Hỏi: Tôi là Phật tử, có ý định sau này khi mất đi, hỏa táng xong đem tro cốt của tôi rải xuống dòng sông nơi quê nhà. Hiện con cháu của tôi không có ý kiến gì nhưng anh em trong gia tộc phản đối rất gay gắt. Xin hỏi, theo quan điểm Phật giáo, việc này có gì ảnh hưởng đến sự thịnh suy của gia tộc hay hệ lụy gì với con cháu của tôi về sau?
(PHAN DIỄN, phanst...@gmail.com)
Bạn Phan Diễn thân mến!
Việc an táng thi thể người chết tùy thuộc vào phong tục, tập quán của mỗi dân tộc, xứ sở, vùng miền mà có sự khác biệt nhau. Nhân loại hiện có nhiều cách an táng, có nơi chọn địa táng (chôn dưới đất), nơi khác chọn thủy táng (thả sông hoặc bỏ biển), hỏa táng (thiêu đốt thành tro), thiên táng (treo lên cây hoặc nhét trong hang núi), lâm táng (đem bỏ trong rừng)…. Người Tây Tạng còn có phong tục điểu táng khá rùng rợn, chặt nhỏ thi thể cho kền kền ăn. Người Việt phần lớn theo tập tục địa táng, lâu đời hình thành các tín niệm liên quan đến mồ mả v.v… Hỏa táng với các phương tiện thiêu đốt hiện đại ngày càng được người Việt hưởng ứng vì tiện lợi nhiều mặt.
Theo quan điểm của Phật giáo, việc an táng theo cách nào là tùy duyên, miễn thân nhân, dòng tộc và xã hội đồng thuận là được; không có một định thức nào trong việc an táng. Bởi Phật giáo quan niệm con người là hợp thể năm uẩn, gồm sắc (thân) và thọ, tưởng, hành, thức (tâm). Khi con người chết đi, phần quan trọng nhất là tâm thức thì theo nghiệp tái sinh. Còn xác thân tứ đại, “cái túi da chứa đầy vật bất tịnh” bấy giờ trở nên vô dụng nên tùy duyên mà an táng. Điều đáng nói là, tuy gọi thân tứ đại nhưng thực ra bấy giờ chỉ còn thủy đại và phần lớn là địa đại. Như vậy, với tuệ giác của Phật giáo, không xem một phần còn lại của thân này, xác chết, là một cá nhân đúng nghĩa nên mọi việc tống táng luôn tùy thuận và tùy duyên.
Như vậy, sau khi bạn chết đi, bạn cứ di nguyện cho người thân an táng theo cách nào mà bạn cảm thấy phù hợp nhất. Bạn chọn hỏa táng cũng là một cách hay, thiêu xong rồi đổ tro bụi xuống sông biển hay gửi tro vào chùa là cách mà nhiều người hiện nay vẫn làm. Hỏa táng hiện được xem là văn minh, tiết kiệm và không có bất cứ ảnh hưởng gì lên con cháu cả.
Nước ta có truyền thống địa táng lâu đời nên các tín niệm liên quan đến mồ mả đã ăn sâu vào tâm thức. Việc người mất không có mồ mả khiến cho một số người có cảm giác bất an, chạnh lòng khi người chết không có nơi để “về”. Có người còn suy nghĩ rằng hỏa táng sẽ rất đáng thương vì người chết bị thiêu đốt, thay vì ngàn thu yên nghỉ. Những quan niệm như vậy có thể bị xem là hủ tục, không còn phù hợp trong xu hướng văn minh hiện nay.
Việc các anh em trong gia tộc phản đối có thể vì họ lo sợ bạn không được mồ yên mả đẹp nên quấy phá con cháu xa gần. Sự thật thì đời sống con cháu hay các thành viên trong gia tộc của bạn hạnh phúc hay bất hạnh là do nghiệp duyên nhân quả tốt hay xấu của họ quyết định chứ không phải do cách an táng thân xác của bạn.
Chúc bạn tinh tấn!
Tổ Tư vấn Báo Giác Ngộ (tuvangiacngo@yahoo.com)