Như ngón tay chỉ mặt trăng

Thứ bảy, 23/02/2019, 11:47 GMT+7

      "Nếu không cầu an đầu năm như vậy thì người ta sẽ tìm tới am miếu, bói toán...những nơi đó thường thì hù dọa làm cho người ta bất an thêm. Đây gọi là sự TIẾP BIẾN văn hóa dân gian vào trong Phật giáo. Chính nhờ sự tiếp biến này mà Phật giáo gắn liền với dân tộc cả hai ngàn năm nay. Nhiều người không quy y, không biết gì Phật pháp nhưng đầu năm cũng phải tới chùa cúng sao giải hạn và họ mặc nhiên tự nhận mình là Phật tử. Số lượng tín đồ Phật giáo đông hay không là nhờ thành phần này. Nếu chỉ tính những người quy y Tam Bảo, giữ gìn năm giới mới gọi là Phật tử thì Phật giáo Việt Nam được bao nhiêu người là Phật tử thật sự?"

52902825_2197703083629883_3734729081850167296_n

     Đầu năm kêu mọi người đến chùa để nghe Phật pháp liệu mấy ai đi? Thậm chí không ai đi, trừ những Phật tử. Nhưng đi cầu an giải hạn thì rất nhiều, trong thời khoá cầu an đó, được nghe quý thầy giảng dạy, trước ngôi tam bảo uy nghiêm tâm con người cũng phần nào lắng lại những tạp niệm, giây phút được đối trước tôn dung của Phật, được đỉnh lễ Chư Phật Chư Bồ tát, được lạy Phật, niệm Phật, những hành động đó có công đức chăng? Thậm chí sau thời khoá cầu an đó rất nhiều người lại phát tâm đi chùa, quy y Tam Bảo, há không tốt hơn là để người ta đi đền thờ miếu mão van xin giải hạn? Rồi đi chùa về họ cảm thấy sợ với những điều tội lỗi hơn, tâm họ dần dần biến chuyển thì đây không phải là tự mình giải hạn, tự mình chuyển nghiệp sao? Nhờ đâu được vậy? không phải là nhờ đi chùa đầu năm mà giác ngộ hay sao? Nên đừng cứng nhắc, đừng nặng nề. (trừ các chùa thương mại hoá vấn đề này, hù doạ gặp sao nặng tam tai, rồi phải đóng thêm tiền để được giải các kiểu, thì mới gọi là mê tín).

     "Nếu những vị đã hiểu biết giáo pháp rồi, thì tốt nhất sống theo thiện pháp như kinh điển đã dạy, không cần cúng sao giải hạn gì cả. Nhưng cũng đừng kích bác những người không hiểu biết giáo pháp tới chùa cúng sao giải hạn. Chính nhờ niềm tin dân gian này mà người ta mới tiếp xúc được chùa chiền và dần dần họ học hỏi được giáo pháp. Cũng giống như người đang học đại học thì không nên chê bai một em bé mới chập chững vào lớp một không biết đọc, không biết viết vậy.

     Nếu bảo: chỉ sống theo giáo pháp, không nên TIẾP BIẾN văn hóa dân gian vào trong Phật giáo thì hay bỏ hết luôn cầu an, cầu siêu, cúng tuần thất, hằng thuận... Vì những thứ này không phải Phật Pháp. Phật Pháp nguyên chất trong thời kỳ đức Phật còn tại thế thì vào buổi sáng các vị tì kheo chỉ ôm bình bát đi khất thực, về ăn cơm, rồi ngồi thiền và giảng pháp. Ngoài ra bất cứ việc gì khác cũng không phải là Phật Pháp. Nhưng ngày nay Phật giáo không phải như xưa nữa, đã tiếp biến rất nhiều văn hóa dân gian vào trong phật giáo. Ngoài ra, để theo kịp với thời đại, Phật giáo ngày nay còn tổ chức trường học, tổ chức hội thảo trong nước và quốc tế, tổ chức vesak... chứ không phải đơn giản như ngày xưa.

     Tuy nhiên, dù thời đại nào, dù tiếp biến nhiều văn hóa dân gian vào trong Phật giáo thì hàng đệ tử tại gia và xuất gia cũng phải lấy tinh thần thực hành giáo pháp là chính thì sự tiếp biến đó sẽ không làm cho giáo pháp trở nên suy tàn mà nó trở thành một nét văn hóa Phật giáo rất đáng trân trọng của từng quốc gia khác nhau."

52759736_2225777434356438_753886057459613696_o_2225777427689772
     Đức Phật dạy: Có hằng hà sa số chư Phật, chư Bồ tát. Và vô lượng vô biên Pháp môn-Phương tiện! Tạm nói Ba Thừa: "Có trên 84000... Pháp Môn-Pháp Phương tiện". Tùy theo nhân duyên căn tướng, thượng căn-trung và hạ căn mà hành trì phổ nguyện. Tùy duyên hóa độ, tùy thời mà tu. Lại nữa, như lời dạy của Đức Vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông, ngài cũng đã từng nói ."Ở đời vui đạo hãy tùy duyên". Và tùy duyên mà vui đạo… Có vị thiền sư để an tâm đại chúng, Ngài đã dùng bàn tay ấn Cát Tường để lên đỉnh đầu các Phật tử. Vì thế, thành tâm quy kính, thiết lễ hương hoa đốt nến dâng trà, hay trang nghiêm kính lễ đội tờ sớ trên đầu cầu nguyện phúc lành tiêu tai báo nghiệp để an bình thân tâm...Với văn hóa hướng thiện kính lễ phong tục dân gian này, thiết nghĩ như Pháp môn-Kinh Dược Sư đều là phương tiện độ đời, ban vui cứu khổ, khế cơ khế lý... Như lời Phật dạy:"Chăm làm những việc lành. Lánh xa các điều ác. Giữ tâm ý trong sáng thanh tịnh" - "Trí tuệ sinh muôn hạnh lành. Ngu si sinh ngàn tội lỗi". Chính kiến, chính tư duy, là thế! Muốn hoá độ chúng sinh không thể bỏ qua "Tứ nhiếp pháp" trong đó có "Đồng Sự", còn chỉ muốn người dân hiểu Phật pháp, biết đến chùa tu học mà bỏ qua pháp phương tiện thì tín đồ Phật giáo không thể tăng thêm thậm chí là giảm đi. Cuối cùng xin mượn lời Cổ đức để dừng tại đây: "Phật sự môn trung bất xả nhất pháp" (trong việc Phật sự không câu nệ một pháp môn nào). Nhưng nên biết đó cũng chỉ là phương tiện mà thôi. Mà cứu kính của các phương tiện này chính là mục tiêu giác ngộ giải thoát.
52181537_2218317835102398_8393167983958032384_o
     Phật dạy: "Giáo pháp như chiếc bè để sang sông, không phải để ôm giữ; phải hiểu, Chánh pháp còn xả bỏ huống hồ phi pháp". Hay: "Giáo pháp như ngón tay để chỉ mặt trăng. Muốn thấy được mặt trăng, nên biết ngón tay để chỉ mặt trăng tuyệt đối không phải mặt trăng".

     Tất cả mọi phương tiện đều để phục vụ mục tiêu chân lý của cuộc sống, như ngón tay để chỉ mặt trăng; ngón tay phương tiện để hướng đến mặt trăng chân lý.”

     Trích Vườn Hoa Phật Giáo.

Ý kiến của bạn