Bài viết về chủ đề "Bến bờ nhân gian" đăng trên báo Giác Ngộ nói về Ân sư: cố Hòa thượng Thích Như Thọ - Trụ trì chùa Bửu Đà. Kính chia sẻ đến quý Phật tử.
Người này có một chân à!
Cách đây đã lâu, tôi có đến một ngôi chùa gần nhà để xin đơn gia nhập Hội Tương tế cho ba má tôi. Hội này do chùa thành lập, có một Ban Hộ niệm phụ trách lo toàn bộ hậu sự cho hội viên theo nghi thức nhà Phật. Kiểu như đó chính là “Tấm vé sang bờ bên kia” cho người mãn phần ở dương gian...
Thực tế một chút - ai đã có “vé” này thì yên tâm coi như mình đã có chỗ lo liệu, đỡ phải suy nghĩ về chuyến đi sau cùng của mình, nhất là người cao tuổi. Vạn pháp vô thường, nhưng nếu ta biết và chuẩn bị sẵn mọi việc của mình ở thế gian thì đó chính là một phước báo hiện tiền... Và để chắc chắn có chiếc vé thì trước hết phải làm thủ tục gia nhập và đóng hội phí hàng tháng...
Gần nhà tôi có một dì kia trạc tuổi má tôi, dì làm nghề bán bún vịt ở khoảnh sân nhỏ trước nhà, hàng xóm thường gọi là dì Ba. Dì ở quê lưu lạc lên Sài Gòn từ xưa, chỗ của dì nương náu trong con hẻm nhỏ ấy là do đứa cháu gái họ hàng xa cho ở nhờ. Vì là bà con chòm xóm nên chuyện gia nhập hội của ba má tôi, dì Ba cũng biết và dì nhờ má tôi xin đơn vô hội giùm... Và má tôi lại nhờ tôi qua chùa xin đơn giúp cho dì...
Hôm xin đơn xong, tôi về đưa đơn cho dì và dặn là điền đầy đủ tên tuổi, địa chỉ, dán hình rồi qua nộp lại cho bên chùa...
Bẵng đi khoảng cả tháng sau, một hôm đi làm tối về trễ đói bụng quá, tôi qua nhà dì Ba ăn bún. Lúc ăn xong, tôi hỏi hôm trước dì đã nộp đơn chưa?
Trầm ngâm một lúc, bỗng dì đưa tay quệt nước mắt và nói: “Chưa con ơi... dì chưa có tiền đóng hội phí!”... Nghe dì nói, tôi thật ngạc nhiên vì không ngờ là dì khó khăn như vậy… thật buồn khi biết kiếp nhân sinh ở cõi Ta-bà còn nhiều mảnh đời khổ đến vậy!
Lúc đó tôi muốn giúp nhưng sợ dì ngại nên nói rằng: “Dì đưa lá đơn đây con đi nộp cho, hôm bữa bên chùa có nhờ con mua đồ còn thiếu tiền chưa thanh toán. Giờ con qua nộp đơn cho dì rồi trừ lại số tiền đó, mai mốt dì có thì trả lại cho con...”.
Nghe vậy dì mừng lắm, kêu đứa cháu nhỏ vô nhà lấy lá đơn đã viết và dán hình ra đưa cho tôi. Chỉ tấm ảnh trên lá đơn, dì nói: Mấy chục năm rồi, dì mới chụp hình đó con!
Vì muốn giúp dì Ba cho nên tôi nói vậy chứ thật ra đâu có nhà chùa nào thiếu tiền tôi. Hôm sau tôi qua chùa nộp đơn, đóng hội phí ban đầu và lấy biên nhận về đưa cho dì. Tôi nói, kể từ tháng sau dì Ba tiếp tục đóng hội phí đủ 8 tháng thì mới chính thức là hội viên và khi đó mới được hưởng đủ tiêu chuẩn hậu sự. Mân mê cái biên lai, dì Ba lại rơi nước mắt nói lời cảm ơn tôi!
Tôi nói, chuyện này nhỏ lắm, dì đừng ngại, cứ coi con như con cháu trong nhà… Và lúc đó tâm tôi lại nhớ đến những hình ảnh của dì năm xưa nhưng dì đâu có biết: Ngày trước, lúc còn nhỏ, tôi và những đứa bạn trong xóm thường tụ tập chơi bắn bi hay tạt lon gần chỗ dì bán hàng. Và khi phát hiện dì chỉ có một chân, đi lại bằng cây nạng thì chúng tôi lạ lùng lắm. Tâm hồn non nớt của chúng tôi không tưởng tượng nổi làm sao mà cái chân có thể bị đứt lìa khỏi cơ thể, chắc là đau đớn lắm. Rồi lớn hơn một chút, mỗi khi đi ngang, tôi lại thích cái mùi thơm đặc biệt của nồi bún mà dì nấu, nhưng lúc nhỏ đâu dễ có tiền ăn. Rồi lớn thêm chút nữa, khi có điều kiện tự cho phép mình thưởng thức, thì đúng là dì nấu thơm ngon thật. Không hiểu sao mà mỗi lần ăn bún, dì múc cho tôi rất nặng tay. Tô của tôi thường nhiều hơn những tô khác. Cảm giác tô bún tôi ăn, nó không giống như cách người ta bán hàng mà nó như chính má tôi chăm sóc bữa ăn cho tôi…
Rồi đùng một cái, dì Ba đột ngột qua đời sau cơn bạo bệnh! Chiều hôm đó cháu của dì qua nhà kiếm tôi để hỏi thăm về tiêu chuẩn hậu sự khi vô hội bên chùa mà dì được hưởng. Cô cháu nói dì ra đi mà không có tiền bạc của cải gì để lại cả. Giờ bất ngờ chuyện xảy ra chẳng biết phải làm sao lúc này… Nghe vậy, tôi nói chị yên tâm, để tôi qua chùa hỏi thăm cho rõ.
Đến chùa, tôi nhờ cô thư ký truy sổ thì mới biết dù thời gian từ lúc gia nhập đến lúc đó là bốn tháng, nhưng dì Ba chỉ đóng hội phí mới có một tháng. Theo điều lệ thì chưa đủ thời gian quy định cho nên không được hưởng trợ cấp gì hết!
Biết quy định như vậy, tôi thật hoang mang và thoáng nghĩ, nếu không được hưởng trợ cấp thì cháu của dì sẽ xoay trở ra sao và ai sẽ giúp lo phần hậu sự này đây?… Nghĩ vậy, tôi liền quyết định đi gặp thầy trụ trì để nhờ thầy giúp đỡ…
Sau khi nghe tôi trình bày, thầy trầm ngâm một lúc rồi nói: Chuyện này là việc của hội phải theo điều lệ hội, thầy không can thiệp được. Có lẽ nhà chùa chỉ thu xếp Ban Hộ niệm đến phúng viếng và tụng kinh tiếp dẫn thôi...
Ngồi bần thần nơi phòng của thầy, tôi suy nghĩ hồi lâu về hoàn cảnh của dì. Sau cùng, tôi đánh liều nói: Thầy ơi... ai thì nên làm theo điều lệ, còn người này... người này chỉ có một chân à thầy ơi! Người này không có ai thân thích hết, chỗ ở là được ở nhờ… Bấy lâu nay người này dùng cây nạng để chống chọi với cuộc đời đó thầy...
Thầy trụ trì tròn mắt nhìn tôi rồi hỏi: “Người này là ai vậy?... Thầy có biết không?”.
Tôi nói: “Người này ở đây từ xưa lắm, đó là dì Ba bị cụt một chân! Dì bán bún ở tuốt trong con hẻm bên kia đường, thầy nhớ ra chưa?”.
Thầy hơi nhíu mày rồi nói: “À... Thầy nhớ ra rồi… Đã nhiều lần thầy đi ngang con hẻm ấy, thầy nhớ hoài cái cây nạng để dựa vào tường kề bên nồi bún vịt. Người này vì đi lại khó khăn nên ít đến chùa nhưng có cái tâm luôn hướng Phật. Cũng đã vài lần bà ấy có thưa chuyện với thầy, bổn đạo ở địa phương này thầy biết và nhớ hết từng người… Thôi, để thầy bàn lại với hội và tìm cách xem sao...”.
Rồi tối hôm đó, ngay sau nghi lễ hộ niệm, trước bà con hàng xóm thầy long trọng tuyên bố: “Hoàn cảnh này quá khó khăn và neo đơn cho nên hội quyết định để dì Ba được hưởng 100% tiêu chuẩn cho chuyến đi cuối cùng này...”.
Mọi người có mặt lúc đó đều tán thán công đức và xúc động với nghĩa cử sẻ chia đầy ắp tình người... Còn với tôi, tôi vừa chứng kiến câu chuyện về sự ra đi của một kiếp người. Trần gian đầy thống khổ nhưng chứa đựng trong đó nhiều nét đẹp thật cao thượng và cũng từ đó tôi hiểu rằng: Chỉ có pháp Phật mới là nơi nương tựa để xóa đi những chướng ngại cho chúng sinh ở cõi giả tạm này mà thôi...