Luật nhân quả đem lại lòng tin tưởng vào chính con người, không tin tưởng vào bất cứ điều gì vượt ngoài nhân quả, tự mình xây dựng nên cuộc đời mình. Lòng tin ấy là một sức mạnh vô cùng quý báu.
Để làm chủ cuộc sống, làm chủ vận mệnh chúng ta phải hiểu và nắm được luật nhân quả. “Nhân” nghĩa là nguyên nhân, là hạt, tức hạt giống. “Quả” là kết quả, là trái, tức là kết quả hữu hình hoặc vô hình của một hạt đã gieo trồng. Nhân và quả là hai trạng thái tiếp nối nhau mà có.
Phật dạy: “Muốn biết quá khứ hay tương lai của một người chỉ cần nhìn những điều người đó đang nhận hoặc đang làm ở hiện tại là có thể biết được”. Qua quy luật nhân quả, Phật dạy ta biết rằng, vận mệnh là do tự bản thân mỗi người nắm giữ, quyết định chứ không phải do thế lực nào tạo nên. Mình tự gieo nhân thì tự gặt lấy quả, tùy theo thiện ác nhiều ít nên có khác nhau. Nhân nào quả nấy, có thể sửa đổi nhân quả chứ không thể vượt ra ngoài nhân quả. Khi tin sâu vào luật nhân quả, con người dám làm, dám hi sinh về những điều tốt. Với những hành động cao thượng, những nguyên nhân tốt ấy sẽ đem lại kết quả tốt đẹp cho mình cho người.
Nhân nào quả nấy, có thể sửa đổi nhân quả chứ không thể vượt ra ngoài nhân quả. Ví như kiếp trước đã tạo cái nghiệp nhân chết đói, kiếp này phải trả quả. Lúc tạo nghiệp nhân khiến người ta chết đói, tâm lực chỉ có một độ, kiếp này chẳng có tu hành, tâm lực vẫn chỉ có một độ, thì nghiệp quả chết đói là định nghiệp, thế nào cũng phải trả. Bây giờ chuyên tâm tham thiền, khiến tâm lực lên hai độ, ba độ, năm độ, mười độ … thì nghiệp nhân lúc một độ được kéo lại sau, kiếp này khỏi bị chết đói nữa. Tại sao? Vì tất cả do tâm tạo, hễ nhân nào mạnh thì quả đến trước, nhân yếu quả kéo sau, ví như người thế gian thiếu nợ, thế lực của ai mạnh phải trả trước, thế lực yếu trả từ từ. Nếu tâm lực ngưng ở mười độ, không còn tham tiếp, khi nhân quả lúc mười độ trả hết, sẽ đến chín độ, rồi tám độ… dần dần đến một độ.
Nếu cứ tham mãi, tâm lực tăng dần từ mười độ, hai mươi độ, một trăm độ, một triệu độ … đến thành Phật, thì nhân quả lúc một độ không thể hiện hành, nhưng nghiệp nhân vẫn còn. Đến khi thành Phật rồi, tất nhiên độ hết tất cả chúng sanh, và dĩ nhiên chủ nợ được độ trước, lúc đó nghiệp nhân mới hết, chứ không có vượt ra ngoài nhân quả, bất quá là sửa lại trước hay sau thôi.
Mỗi người khi sinh ra và lớn lên đều có hoàn cảnh không ai giống ai. Buồn vui sướng khổ mỗi người mỗi vẻ, nhưng tựu trung dường như ai cũng có nỗi khổ riêng. Và rồi người ta trông cậy vào thờ cúng, bói toán… với mong muốn thay đổi số mệnh. Nhưng nếu không thực sự hiểu quy luật nhân quả, chúng ta sẽ không thể thay đổi được số mệnh của mình từ gốc rễ.
Nhân” đã tạo ra trong quá khứ thì không thể thay đổi được. Cái có thể thay đổi chính là “duyên”, điều kiện để tạo ra kết quả. Nói cách khác, kiếp trước ít nhiều đều làm điều xấu nhưng kiếp này từ bỏ điều xấu làm việc thiện thì ác duyên sẽ đứt. Đạo Phật khuyên người ta cách thay đổi vận mệnh một cách tích cực và sẽ nhận được phước báo.
Nhân quả dù tốt hay xấu đều tùy thuộc vào con người. Mỗi cá nhân tự gây tạo nghiệp nhân cho mình và chỉ chờ đợi diễn tiến của cái kết. Cuộc sống của con người thường mắc phải năm loại ham muốn căn bản: ăn ngon, ngủ nghỉ, danh tiếng, sắc đẹp, tiền tài và con người phải sống trong bể tham dục, ưu, bi, khổ, não, bệnh tật. Trong mỗi thời khắc đã qua, hiện tại đến tương lai là một chuỗi tương tác liên tục. Những việc làm của chúng ta hôm nay có thể cho biết câu trả lời của ngày mai cho dù không chắc chắn như chúng ta nghĩ. Nếu chúng ta muốn tận hưởng chuỗi nhân quả cuộc đời theo hướng tốt, tích cực thì không còn gì bằng việc tạo ra một lối sống tốt và lối sống tốt ấy rất cần có nguồn động lực, sự quyết tâm mạnh mẽ của chính bản thân.
Cuộc sống phải theo quy luật vô thường, không bao giờ đứng yên. Thời gian của một đời người cũng rất ngắn ngủi. Đừng chờ đợi một điều tốt đẹp đến với mình mà phải tự tạo điều tốt đẹp trước đã bằng tất cả sự thành thật. Khi chúng ta đã có cố gắng rồi thì ít ra cũng sẽ có một nguồn lực tiếp sức cho chúng ta thêm nữa. Vận may, cơ hội không phải mưa từ trên trời rơi xuống cho chúng ta tắm mát giữa trưa hè nóng bức vì chúng ta cũng biết rằng những giọt mưa không phải tự dưng mà có, nó phải hội đủ nhân duyên, được giúp sức từ hơi nước và các điều kiện khác.
Người xưa thường nói “làm phước thì được phước, hưởng phước thì hết phước” đó chính là bài học về nhân quả mà Phật thường khuyên nhủ và chỉ dạy cho mọi người. Chúng ta được sanh ra làm người, ai ai cũng đều có phước báo cả, bởi có phước nên mới được làm người, nếu không đã bị đoạ vào ba đường dữ: quỷ đói, súc sinh và địa ngục. Nhưng người phước báo ít mà hưởng thụ nhiều và không biết gieo trồng thêm thì làm sao có đủ phước để mà hưởng. Như chúng ta đã thấy trên đời này có lắm người không làm mà vẫn có ăn là do đâu? Có người đang giàu có bổng dưng bị mất mát, tán gia bại sản trở thành nghèo khổ là do hết phước bởi vì hưởng thụ quá nhiều.
Phật dạy rằng tất cả đều do tâm mà sinh tạo ra, nên muốn thay đổi mình thì trước hết phải chú ý đến tâm niệm của bản thân. Vì vậy, tâm có thể tạo ra nghiệp cũng có thể chuyển nghiệp, phúc báo họa báo đều do con người tự tạo ra, đức năng thắng số, tướng tùy tâm chuyển là ý như vậy.
Thanh Tâm
Nguồn: phatgiao.org.vn