Thiền sư Minh Hải Pháp Bảo (1670-1746) là một trong những vị cao tăng của Phật giáo Việt Nam thế kỷ 18. Thiền Sư là đời thứ 34 của dòng phái Lâm Tế chánh tông, đã có công vân du hóa đạo, khai sơn ra tổ đình Chúc Thánh, Hội An và là vị sư tổ đã khai sinh ra dòng phái Lâm Tế Chúc Thánh, một dòng tu đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển của Phật giáo miền Trung Việt Nam trong quá khứ, cũng như hiện tại.
Thiền sư thế danh Lương Thế Ân sinh vào giờ Tuất, ngày 28 tháng 6 năm Canh Tuất (1670) nhằm vào năm Khang Hy thứ 8 triều nhà Thanh tại làng Thiệu An, huyện Đồng An, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc.
Thân phụ Ngài là cụ ông húy Lương thụy Đôn Hậu, thân mẫu tộc Trần thụy Thục Thận. Ngài là người con thứ 2 trong gia đình có 3 anh em, anh trai là Lương Thế Bảo, em trai là Lương Thế Định. Được sinh ra trong một gia đình thuần phong Nho giáo, nên thuở thiếu thời, Ngài tỏ ra thông minh khác người. Năm Mậu Ngọ (1678), Ngài được song thân đưa đến xuất gia tại chùa Báo Tư Tân Thụ huyện Giang Lăng, Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc. Sau một thời gian dài tu học, khi tuổi vừa tròn 20 thì Ngài được đăng đàn thọ Cụ túc giới với pháp danh Minh Hải, tự Đắc Trí, hiệu là Pháp Bảo, nối pháp đời 34 tông Lâm Tế truyền theo bài kệ của tổ Vạn Phong Thời Ủy
Năm Ất Hợi (1695), theo lời thỉnh cầu của Quốc chúa Nguyễn Phúc Trân, ông trong Hội đồng Thập Sư từ Quảng Đông, Trung Quốc sang An Nam để tham dự Đại Giới đàn truyền giới tại chùa Thiên Mụ, Huế. Sau khi Đại giới đàn thành tựu viên mãn, một số ngài trong phái đoàn đã ở lại An Nam để trác tích khai sơn hoằng hóa. Thiền sư Minh Hải vào Hội An đến làng Thanh Hà, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (nay là phường Tân An, thành phố Hội An) chọn một vùng đất cao thoáng cách phố cổ Hội An 1km, lúc ấy còn khá hoang vắng, thưa người dựng lên một thảo am để tịnh tu phạm hạnh, thu nhận đệ tử và khai sơn chùa Chúc Thánh. Dần dần hương giới đức của Ngài lan tỏa khắp mọi nơi, ảnh hưởng đạo đức đến người dân phố Hội An và các vùng phụ cận nên đồ chúng ngày một quy ngưỡng tham học. Thấy cơ duyên hóa độ đã đến, Ngài chính thức khai đường giảng pháp, tiếp tăng độ chúng. Để cho sự truyền thừa có quy củ dài lâu, Ngài biệt xuất một bài kệ truyền pháp. Bài kệ truyền pháp của Ngài như sau:
傳 法 名 偈
明 實 法 全 彰
印 真 如 是 同
祝 聖 壽 天 久
祈 國 祚 地 長.
Truyền pháp danh kệ:
Minh Thiệt Pháp Toàn Chương
Ấn Chơn Như Thị Đồng
Chúc Thánh Thọ Thiên Cửu
Kỳ Quốc Tộ Địa Trường
傳 法 字 偈
得 正 律 為 宗
祖 道 解 行 通
覺 花 菩 提 樹
充 滿 人 天 中.
Truyền pháp tự kệ:
Đắc Chánh Luật Vi Tông
Tổ Đạo Giải Hạnh Thông
Giác Hoa Bồ Đề Thọ
Sung Mãn Nhơn Thiên Trung
Từ đây, trong dòng lịch sử truyền thừa của Phật giáo Việt Nam có một dòng thiền mới xuất hiện mà sử sách gọi là dòng thiền Chúc Thánh, hay còn gọi thiền phái Minh Hải Pháp Bảo. Trong bài kệ này, 4 câu đầu dùng để đặt pháp danh và 4 câu sau dùng để cho pháp tự. Hiện nay, dòng thiền Chúc Thánh đã truyền xuống đến các chữ Thánh, Thọ và sự ảnh hưởng của dòng thiền này không những ở các tỉnh miền Trung, miền Nam mà còn lan tận đến các quốc gia ở các châu lục trên thế giới.
Sau gần 50 năm sang An Nam trác tích hoằng hóa, vào ngày mồng 7-11-Bính Dần (1746), ngài gọi đồ chúng đến dặn dò và đọc kệ phú chúc:
“Nguyên phù pháp giới không
Chân như vô tánh tướng
Nhược liễu ngộ như thử
Chúng sanh dữ Phật đồng”.
Tạm dịch:
“Pháp giới như mây nổi,
Chân như không tánh tướng
Nếu hiểu được như vậy
Chúng sanh với Phật đồng”.
Sau khi phú chúc cho hàng môn đệ xong thì Ngài thâu thần thị tịch, trụ thế 77 tuổi. Đồ chúng cung thỉnh nhục thân của Ngài nhập bảo tháp ở phía Tây Nam trong khuôn viên tổ đình Chúc Thánh. Hằng năm, vào ngày mồng 7 tháng 11, Tăng Ni Phật tử trong toàn tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng vân tập về Chúc Thánh làm lễ tưởng niệm công đức của Ngài. Đặc biệt, cứ 3 năm một lần, vào các năm Dần, Tỵ, Thân, Hợi, Tăng Ni khắp nơi trong nước thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh tổ chức về nguồn nhân lễ húy kỵ của tổ khai sơn.