Một hôm có thầy Tri sự đến hỏi Thiền sư Thạch Cựu:
- Bạch Hòa thượng, tại sao trong tay Bồ-tát Địa Tạng có cầm một hạt châu?
Ngài Thạch Cựu không trả lời mà hỏi lại:
- Trong tay ông có không?
Thầy Tri sự bí quá thưa:
- Không biết, không biết.
Ngài Thạch Cựu bảo rằng:
- Đừng nói dối đại chúng.
Sau đó Ngài nói tiếp bốn câu kệ:
Bất thức tự gia bảo,
Tùy tha nhận ngoại trần.
Nhật trung đào ảnh chất,
Cảnh lý thất đầu nhân.
Dịch:
Báu nhà mình chẳng biết,
Theo người nhận ngoại trần.
Giữa trưa chạy trốn bóng,
Kẻ nhìn gương mất đầu.
Ảnh : Tôn tượng Đức Địa Tạng, Thiền viện Sùng Phúc
Chúng ta đi chùa thấy tượng Bồ-tát Địa Tạng tay phải cầm cây tích trượng có mười hai khoen, tay trái cầm hạt châu. Do đó thầy Tri sự mới hỏi “tại sao trong tay Bồ-tát Địa Tạng lại cầm hạt châu”, Thiền sư không trả lời thẳng mà hỏi lại “trong tay ông có không”. Đây là điểm đặc biệt của nhà thiền. Tôi sẽ giải thích từng phần cho quí vị hiểu được ý nghĩa thâm trầm ấy.
Khi thấy hình tượng Phật, Bồ-tát thờ ở chùa, chúng ta cứ nghĩ đó là hình tượng thật đúng như lịch sử, nhưng không phải. Các tượng thờ ấy chỉ là hình tượng biểu trưng, nghĩa là mượn hình tượng để nói lên điều thâm sâu hơn bên trong. Địa Tạng giải thích theo chữ Hán, địa là đất, tạng là tàng ẩn. Bồ-tát Địa Tạng cầm hạt châu tượng trưng cho hạt châu ẩn trong đất. Hình ảnh đó nói lên chư Phật, Bồ-tát và tất cả chúng sanh ai cũng có hạt châu ẩn trong thân tứ đại này. Hạt châu biểu trưng nơi chúng ta có tâm hằng giác bất sanh bất diệt gọi là Chân tâm. Tuy nhiên, bên cạnh Tâm chân thật này, chúng ta cũng có tâm sanh diệt tương tục, nhà thiền gọi là vọng tưởng. Như vậy tâm bất sanh bất diệt có ngay nơi thân sanh diệt vô thường, tâm này được ví như hạt châu quí.
Trên thế gian này, vàng bạc châu báu, giàu sang, danh vọng v.v... tất cả những thứ đó có được cũng được trong vô thường sanh diệt thôi, được rồi mất chớ không thật. Dài thì năm ba mươi năm, ngắn thì đôi ba năm. Nhưng ngay nơi thân vô thường có một cái chân thường bất sanh bất diệt, nên cái chân thường đó quí như hạt minh châu vậy. Hạt châu tuy quí, tuy có sẵn nhưng ta bỏ quên. Vì quên nên nó bị chôn vùi. Địa Tạng là chôn vùi trong đất.
Trong đất ngũ uẩn hay thân tứ đại có hạt châu, mà mình không biết. Bởi không biết nên nghèo cùng khốn khổ. Giờ đây, qua hình ảnh nơi tay đức Địa Tạng cầm hạt châu, để nói rằng mỗi người chúng ta đều có hạt châu quí đang tàng ẩn. Do đó ta phải làm sao phăng tìm, đào xới cho nó hiện ra. Đó là ý nghĩa rất thâm trầm. Bởi vậy ngài Thạch Cựu không trả lời câu hỏi của thầy Tri sự mà hỏi lại “trong tay ông có chăng”. Nếu thầy Tri sự hiểu ý sẽ đáp “dạ có”. Do không biết nên thầy nói “không biết, không biết”. Có mà không biết nên tưởng là không, vì thế Thiền sư bảo “đừng dối gạt đại chúng”. Có mà nói không là nói dối rồi. Không ai dám nhận mình có hạt châu hết, như vậy là chúng ta nói gạt nhau.
Trích: Pháp Ngữ 9 , trang 773
Tổ Sư Thiền, Hoa vô ưu 10