/

Trải nghiệm, khám phá 4 Thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ

Thứ ba, 01/08/2023, 19:28 GMT+7

Có bốn thánh tích quan trọng nhất trong cuộc đời Đức Phật, thường được gọi là Tứ Động Tâm. Trong bốn thánh tích này, ngoài Lâm Tì Ni nằm ở Nepal, thì cả ba nơi còn lại đều nằm ở Bắc Ấn và có thể đi lại khá dễ dàng.

Trong hai tuần qua, tôi đã có cơ duyên ghé thăm ba thánh tích này cùng một vài địa điểm khác ở Ấn Độ. Những cái tên quen thuộc mà tôi đã đọc từ bé trong những cuốn kinh Phật ở nhà ngoại, như thành Vương Xá, núi Linh Thứu, tinh xá Trúc Lâm… những tưởng ở một nơi xa xôi lắm, ở một thời xa xưa lắm, thì giờ đây lại hiển hiện ngay trước mắt tôi, dù nhiều nơi chỉ còn là tàn tích.

Được tự mình bước đi trên con đường mà cách đây hơn 2.500 năm, Đức Phật và tăng đoàn đã từng đi qua, ngồi thiền gần cội cây bồ đề nơi Ngài đắc đạo, và cùng ôn lại những bài học giản dị, gần gũi nhưng sâu sắc trong cuộc đời Đức Phật, là những trải nghiệm mà tôi khó thể nào quên.

1. Vườn Lộc Uyển (Sarnath)

Toàn cảnh vườn Lộc Uyển ngày nay. Source: SBS / Đăng Trình

Toàn cảnh vườn Lộc Uyển ngày nay. Source: SBS / Đăng Trình

Nằm cách thành phố Varanasi thuộc tiểu bang Uttar Pradesh khoảng 10km về phía đông bắc, vườn Lộc Uyển là nơi đức Phật giảng bài pháp đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như. Nội dung của bài pháp là về Trung đạo, Tứ diệu đế và Vô ngã tướng. Thế nhưng ngày nay, khi chúng tôi ghé thăm thì nơi này chỉ còn lại cảnh hoang tàn đổ nát.

Một trong những di tích quan trọng nhất tại đây có lẽ là trụ đá cao 15,25m của vua A Dục (Ashoka). Vua A Dục là một trong những vị quân vương hộ trì chánh pháp bậc nhất trong lịch sử Phật giáo. Là vị vua thứ ba của vương triều Maurya, ông trị vì Ấn Độ từ năm 273 đến 232 trước Công nguyên.

Ông từng chinh phạt và cai trị một vùng đất rộng lớn hơn cả Ấn Độ ngày nay, thế nhưng tương truyền sau trận chiến ở Kalinga khiến cho hơn 100.000 người chết và 150.000 người khác bị trục xuất, ông đã “buông đao đồ tể”, quy y Tam Bảo và lập ra nhiều bia đá ghi lại những thánh tích trong cuộc đời Đức Phật.

Cung cấp thông tin hành hương về miền đất Phật

Di tích trụ đá của vua A Dục trong khuôn viên vườn Lộc Uyển. Source: SBS / Đăng Trình.

Di tích trụ đá của vua A Dục trong khuôn viên vườn Lộc Uyển. Source: SBS / Đăng Trình.

Trụ đá của vua A Dục tại vườn Lộc Uyển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì phần đầu trụ có tạc tượng bốn con sư tử nhìn ra bốn hướng, mà sau này được chọn làm quốc huy Ấn Độ, còn dưới đế có bốn bánh xe với 24 nan hoa, mà ta có thể thấy trên quốc kỳ nước này.

Qua nhiều năm tháng, trụ đá nguyên thuỷ đã bị gãy đổ. Phần thân trụ vẫn lưu lại trong khuôn viên thánh tích, còn đầu trụ với tượng sư tử được trưng bày tại viện bảo tàng gần đó.

2. Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya)

Trái ngược với vườn Lộc Uyển hoang tàn, đổ nát, ghi dấu thời gian, Bồ Đề Đạo Tràng tại tiểu bang Bihar đem lại một cảm giác hùng vĩ, bề thế. Bên cạnh “hậu duệ” của cây bồ đề nguyên thuỷ nơi Đức Phật giác ngộ là ngôi chùa Mahabodhi, cũng là địa điểm chiêm bái chính của quần thể này.

Từ 5 giờ sáng, đã có rất nhiều tăng ni thuộc nhiều tông phái khác nhau đến đây hành lễ. Bên trong chánh điện của chùa Mahabodhi có một tượng Phật đang ngồi toạ thiền. Mỗi ngày tượng Phật sẽ được thay y vài lần, những ai may mắn ở trong chánh điện ngay lúc đó sẽ được sư thầy phát cho những tấm vải vừa thay xong, đem về làm kỷ niệm. Trong khuôn viên thánh tích còn có bảy địa điểm mà Phật đã lưu lại trong bảy tuần sau khi giác ngộ, với bảng chỉ dẫn rất rõ ràng bằng tiếng Anh.

02

Điều khiến tôi ấn tượng nhất ở Bồ Đề Đạo Tràng là không có cảnh nhét tiền vào tay tượng Phật hay rải tiền trên bệ thờ như nhiều ngôi chùa ở Việt Nam mà báo chí đã phản ảnh. Ở đây, người ta cúng dường cho Phật bằng lòng thành kính của mình, bằng việc ngồi xếp bằng tĩnh toạ, đọc kinh, suy tưởng, hay đi nhiễu theo chiều kim đồng hồ vòng quanh bảo tháp.

Tuy nhiên, điều đáng buồn là ngay tại nơi có thể nói là linh thiêng nhất của Phật giáo, thì sự trần tục vẫn tìm được cách len lỏi vào. Bên cạnh những nhà sư chân chính đến đây chiêm bái, thì cũng có những người mặc quần áo nhà sư, giả vờ đi quanh các đoàn Phật tử, tặng lá bồ đề cho mọi người rồi bắt chuyện hỏi xin tiền. Một anh trong đoàn của tôi kể rằng anh vừa mới cho một “nhà sư” giả danh một khoản tiền, thì một ông khác liền xuất hiện và nói rằng, “Tôi là thầy của anh ta!” rồi đòi nhiều tiền hơn.

Các nhà sư ngồi tĩnh toạ bên dưới 'hậu duệ' của cây bồ đề nơi Đức Phật thành đạo.

Các nhà sư ngồi tĩnh toạ bên dưới "hậu duệ" của cây bồ đề nơi Đức Phật thành đạo.

Một sư thầy Việt Nam có chia sẻ với tôi rằng, những tu sĩ thật sự khi đến được Bồ Đề Đạo Tràng thì ai cũng muốn dành toàn tâm toàn ý cho việc ngồi thiền hoặc tụng kinh, không có ai đi xin tiền như vậy. Vì có duyên để đến được đây không phải là dễ. Có những Phật tử đã đăng ký đi rồi, mà tới phút cuối bận việc đi không được, hoặc vừa xuống sân bay Ấn Độ là bị bệnh phải vào bệnh viên.

Xung quanh chùa Mahabodhi còn có rất nhiều ngôi chùa của các nước khác nhau như Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản, Tây Tạng, Trung Quốc… mỗi chùa mang một phong cách kiến trúc riêng, mà nếu dành cả ngày ở đây cũng khó lòng ghé thăm hết được.

Khoảnh sân nhỏ trên núi Linh Thứu, nơi Đức Phật đã từng thuyết pháp.

Khoảnh sân nhỏ trên núi Linh Thứu, nơi Đức Phật đã từng thuyết pháp.

Ngoài ra từ Bồ Đề Đạo Tràng, các đoàn hành hương còn có thể ghé thăm núi Linh Thứu – nơi Đức Phật thuyết giảng nhiều bộ kinh quan trọng của Đại Thừa như kinh Pháp Hoa, và đại học Nalanda – trường đại học Phật giáo đầu tiên trên thế giới, thu hút nhiều tăng sĩ từ Tây Tạng, Trung Hoa, Hy Lạp và Ba Tư đến đây tu học.

3. Câu Thi Na (Kushinagar)

Điểm đến cuối cùng của đoàn chúng tôi là Câu Thi Na, nơi Phật nhập Niết bàn, cũng thuộc tiểu bang Uttar Pradesh. Nơi đây chỉ có một ngôi chùa nhỏ tên là Mahaparinirvana, bên trong có tượng Phật nằm dài khoảng 6m, đặt trên một bệ đá hình chữ nhật để mọi người đi vòng quanh chiêm bái.

08

Phía sau là một ngọn tháp cao khoảng 45m, được xây trên nền tháp xá lợi Phật cổ xưa của bộ tộc Malla từ thế kỷ thứ 1 sau Công nguyên, đánh dấu nơi Đức Thế Tôn nhập diệt.

Nếu có một điểm nào trong chuyến đi để lại cho tôi ấn tượng mạnh mẽ nhất về sự vô thường của cuộc sống, thì đó chính là Câu Thi Na.

 

Khi ấy vị sư thầy trong đoàn có trích dẫn một bài thi kệ khiến tôi suy nghĩ mãi. Bài thi kệ tiếng Hoa, tạm dịch sang tiếng Việt là:

“Chúng con từ xưa vô lượng kiếp

Không hay không biết nhiễm bụi trần

Khi Phật ở đời, con trầm luân

Nay được thân người, Phật diệt độ…”

Thế nhưng, điều may mắn là tuy Đức Phật đã nhập diệt hơn 2.500 năm, nhưng giáo pháp của Ngài vẫn còn tồn tại và được thực hành trên khắp thế giới. Theo kinh sách ghi lại, bản thân Đức Phật cũng đã khuyên các đệ tử vào giờ phút cuối rằng, hãy lấy Phật pháp làm đuốc, tự mình thắp đuốc lên mà đi chứ đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác.

4. Vườn ngự uyển Lâm Tỳ Ni (Lumbini) - nơi Phật đản sanh

Lâm Tỳ Ni, phạn ngữ là Lumbini, xưa kia là khu vườn xinh đẹp của kinh thành Ca Tỳ La Vệ. Hiện nay vị trí khu vườn này nằm trên phần đất của Nepal, tiếp giáp biên giới, chỉ cách Ấn Độ khoảng 30 Km. Lâm Tỳ Ni , nơi đản sinh một Đức Phật, nằm dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn, các sách thường ghi cách thành Ca Tỳ La Vệ cũ khoảng 15 km, rất có thể là đường chim bay, trên thực tế phải đi vòng bằng đường lộ nhựa khoảng 40km.

04

Lâm Tỳ Ni là một khu vực tâm linh dành cho khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới. Điểm chính là ngôi đền Maya Devi được đặt theo tên của hoàng hậu - người đã sinh ra Thái tử Tất Đạt Đa. Vốn đây không phải là nơi vị Hoàng hậu của vương tộc Thích Ca chọn để sinh con. Bà chỉ dừng chân tại đây khi đang trên đường về nhà cha mẹ ruột để sinh đứa con đầu lòng của mình. Trong một lần dạo chơi trong vườn, bà đã hạ sinh thái tử khi với tay lên một cành hoa Vô Ưu màu trắng! Gần 400 năm sau, năm 249 trước Công Nguyên, Vua A Dục đặt chân đến đây mới cho đặt một tảng đá nhỏ đánh dấu chính xác nơi ra đời của một NGƯỜI đã khai sáng đạo Phật giải thoát cho nhân gian.

Tứ thánh tích và ý nghĩa chiêm bái tứ thánh tích

Theo SBS. 

Nguồn: Trải nghiệm, khám phá 4 Thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ (phatgiao.org.vn)

Ý kiến của bạn