Richard Gombrich: Phật giáo và vấn đề bất bạo lực trong đời sống cộng đồng

Thứ năm, 04/05/2023, 09:29 GMT+7


       

    Lời người dịch: Hôm 4-6 tháng 2 vừa qua, nhân lễ tưởng niệm 2550 ngày đức Phật Thích-ca diệt độ, tại Bồ-đề đạo tràng, Bộ Du lịch và Văn hóa chính phủ Ấn đã tổ chức buổi hội thảo với chủ đề Phật giáo và Thế kỷ 21. Đến tham dự buổi hội thảo này gồm có các nhà lãnh đạo Phật giáo, các học giả, giáo sư và tiến sĩ đến từ mười hai quốc gia: Brazil, Trung Quốc, Estonia, Đức, Hungary, Nhật Bản, Malaysia, Sri Lanka, Đài Loan, Thái Lan, Anh Quốc, Hoa Kỳ. Dưới đây là bản dịch bài thuyết trình của Richard Gombrich, Giáo sư Đại học Oxford, Anh quốc. Vì giới hạn số trang của một tờ báo, người dịch xin được lược bớt một số đoạn trong bài. Xin giới thiệu đến độc giả.

    Tôi rất lấy làm hân hạnh được mời đến nói chuyện với quý vị. Tôi sẽ nói về đề tài Phật giáo và vấn đề bất bạo lực trong đời sống cộng đồng. Tất cả chúng ta đều biết cách ngôn bằng tiếng Sanskrit, khuyên rằng người ta không nên nói trừ khi những gì người ta nói ra là chân thật và tạo sự dễ chịu, và đó chắc chắn là một nguyên lý tuyệt vời cho đời sống cá nhân. Đức Phật đã thay đổi nguyên lý này: Ngài bảo rằng Ngài chỉ nói những gì Ngài biết là chân thật và hữu ích, và biết lúc để nói điều đó dù khi nó gây khó chịu. Nhưng Ngài nói thêm, Ngài sẽ không nói ra bất cứ điều gì dù điều đó chân thật và được chấp nhận nhưng không có chút lợi ích nào. Thực vậy, mỗi giới luật được mở đầu bằng một tình huống mà trong đó một vị Tăng hay Ni thực hiện một vài điều mà đức Phật nhận thấy thật cần thiết để khuyên dạy họ trước khi chế định giới luật nhằm ngăn chặn những điều như vậy xảy ra trở lại. Trong đời sống cộng đồng, đôi khi rất cần nói ra một vài điều dù có thể không được đón nhận. Chúng ta không nên và không ca tụng những nhà chính trị hay các vị lãnh đạo của những tổ chức cố gắng che đậy những sự kiện bất hảo khỏi mắt công chúng. Đây là một vấn đề chung, và tôi hi vọng quý vị sẽ thứ lỗi cho tôi nếu những điều tôi nói ra không làm hài lòng và gây hoang mang.

   Do đó, chủ đề trước hết của tôi phải là mối liên hệ giữa Phật giáo và đời sống cộng đồng. Tôi cho rằng Phật giáo có một cái nhìn rõ ràng và vững chắc về mối liên hệ giữa tôn giáo và chính trị. Tăng-già và những nhà chính trị thực hiện những phận việc hoàn toàn khác nhau; nhưng đơn giản bảo rằng Phật giáo phải tách rời ra khỏi hoạt động chính trị thì thật là nguy hiểm và ngớ ngẩn.

  Vì thế tôi sẽ tiếp tục lập luận rằng, đời sống cộng đồng tất cả trên thế giới đang hết sức cần trí tuệ của đức Phật. Tôi tin rằng trong khi chúng ta hôm nay ở đây, mỗi người hẳn biết ơn rằng chúng ta có cơ may học hỏi lời dạy của đức Phật, thì sự ảnh hưởng của Phật giáo đối với đời sống chung trên thế giới như một tổng thể gần như không có gì cả, và đây là một chuyện buồn, một bi kịch mà chúng ta phải đưa ra biện pháp cứu chữa. Do đó một mặt tôi sẽ giải thích, theo quan điểm của tôi, những nguyên tắc cơ bản của Phật giáo về hòa bình và tình thương nên được áp dụng vào những vụ việc nội tại của một quốc gia như thế nào, và mặt khác với chính sách đối ngoại ra làm sao.

   Tôi xin được bắt đầu với mối quan hệ giữa tôn giáo và chính trị. Trong Ấn Độ cổ đại, ngay cả trước thời đức Phật, có một truyền thống được thiết lập mà nó tương tự với những mối liên hệ giữa những gì ngày nay chúng ta gọi là giáo hội và quốc gia. Một vị quý tộc lãnh đạo và thi hành quyền lực có thực, nhưng ông ta không được thừa nhận là một người trị vì hợp pháp trừ khi ông ta được một Bà-la-môn ban phép. Sau đó tu sĩ Bà-la-môn này trở thành người cố vấn chủ chốt, vị quan thượng thư của nhà vua. Các Bà-la-môn là những người mang huyết thống cha truyền con nối và là những người truyền trao hiểu biết và kiến thức. Ít nhất trên lý thuyết, các Bà-la-môn không trở thành vua, và nhà vua không thể trở thành Bà-la-môn. Bà-la-môn và nhà vua tương tác bổ sung lẫn nhau: Bà-la-môn biết, ít nhất trên nguyên tắc, những gì nên làm và nhà vua thực hiện điều đó. Mặc dầu lý thuyết này thường không trình bày những gì thực sự đã xảy ra, nhưng nó đã biểu hiện tư tưởng được chấp nhận chung trong những vương quốc Hindu có lẽ hơn ba ngàn năm.

   Đức Phật phê bình các Bà- la-môn và học thuyết của họ theo nhiều cách. Sự thực hành tôn giáo của các Bà-la-môn đặt trọng tâm vào nghi lễ và họ là những thầy cúng chủ chốt của xã hội. Đức Phật thay đạo đức cho vấn đề nghi lễ. Thực tế là, từ phổ biến nhất trong nghi lễ Bà-la-môn giáo, karma, đi vào Phật giáo để biểu thị bất cứ hành động nào với một giá trị đạo đức, tốt hay xấu, đúng hay sai. Con đường đưa đến giải thoát, Niết- bàn, không bắt đầu với nghi lễ mà bằng trí tuệ và cách hành xử có đạo đức. Những người thật sự quan tâm đến sự phát triển tâm linh cho bản thân thì được khuyên nên tham gia vào Tăng đoàn, trở thành những vị Tăng hoặc Ni. Như vậy, Tăng hay Ni là những nhà tu hành thực sự trong những xã hội Phật giáo, và trong những xã hội đó họ giữ một vị trí tương tự vị trí mà các Bà-la-môn nắm giữ trong những xã hội Hindu. Người trị vì phải tìm đến họ để nghe lời khuyên về những vấn đề cơ bản. Bởi vì là những sứ giả theo truyền thống Phật giáo, họ có sự tinh thông đặc biệt trong các vấn đề đạo đức. Người cai trị có bổn phận ủng hộ Tăng già, bởi vì đó là nấc thang thiết thực đầu tiên trong việc ủng hộ Phật giáo. Mặt khác, nếu nhà vua thực hiện những bổn phận đối với Phật giáo, Tăng-già phải đáp lại bằng những việc làm tích cực ủng hộ nhà vua.

   Như chúng ta biết, điều trước tiên đức Phật thuyết giảng là phương pháp cho mỗi cá nhân thực hiện tiến trình tâm linh. Con đường dẫn đến đích Niết-bàn bao gồm giới hạnh, thiền định và trí tuệ. Những gì đưa đến mục đích này chỉ có thể diễn ra trong tâm của mỗi người. Thêm nữa, mọi người có thể tự nguyện dành hết đời mình chỉ riêng cho mục đích này, và họ có thể trở thành một vị Tăng hay Ni để thực hiện điều đó. Tham gia vào Tăng đoàn sẽ cho họ cơ hội dành trọn thời gian và nỗ lực thực hành giới luật, thiền định và nhận chân được chân lý cao nhất. Nhưng chúng ta cũng biết rằng đức Phật không bao giờ bảo rằng, mọi người, hay dẫu là số đông, nên tham gia vào Tăng đoàn. Sự thực, theo định luật tự nhiên, Tăng- già không thể tồn tại được nếu không có sự ủng hộ vật chất từ người tại gia. Mỗi khi đức Phật chế định một giới luật nào, Ngài đều bảo rằng điều đó được thực hiện bao gồm cả lý do nhận lấy sự ủng hộ của người tại gia. Quả thực, hàng Phật tử tại gia có những bổn phận giống như người lãnh đạo Phật giáo, chỉ ở mức độ đơn giản hơn để phù hợp với vị trí của họ. Họ phải ủng hộ Tăng già, và họ phải nỗ lực hết mình để thực hiện những giới luật của hàng Phật tử tại gia, không chỉ bao gồm ở trong năm giới mà họ được khuyên nên đọc mỗi ngày, mà ở trong những nguyên tắc tu tập mang tính tích cực như bố thí và thực hiện lòng từ. Có duy nhất một Phật đạo, nhưng hàng tại gia và Tăng-già có những vai trò hỗ tương, giống y như vị Bà-la-môn và nhà vua Hin- du. Trong xã hội làng xã truyền thống, không cho thấy rằng một người tại gia sẽ có cơ hội tốt để thực hành thiền định, từ đó đạt đến trí tuệ do thiền định mang lại. Tuy nhiên giới luật có thể áp dụng cho tất cả: chúng chính là nền tảng của lời dạy đức Phật.

   Một vài bài kinh trong kinh điển Pali đã minh họa rất rõ những điều nói trên. Những Phật tử tại gia nên áp dụng giới luật vào đời sống của mình như thế nào được trình bày rất chi tiết trong kinh Sigālovāda. Tuy nhiên, thích hợp nhất đối với đề tài của tôi ngày hôm nay là lời khuyên mà đức Phật gửi đến những người trị vì. Nguyên lý đạo đức chung được nói đến trong kinh Pháp Cú: “Dùng hận diệt hận thù, đời này không thể được, không hận diệt hận thù, là định luật ngàn thu”. Trong kinh Kūṭadanta, điều này lại được nhắc đến: một vị đại vương thuở xưa bảo với vị tu sĩ Bà-la-môn, cũng là quan thượng thư của mình (người về sau trở thành vị Phật tương lai) rằng ông muốn thực hiện một cuộc tế lễ lớn. Điều này đòi hỏi ông ta phải tăng thuế. Vị thượng thư tài trí cảnh báo vua rằng như vậy vương quốc sẽ đầy dẫy tội ác. Ông nói: “Đại vương có thể nghĩ là đại vương có thể diệt trừ được tất cả tội ác bằng cách giết đi những kẻ tội phạm, tống giam, phạt tiền, khiển trách hay đày ải. Nhưng điều đó sẽ không bao giờ thành công mỹ mãn: luôn luôn sẽ có những kẻ sống sót, họ sẽ tiếp tục quấy rối vương quốc của ngài. Đây là phương cách duy nhất sẽ diệt trừ tội ác. Đại vương nên cung cấp hạt giống và cỏ khô cho những người làm nông nghiệp và chăn nuôi; đại vương nên cung cấp vốn cho những người làm công việc buôn bán; đại vương nên phân phát lương thực và bổng lộc cho những người phục vụ đại vương. Như vậy, những người này sẽ chuyên tâm vào công việc của mình và không quấy nhiễu vùng quê. Đại vương sẽ đạt được một gia tài lớn. Làng quê sẽ được an ổn, thoát khỏi những kẻ thù chung. Và tôi nghĩ, như vậy dân chúng sẽ được hạnh phúc và nâng niu con cái họ trong lòng họ nơi những căn nhà luôn mở rộng cửa”.

   Những người cho rằng Phật giáo không có vị trí trong chính trị thì rõ ràng đã quên rằng vị đại vương Asoka (vua A Dục) của Ấn Độ, người đã cai trị toàn cõi tiểu lục địa hơn ba mươi năm vào giữa thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, và những sắc lệnh của ông cho thấy rằng những nguyên tắc của ông được rút ra từ lời dạy của đức Phật. Tôi sẽ quay trở lại Asoka trong chốc lát. Nhưng tôi muốn trả lời đối với những ai nói rằng Asoka thì hoàn toàn rất tốt đấy, nhưng mà đã quá xa xôi lắm rồi, và chính những điều kiện của thế giới hiện tại đòi hỏi tôn giáo phải tách rời chính trị. Vậy thì chúng ta hãy nhìn xem thế giới Tây phương hiện đại. Trong nhiều quốc gia ở châu Âu, một trong các đảng chính có tên gọi là đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (Christian Democrat) hay Chủ nghĩa xã hội Thiên chúa giáo (Christian Socalist). Thực tế, trong sự phản động của chủ nghĩa Phát xít, vào lúc kết thúc Thế chiến thứ hai, cả Đức và Ý đã bầu đảng Dân chủ Thiên chúa giáo lên nắm chính phủ. Ở Ý, đảng Dân chủ Thiên chúa giáo đã nắm giữ quyền lực 44 năm, và ở Đức chính phủ hiện tại lại do đảng Dân chủ Thiên chúa giáo lãnh đạo (…).

   Những người nói rằng họ muốn giữ tôn giáo tách rời chính trị thường muốn bảo rằng họ không muốn chấp nhận những giá trị đạo đức do một tôn giáo đưa ra, mà thích những giá trị khác hơn, chẳng hạn như những người theo chủ nghĩa dân tộc. Một trong những câu nói nổi tiếng trong văn học của thế giới phương Tây là dòng thơ của thi hào La ma Horace, xuất bản vào năm 23 trước Tây lịch: “Thật ngọt ngào để chết cho quê hương”. Những nhà chính trị thường thích tình cảm đó hơn là những quan điểm chống chiến tranh được một vài truyền thống tôn giáo lớn đưa ra.

   Tôi xin đưa ra một điểm khác về đạo đức. Tất cả những truyền thống tôn giáo lớn dạy chúng ta rằng mọi người nên thương yêu nhau, tử tế và từ bi với nhau. Bởi điều này, họ muốn rằng người ta nên thương mọi người, không chỉ đối với những người dễ thương. Thương người luôn tử tế đối với quý vị thì không khác hơn loài thú làm theo bản năng. Tình thương trở thành mục đích đạo đức khi nó trực tiếp đến kẻ thù của chúng ta, hay những kẻ khó yêu.

   Như vậy, Phật giáo có thể đóng vai trò gì trong đời sống cộng đồng để đem lại sự bất bạo lực và tình thương cho tất cả? Đối với tôi, để đưa ra quan điểm chính của mình, tôi không cần đi xa hơn giới thứ nhất: không được sát sanh. Hơn một nửa số quốc gia trên thế giới bãi án tử hình, điều này có nghĩa rằng nhà nước không giết người. Tuy vậy, trong danh sách những nước không có án tử hình chỉ có hai quốc gia Phật giáo được nhắc đến, Bhu- tan và Cam-pu-chia. Điều này bất chấp sự thật rằng, rất nhiều cuộc nghiên cứu về hình phạt tử hình kết luận rằng, xem hành động đó như một sự ngăn chặn làm giảm đi tỷ lệ tội phạm là hoàn toàn sai lầm. Vì thế không có lý lẽ thực tế nào để duy trì hình phạt tử hình cả: nó chỉ làm thỏa mãn ý muốn trả thù.

   Sự mong muốn trả thù đó có được thỏa mãn hay không? Hình phạt tử hình thường theo sau một tội ác khủng khiếp như giết người chẳng hạn, và những tội ác như vậy chắc chắn đáng ghê tởm. Đó là tại sao đối xử với những kẻ tội phạm đó một cách nhân đạo là thật sự đang kiểm tra xem chúng ta có chân thành về các nguyên tắc của tình thương và bất bạo lực hay không. Tất nhiên, nếu một kẻ nào đó giết người tôi thương thì rất nhiều người hỏi rằng tôi có yêu kẻ sát nhân đó hay không. Đó là tại sao chúng ta có một hệ thống pháp luật, hơn là cho phép mọi người tự tay nắm lấy luật. Nhưng nếu tôi là một Phật tử thuần thành, thì làm thế nào tôi có thể yêu cầu nhà nước giết người vì lợi ích của tôi đây? Phật giáo dạy rằng những ai đã tạo ra một hành vi bất thiện thì sẽ chịu khổ đau vì điều đó: đó là định luật nghiệp quả. Tại sao làm tăng thêm bạo lực bằng kết án tử hình cũng phạm tội sát nhân? Trong kinh Cakkavatti Sīhanāda, đức Phật đã mô tả sự kiện một vị vua đã sát hại một kẻ trộm, nhưng điều đó chỉ bắt đầu cho một vòng quay bạo lực luẩn quẩn. Trong chuyện Tiền thân Temiya, đức Phật sinh làm một hoàng thái tử của nhà vua. Ngài được đưa đến chỗ phụ vương trong khi ông đang ngồi trên ghế thẩm phán kết án những kẻ tội phạm bằng những hình phạt bạo lực, kể cả giết hại. Không thể cho rằng sự kết án này là không đúng: nhà vua chỉ thực thi những bổn phận của mình. Nhưng đức Phật tương lai (hoàng thái tử) nhớ lại rằng trong một tiền kiếp Ngài cũng từng là một vị vua đã kết tội chết cho người khác, và rằng như một kết quả, Ngài đã phải chịu đau khổ trong địa ngục tám mươi ngàn năm.

   Nếu chúng ta tìm một mô hình Phật giáo về bất bạo lực, chúng ta có ngay đại đế Asoka. Tôi muốn các hệ thống trường học trên thế giới dạy học sinh của họ không chỉ về lời dạy của đức Phật, mà cũng nên dạy cách Asoka đã áp dụng những lời dạy đó. Những bia ký ông để lại đã ghi chép cách ông đã bãi bỏ việc sử dụng bạo lực chống lại loài người lẫn muông thú như thế nào. Ngôn ngữ của ông đôi khi khó khăn đối với chúng ta, và các học giả buổi đầu của châu Âu cho rằng chỉ dụ trên trụ đá thứ tư cho thấy ông đã giữ lại hình phạt tử hình. Nhưng Giáo sư K.R. Norma của Đại học Cambridge, khoảng ba mươi năm trước đã cho thấy rằng đó lại một sự nhầm lẫn, và từ được coi là đề cập đến việc hành hình thực sự chỉ nói đến đánh đậu. Vì vậy, Asoka là nhà cầm quyền đầu tiên trong lịch sử được ghi nhận là đã bãi bỏ án tử hình (…).

   Xin nhớ rằng tôi không biện luận cho chủ nghĩa hòa bình. Đây là nơi sự khác biệt giữa lãnh vực cộng đồng và cá nhân trở thành quyết định. Nếu người nào đó tấn công tôi, tôi có thể quyết định không phản ứng, thậm chí bằng lời nói của Chúa Jesus – đưa má khác cho họ. Nhưng nếu dân chúng bầu tôi trông coi lợi ích của họ, và họ bị tấn công hay bị đe dọa tấn công, tình huống lại khác: tôi có trách nhiệm bảo vệ họ. Mọi quốc gia đều cần sức mạnh phòng thủ để ngăn chặn sự tấn công, và những kẻ xâm lược hùng mạnh cần biết rằng sức mạnh này có thể được sử dụng. Có nhiều sự khác nhau giữa xâm lược và phòng thủ, giữa khởi xướng bạo lực và đối phó nó. Ở đây, chúng ta quay trở lại vị vua Phật tử vĩ đại nhất, hoàng đế Asoka. Chỉ dụ ghi trên trụ đá lớn thứ mười ba, ông đã nói rõ với thế giới lòng hối hận của ông vì đã gây chiến với người dân Kalinga. Ông ước mong sẽ không bao giờ phải làm một điều như vậy nữa. Nhưng ông cũng cẩn báo những quốc gia láng giềng rằng trong khi ông sẽ “khoan dung những gì có thể khoan dung” (lời của ông), thì họ không nên khiêu khích ông. Đó chắc chắn là một giải pháp đúng cho một chính quyền để giảm đi bạo lực.

   Dù cho trách nhiệm đầu tiên của một nhà lãnh đạo là nhằm đến nhân dân của mình, tuy vậy không thể nhẫn tâm bất chấp mạng sống của người khác, bỏ mặc những chính sách mang đến cái chết cho những người nước ngoài một cách vô ích. Chẳng hạn như vào cuối năm 1950, chính quyền Sri Lanka đã từ chối lên án việc giết hại tu sĩ và tàn phá chùa chiền ở Tây Tạng, và chính quyền này đã tiếp tục từ chối ủng hộ đức Dalai Lama, thậm chí còn cho rằng ngài là một hạng Phật tử sai, như thể mạng sống và lợi ích của những người Phật tử Đại thừa không liên quan hay tạo ra sự cảm thông nào của Phật tử Theravada. Những điều gây đau lòng tương tự này thậm chí tiếp tục xảy ra ngay cả bây giờ. Ở Anh quốc, chính chúng tôi đã đọc tin tức của BBC về việc nhà nước Miến Điện, không cách xa đây lắm, một lượng lớn nam nữ và trẻ em đang bị sát hại và nhà cửa tài sản của họ bị hủy hoại để dọn sạch đất cho những dự án thủy điện nhằm bán điện rẻ cho quốc gia Thái Lan. Trong khi ấy chính phủ lại đứng ra bảo trợ cho những cuộc hội nghị của các tu sĩ Phật giáo và những nhà hoạt động khác một cách hợm hĩnh, bàn luận thông báo thêm một Ngày Hòa bình Thế giới. Chúng ta thích khoa trương thực tế hơn. Sự sát hại những công dân Phật tử vô tội này có thể đang tiếp tục thậm chí khi tôi đang nói chuyện với quý vị.

   Có một câu chuyện rằng, Mahatma Gandhi trong một lần được hỏi ngài nghĩ gì về sự khai hóa của Anh quốc. Ngài đáp rằng, “tôi nghĩ đó sẽ là một ý tưởng hay”. Tôi mạo muội đề xuất rằng bất bạo lực của Phật giáo cũng là một ý tưởng hay. Chúng ta không thể giả vờ rằng chúng ta không biết những gì đang xảy ra sát bên cửa. Nếu người nào trong cuộc hội thảo này có bất cứ sự ảnh hưởng nào, xin hãy để họ sử dụng nó.

Nguyên Hiệp dịch

Ý kiến của bạn