Nghèo thì làm sao để bố thí và cúng dường?

Thứ tư, 29/05/2019, 16:26 GMT+7

     Hỏi:  Mỗi khi đến chùa tôi thường nghe quý Tăng Ni và đồng đạo nhắc đến là phải nên bố thí cúng dường để được phước đức về sau. Nhưng gia cảnh tôi không mấy khá giả làm chỉ vừa đủ ăn thì làm sao mà có tiền để bố thí cúng dường?

    Tôi vẫn thắc mắc là chẳng lẽ những người có tiền của thường hay bố thí cúng dường lại càng được phước đức và sau này giàu có hơn. Còn những người nghèo không có tiền đúc chuông, tạo tượng, xây dựng chùa chiền, hay bố thí cho chúng sanh thì phải chịu số phận nghèo mãi hay sao? Như vậy có bất công hay không?

Tôi vẫn thắc mắc là chẳng lẽ những người có tiền của thường hay bố thí cúng dường lại càng được phước đức và sau này giàu có hơn. Còn những người nghèo không có tiền đúc chuông, tạo tượng, xây dựng chùa chiền, hay bố thí cho chúng sanh thì phải chịu số phận nghèo mãi hay sao?

Đáp:

    Tôi xin phép được trả lời ngay là nếu phước đức và quả báo chỉ dựa trên sự đóng góp bằng tiền của thì đạo Phật rõ ràng là quá thiên vị người giàu, không thể nào gọi là “bình đẳng” được. 

    Câu chuyện của một bà lão ăn mày với gia tài chỉ có 2 xu, nhưng đã thành tâm mua đèn cúng Phật thì ngọn đèn vẫn còn sáng mãi. Trong khi đó những ngọn đèn của các vua quan, của các trưởng giả với bao nhiêu phi dầu cúng Phật cũng điều cạn sạch và dần tắt. Khi đem duyên cớ hỏi Phật thì Phật cho biết vì bà lão đã cúng dường chư Phật với tất cả tấm lòng thành, không mong cầu vụ lợi và một lòng hướng thượng. Tuy là chỉ có 2 xu, nhưng đó là cả gia tài của bà lão. 

Bố thí như thế gọi là “Bố Thí Vô Trụ Tướng” là “Bố Thí Ba La Mật”, bố thí không có chỗ mong cầu và sở đắc.

Còn cho dù các vua quan cúng thật là nhiều dầu, nhưng tâm còn tham cầu thì không thể so sánh được.

Qua câu chuyện chúng ta có thể thấy được phước đức không phải ở chỗ cúng nhiều hay ít, mà là ở chỗ “tâm thành”.

    Đa số chúng ta thường hiểu bố thí hay cúng dường là phải ra tiền của mới gọi là bố thí cúng dường. Nhưng thật ra đấy chỉ là “ngoại tài thí”, một trong 4 cách bố thí. Sơ lược sự khác biệt giữa “bố thí” và “cúng dường”. Bố thí được dùng đối với những chúng sanh hay người bình thường. Còn cúng dường là dùng cho những bậc tôn quý ví dụ như là ông bà cha me, hay là cúng dường chư Phật.

    Trong pháp tu Lục Độ của Bồ Tát thì hạnh bố thí là đứng đầu tiên trong 6 hạnh. Bố thí được chia ra làm 3 loại:

    1. Tài Thí 

    Tài thí được chia ra làm hai loại, “Nội Tài” và “Ngoại Tài”. Nội tài là những phần đóng góp bằng công sức. Ngoại tài là phần đóng góp bằng tiền của vật chất bên ngoài. Nếu đem so sánh thì bố thí nội tài phước đức nhiều hơn vì đem tiền của bố thí thì ai làm cũng được. Nhưng chịu bỏ công sức ra thì đấy là một việc khó. Đấy là chưa nói đến có một số người ỷ có tiền đem bố thí cúng dường được chút gì thì lên mặt tự cho mình là đại thí chủ. Phước đức của những hạng người này lại càng kém xa. Người xưa cũng có nói rằng: “của một đồng nhưng công là một nén” cũng để so sánh cái công giá trị gấp ngàn lần cái tiền của bỏ ra.

    2. Pháp Thí 

    Pháp thí là nghe được, hiểu được và hành được theo kinh liễu nghĩa, làm được những cái khó tin, khó hiểu, khó làm, đem truyền đạt những lời Phật dạy khuyên chúng sanh hướng thiện, lưu truyền kinh điển của Phật, là mồi đèn nối đuốt, là “tục diện truyền đăng, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”.

    3. Vô Úy Thí 

    Vô úy thí là giúp cho chúng sanh được sự an tâm, không sợ hãi. Ví dụ có người sợ già bệnh chết, thì chúng ta nói cho người đó hiểu đó là quy luật tất yếu tất nhiên mà ai cũng phải trải qua giai đoạn đó, không có gì là đáng sợ. Một ví dụ khác là có người đi thuyền sợ sóng thì ta ngồi bên cạnh giúp đỡ trấn an tinh thần, làm cho người đó được an tâm hơn.

    Trước đây, tôi cứ ngỡ chi một số tiền để ấn tống kinh sách, CD, DVD hay đem kinh ra nói Pháp với một người nào đó là cúng dường Pháp (Pháp Thí). Nhưng thật ra đấy chỉ là một phần rất nhỏ, vẫn chưa phải là Pháp Thí đúng nghĩa mà đức Phật muốn nói. Trong kinh Duy Ma Cật, đức Phật dạy rằng:

    “Này thiện nam tử! Ngươi hãy lắng nghe Như Lai sẽ vì ngươi nói rộng về ý nghĩa, người cúng dường pháp phải làm gì. Người cúng dường pháp là người có khả năng nghe những kinh điển giáo lý sâu xa của chư Phật nói ra mà những người thế gian khó tin, khó hiểu, khó tiếp thọ, vì quá ư vi diệu, thanh tịnh tuyệt trần, vô nhiễm, vô vi, vượt ngoài tư duy phân biệt của người thường."

Nghe kinh điển như thế mà tin sâu, hiểu kỹ, thọ trì, đọc tụng vì các chúng sanh phân biệt giải nói rõ ràng và giữ gìn kinh pháp đó. Làm được những điều như thế, gọi đó là cúng dường pháp

Nghe kinh điển như thế mà tin sâu, hiểu kỹ, thọ trì, đọc tụng vì các chúng sanh phân biệt giải nói rõ ràng và giữ gìn kinh pháp đó. Làm được những điều như thế, gọi đó là cúng dường pháp

    Những kinh nhiếp thuộc về pháp tạng của Bồ tát là dấu ấn của Đà la ni. Những thứ kinh đưa con người đến địa vị bất thối chuyển, hoàn thành lục độ, thuận với pháp Bồ đề, trên hết trong các kinh. Những kinh nghĩa dạy cho người tu hành thể nhập đại từ bi, xa lìa các ma sự và các tà kiến.

    Nghe kinh nghĩa như thế không nghi ngờ sợ hãi, như thuyết tu hành gọi là cúng dường pháp. Lại nữa, người cúng dường pháp là người có khả năng nhận thức chân lý, tùy thuận pháp nhơn duyên sanh, tỏ ngộ chân lý vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ mạng. Thấu triệt nghĩa không, vô tướng, vô tác, vô khởi của vạn pháp, có thể khiến cho chúng sanh ngồi đạo tràng mà chuyển pháp luân. Chư Thiên, Long thần... tán thán. Có thể khiến cho chúng sanh thể nhập kho tàng pháp bảo của Phật, nắm trọn hết trí tuệ của hiền thánh, nói rõ những đạo lý của Bồ tát làm, y cứ vào nghĩa thực tướng của các pháp.

    Tuyên rõ nghĩa vô thường, khổ, không, vô ngã và tịch diệt, để cứu hộ những chúng sanh sai phạm giới cấm và những ngoại đạo ma quân, những người nặng nghiệp tham, sân, si sợ sệt răn chừa. Những kinh điển chư Phật ngợi khen, trái đường sanh tử, chỉ nẻo Niết bàn, mười phương chư Phật hộ niệm và nói ra. Nghe kinh điển như thế mà tin sâu, hiểu kỹ, thọ trì, đọc tụng vì các chúng sanh phân biệt giải nói rõ ràng và giữ gìn kinh pháp đó. Làm được những điều như thế, gọi đó là cúng dường pháp.

    Lại nữa, người cúng dường pháp là người đối với các pháp đúng như lời dạy của kinh mà tu hành, tùy thuận pháp nhân duyên, xa lìa tà kiến, chứng nhập pháp nhẫn vô sanh, thể nhập sâu sắc diệu lý vô ngã, vô chúng sanh. Đối với chân lý nhân duyên, nhân quả không nghi ngờ chống trái, xa lìa tất cả ngã sở hữu.

    Trên đường học đạo tiến tu y nghĩa bất y ngữ, y trí bất y thức, y liễu nghĩa kinh bất y bất liễu nghĩa kinh, y pháp bất y nhân. Người cúng dường pháp còn là người tùy thuận pháp tướng. Đối với các pháp không có tướng sở nhập cũng không có chỗ sở qui. Vì hiểu rằng: vô minh rốt ráo tịch diệt. Khởi quán như thế nhận thấy rõ rằng mười hai nhân duyên không có tướng tận chung, cũng không có tướng khởi thủy. Học pháp như thế, hành những pháp như thế gọi đó là người cúng dường pháp tối thượng.”

    Nếu đem so sánh cả 3 loại bố thí trên thì Pháp Thí là đứng hàng đầu. Vì sao thế? Cứ y theo lời Phật dạy thì thực hành được đúng nghĩa của Pháp Thí thì chúng ta sẽ có được giải thoát và giác ngộ, và cũng đồng thời hóa độ cho những chúng sanh khác. Như thế công đức chẳng phải là vô lượng vô biên hay sao?

    Cùng với tư tưởng này, Trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật dạy rằng: 

“Giả sử cúng dường Hằng Sa Thánh.

Không bằng kiên dõng cầu Chánh Giác”.

    Nghĩa là giả sử có người đem của báu cúng dường chư Phật nhiều bằng số cát của Sông Hằng, thì Phước Đức cũng không bằng người này tự cầu đạo và giải thoát cho chính mình. Vì sao thế? Vì chỉ lo cúng dường ông Phật bên ngoài chỉ là “phương tiện râu ria bìa chéo” mà đã quên mục đích đức Phật ra đời là để độ cho ông “Phật Tâm, Phật Tánh” của chúng sanh.

    Thế nên, ở bước đầu học đạo thì cần phải bố thí bằng tiền của công sức. Nhưng đấy chỉ là phương tiện ban đầu. Còn mục đích cuối cùng là phải hóa độ cho được ông “Phật Tâm” của mình. Đấy mới chính là Pháp Thí.

Giả sử có người đem của báu cúng dường chư Phật nhiều bằng số cát của Sông Hằng, thì Phước Đức cũng không bằng người này tự cầu đạo và giải thoát cho chính mình.

Giả sử có người đem của báu cúng dường chư Phật nhiều bằng số cát của Sông Hằng, thì Phước Đức cũng không bằng người này tự cầu đạo và giải thoát cho chính mình.

    Trong kinh Hoa Nghiêm cũng có nói rằng:

 “Giả sử vô số kiếp

Của báu cúng dường Phật. 

Chẳng biết Phật thiệt tướng 

Cũng chẳng gọi cúng dường.” 

    Ở đoạn này cũng xác định rõ ràng là nếu đem của báu cúng dường chư Phật trong vô số kiếp mà không biết được “thật tướng của Như Lai” thì không được gọi là cúng dường, nghĩa là công đức cũng chẳng có. Đấy là lý luận cao vút kinh kiếp của tư tưởng Đại Thừa.

    Thông thường thì ai cũng muốn ra tiền của bố thí cúng dường để đổi lấy được phước đức. Nhưng nếu phân tích ra thì anh bố thí để mong cầu được phước đức nghĩa là anh làm bố thí với mục đích vụ lợi, anh muốn ra tiền của ít mà muốn được lợi nhiều về mình. Như vậy là bố thí với mục đích vụ lợi, làm với “lòng tham”. Nói trắng ra là một cuộc mua bán đổi chác. Tôi ra công sức tiền của rồi các ngài phải chấm điểm, phù hộ ban phước đức lại cho tôi.

    Như vậy trên căng bản là đã đi sai với mục đích của đạo Phật. Thế nên ở các kinh điển Đại Thừa thường hay bác bỏ phước đức hay công đức tu hành là ở lý do này. Làm thật nhiều việc phước đức, bố thí thật nhiều công sức và tiền của, giúp đỡ vô lượng vô biên chúng sanh mà không bao giờ được tính công hay là mong cầu được người khác đền trả. Quý vị là Bồ Tát hay phàm phu là xét ở điểm này. Đạo lực của quý vị còn non hay là thâm hậu cũng là xét ở điểm này.

    Kết Luận:

    Như vậy, nghèo không có tiền của để bố thí thì bố thí bằng nội tài, bố thí Pháp, bố thí Vô Úy. Những cách bố thí này phước đức vô lượng vô biên, vượt trội xa những người chỉ bố thí bằng tiền của. Nói như vậy không phải là phủi bỏ công đức của những người bố thí bằng tiền của, mà chúng ta phải hiểu là bố thí không phải vì bỏ tiền của ra mới được gọi là bố thí. Cũng đồng thời những người bố thí bằng tiền của cũng đừng cho rằng phước đức của mình vượt trội hơn những người khác rồi sanh tâm ngã mạng làm cho công đức bố thí của mình bị tổn giảm.  

Tâm Trí

Ý kiến của bạn