Sau 12 giờ đồng hồ diễn ra online, với 18 phiên làm việc, hội thảo Kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã đi đến hồi kết thúc. Vào lúc 19h00, Lễ Bế mạc Hội thảo online “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” được trọng thể tổ chức.
Buổi lễ được đặt dưới sự chứng minh và chỉ đạo của Đại lão HT. Thích Trí Quảng - Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh GHPGVN; Đại lão HT. Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN; HT. Thích Thiện Pháp - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Tăng sự Trung ương GHPGVN; HT. Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự GHPGVN; HT. Thích Giác Toàn - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam; HT. Thích Thiện Tâm - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN;... cùng quý Tôn đức giáo phẩm thuộc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM.
Đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ, có ông Nguyễn Phúc Nguyên - Vụ trưởng Vụ Phật giáo.
Về phía các học giả, có GS.TS. Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, PGS.TS. Chu Văn Tuấn - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo, GS.TS. Trần Ngọc Thêm - Nhà văn hóa học Việt Nam, TS. Lê Hoàng Dũng - Hiệu phó Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM,...
Đồng thời, các nhà nghiên cứu, chư Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước cũng có mặt trong Lễ Bế mạc online tối nay.
Trong buổi lễ, chư Tôn đức giáo phẩm đều nhận định đây là hội thảo trực tuyến có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với số lượng hơn 250 bài tham luận từ giới học giả trên khắp cả nước. Điều này chứng tỏ, Phật giáo đóng một vai trò rất lớn trong đời sống văn hóa người Việt. Xuyên suốt mấy ngàn năm lịch sử, đạo Phật đã đi vào nếp sống tinh thần của bao thế hệ. Cột mốc 7/11/1981 đánh dấu sự ra đời của GHPGVN trên cơ sở thống nhất những hệ phái. Đồng thời, quý Tôn túc cũng tán dương công đức của giới học giả, trong đó có cả Tăng Ni, Phật tử và những nhà nghiên cứu. Có thể nói, mặc dù dịch bệnh nhưng giá trị mà hội thảo online mang lại vẫn không bị giảm sút. Thông qua hơn 80 bài tham luận được trình bày suốt khoảng 7 - 8 giờ đồng hồ, giai đoạn lịch sử Phật giáo từ đầu TK XX đến nay được tái hiện lại với những nhận định và phát hiện mới. Những bài tham luận được xếp vào 6 chủ đề lớn: Các phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam TK XX; Giáo hội Phật giáo Việt Nam vai trò hộ quốc an dân, hội nhập và phát triển; Phật giáo và hoạt động an sinh xã hội; Văn hóa Phật giáo Việt Nam; Giáo dục Phật giáo Việt Nam; Giáo dục Đạo đức Phật giáo.
GS. Trần Ngọc Thêm, người viết nên giáo trình “Cơ sở văn hóa Việt Nam”, tài liệu chính học tập của biết bao sinh viên đương thời, đã cho rằng hội thảo đáp ứng được nhu cầu tinh thần của người dân, giải quyết được những vấn đề nóng như môi trường ô nhiễm, đạo đức suy đồi,... Để rồi, đạo Phật và đời sống không phải là một sự xa cách. “Đạo Phật giúp phát triển xã hội văn hóa Việt Nam một cách nhân văn và bền vững. Đạo Phật thân thiết đến nỗi, dường như, một người Việt Nam nếu không theo một tôn giáo nào khác thì ắt hẳn là theo Phật giáo hoặc chí ít có cảm tình với đạo Phật.” - Giáo sư nhấn mạnh.
Đặc biệt, hội thảo lần này hội tụ lực lượng khoa học rất cao, chiếm tới 13,5% người tham dự là các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ.
Nhân đây, TT. Thích Phước Tiến cũng báo cáo sơ lược về tình hình ấn hành Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam. Hiện, Viện Nghiên cứu Phật học đã ấn tống 4 tập Trung bộ kinh, Trường bộ Kinh, Tăng chi bộ kinh và Tương ưng bộ Kinh của HT. Thích Minh Châu. Để khẳng định vị thế của Phật giáo Việt Nam so với nước bạn bằng cách cho ra đời bộ Tam tạng Kinh, quý Tôn đức giáo phẩm đã, đang và sẽ đẩy nhanh, đẩy mạnh tiến độ làm việc. Song, chỉ khi có thêm sự giúp sức của quý Phật tử và những người quý mến đạo Phật thì mới tạo thêm sức mạnh để bộ kinh nhanh chóng hoàn thành.
Bảo Tiên