. Nếu được như vậy thầy còn mong quý vị nợ nữa là đằng khác.
Nhưng đó chỉ là theo nghĩa tiêu cực chút thôi thầy khuyến khích quý vị đừng nghĩ theo nghĩa là “nợ chùa” mà hãy nghĩ theo nghĩa con “gieo duyên” đến chùa, hãy nghĩ rằng: Con vô chùa con ăn cơm ở chùa, con có duyên với chùa, con được học giáo lý, được nghe Pháp, được đọc Kinh, con còn được dạy bố thí cúng dường. Có phải những điều đó sẽ thay đổi cả cuộc đời mình luôn không? Khi về nhà mình sẽ làm một người tốt hơn, mình biết giúp đỡ người nghèo khó, mình yêu thương mọi người hơn thì như vậy không có gì là nợ chùa cả. Quý vị xét xem khoảng thời gian quý vị học được những điều đó thì có phải quá xứng đáng hay không? Cho dù có ăn mười bữa cơm đi nữa cũng hoàn toàn xứng đáng với điều đó. Ở một khía cạnh nào đó thì chúng ta nên nói rằng: Cuộc đời này là chúng ta cần nương nhau, tương trợ nhau mà sống chứ không phải mang nợ gì cả, nếu dùng từ mang nợ thì nghe có vẻ hơi nặng.
Ở trong chùa Quý Thầy Quý Sư Cô cũng sẽ ăn nhưng không đơn giản như ở nhà mình nấu đâu quý vị. Trước khi ăn các thầy sẽ cúng dường trên chư Phật rồi sau đó xét tam đề ngũ quán xem có xứng đáng ăn thức ăn này hay không? “Vì thức ăn này là tặng phẩm của đất trời, của muôn loại và công phu lao tác của nhiều người và rất nhiều sinh vật. Xin nguyện ăn trong tỉnh thức chánh niệm để xứng đáng thọ nhận bát cơm này. Lúc ăn xin nhớ ngăn ngừa những tâm hành xấu nhất là tâm hành ăn uống không có chừng mực chỉ xin ăn những thức ăn có tác dụng nuôi dưỡng thân tâm và ngăn ngừa tật bệnh vì muốn xây dựng con đường giác ngộ nên con mới thọ nhận bát cơm này”.
Ở đây mình cần nhận ra rằng, bổn phận của người xuất gia:
Thứ nhất là tu học;
Thứ hai là hướng dẫn cho quý Phật tử về Phật Pháp.
Còn bổn phận của quý Phật tử là: Hộ trì Tam Bảo.
Cho nên thầy nói đây để quý Phật tử thấy rằng không sao cả đừng nghĩ vào chùa ăn chén cơm hoặc uống ly nước là sẽ nợ nha, đó chỉ là cái duyên mà mình gieo đến chùa thôi.
(Thầy Thiện Tuệ trả lời vấn đáp Phật Pháp)