Tang lễ cho người hiến xác

Thứ hai, 08/07/2019, 19:39 GMT+7
    GN - HỎI: Tôi có người thân là Phật tử đã đăng ký hiến xác cho khoa học. Theo quy trình, sau khi vị ấy mất đi, gia đình tôi báo ngay cho cơ quan nhận xác biết và họ sẽ đến làm các thủ tục cần thiết rồi mang xác đi. Xin hỏi tang lễ (theo nghi thức Phật giáo) cho vị Phật tử hiến xác sẽ như thế nào? Cụ thể: Có thỉnh thầy làm lễ không? Có phát tang cho con cái không? Có làm bài vị và di ảnh để thờ không? Có tụng kinh cầu siêu, cúng cơm hàng ngày, cúng các tuần thất, cúng chung thất, tiểu tường, đại tường, kỵ giỗ hàng năm không?

(PHẬT TỬ, Bưu điện Thủ Đức, TP.HCM)

svnganhy.png
Sinh viên ngành Y tri ân người hiến xác - Ảnh minh họa

    ĐÁP:

    Bạn Phật Tử thân mến!

    Thông thường, các lễ tiết trong tang lễ cầu siêu cho người Phật tử bao gồm thỉnh chư Tăng (Ni): Trợ niệm trước, trong và liền sau khi chết; Nhập liệm; Khai kinh cầu siêu, thành phục (phát tang); Cúng cơm hàng ngày (tùy theo đám để ít hay nhiều ngày); Tịch điện, cầu siêu (tối trước ngày di quan); Di quan (đưa đi thiêu hoặc chôn); An sàng (thỉnh bát nhang, di ảnh từ nghĩa trang về lại nhà phụng thờ); Cúng tuần, chung thất, tiểu tường, đại tường, húy nhật (giỗ). Như vậy, xét về đại thể, tang lễ cho vị Phật tử hiến xác cho khoa học không mấy khác biệt so với các tang lễ của những người Phật tử khác.

    Sau khi được xác định chết lâm sàng (mũi ngừng thở, tim ngừng đập) một số thân nhân sẽ liên hệ các nơi để lo hậu sự, số thân nhân còn lại nên nhất tâm niệm Phật, không nên vì quá thương đau mà khóc lóc thảm thiết sẽ không tốt cho cận tử nghiệp của người mất. Riêng đối với người đã hiến xác, theo quy trình, thân nhân có trách nhiệm sẽ thông báo cho cơ quan nhận xác trong thời gian sớm nhất, số còn lại hãy thành tâm trợ niệm. Tuy nhiên, vì thời gian cần thiết để cho thần thức ra khỏi cơ thể (chết hẳn, khác với chết lâm sàng) kéo dài khoảng 8 giờ, do đó gia đình Phật tử ấy có thể thông báo đến cơ quan nhận xác chậm hơn một chút (tính thời gian sao cho từ khi chết lâm sàng đến khi cơ quan nhận xác đến mang đi là vừa đủ 8 giờ). Sự nhín chút thời gian quý báu này, vừa để trợ niệm bảo vệ cho thần thức an tịnh, vừa để thực hiện một số nghi lễ cầu siêu Phật giáo một cách giản lược cho người chết.

    Nghi lễ đầu tiên, vì không nhập liệm (bên cơ quan nhận xác sẽ làm theo cách riêng) nên gia đình chỉ lập bàn thờ hương linh, tôn trí di ảnh, bài vị (cần chuẩn bị trước) cùng hương hoa nhang đèn cơm nước, thỉnh chư tôn đức Tăng (Ni) khai kinh cầu siêu, phát tang cho con cháu, cúng cơm cho hương linh. Sau lễ phát tang, đợi cơ quan nhận xác đến chuẩn bị đưa xác đi thì làm lễ di quan. Tuy chỉ vài giờ, nhưng chư Tăng (Ni) vẫn làm đủ các lễ tiết cầu siêu cần thiết.

    Sau khi bên nhận xác mang xác đi (giống như sau lễ di quan đưa đi chôn hoặc thiêu), các lễ cầu siêu khác như cúng tuần, chung thất, tiểu tường, đại tường, húy nhật (giỗ) đều tiến hành bình thường tại tư gia hoặc tại chùa.

    Cần lưu ý là, vì thời gian rất hạn hẹp, gấp rút nên gia đình phải liên hệ đăng ký trước với chùa để chư Tăng (Ni) tiện sắp xếp thời gian phù hợp. Trong trường hợp thiếu duyên, không kịp thỉnh chư Tăng (Ni) đến làm lễ, gia đình vẫn lập bàn thờ hương linh, tôn trí di ảnh, bài vị (nếu có) cùng hương hoa nhang đèn cơm nước, rồi lễ bái và phát tang cho con cháu, cúng cơm cho hương linh. Sau lễ phát tang, đợi bên nhận xác đến chuẩn bị đưa xác đi thì thành tâm niệm Phật tiễn thân nhân về nơi an nghỉ cuối cùng.

    Chúc bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN
(tuvangiacngo@yahoo.com)

Ý kiến của bạn