Đây đều là do họ đối với lý luận của việc niệm Phật chẳng hiểu rõ, nên mới sinh ra tồn nghi. Tồn nghi có thể giúp cho người học Phật vì muốn phá nghi nên không ngừng tìm tòi tiếp xúc với giáo lý trong nhà Phật. Tuy nhiên, tồn nghi có mặt trái của nó chính là phiền não vọng tưởng, nếu người niệm Phật thường thường khởi dậy những nghi ngờ trong tâm thì sẽ gây chướng ngại rất lớn đối với việc niệm Phật của chính mình. Cho nên, đối với lý luận của việc niệm Phật chúng ta với khả năng của mình có thể hiểu được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu, không nên thường nuôi lấy những nghi ngờ trong tâm mình.
Tại sao chúng ta phải niệm Phật mà không niệm 1, 2, 3, 4, 5? Vì niệm 1, 2, 3, 4, 5 trong này không có chứa chủng tử Phật. Khi chúng ta niệm 1 câu Phật hiệu, hoặc nghĩ đến hình tượng Phật sẽ gieo chủng tử vào trong A Lại Da Thức của chính mình. Chủng tử gì vậy? Là chủng tử Phật. Trong A Lại Da Thức của chúng ta vốn sẵn trọn đủ chủng tử của 10 pháp giới, cái nào mạnh nhất thì sẽ thọ báo trước. Nay chúng ta mong làm Phật, thì phải không ngừng tăng trưởng chủng tử Phật trong A Lại Da Thức của mình, khi chủng tử Phật không ngừng tăng trưởng thì các chủng tử của 10 pháp giới khác sẽ dần bị tiêu trừ đi.
Nói cách khác khi chúng ta niệm Phật sẽ chẳng khởi lên các ý niệm của lục đạo, mà khi các ý niệm của lục đạo chẳng dấy khởi lên thì duyên của lục đạo cũng chẳng còn. Tuy vẫn còn chủng tử lục đạo trong A Lại Da Thức nhưng chúng chẳng thể khởi hiện hành, lâu dần chúng sẽ tự bào mòn đi.
Nếu chúng ta không ngừng huân tập chủng tử Phật và duyên làm Phật vào trong A Lại Da thì gọi là “Ức Phật niệm Phật”. Chữ “Ức” ở đây chính là thường tưởng nhớ, “Ức Phật” chính là thường tưởng nhớ đến Phật. Hoặc khi chúng ta đọc Kinh cũng là “Ức Phật”. Tại sao? Vì đọc Kinh là tiếp xúc với Phật, nghe Phật thuyết pháp, đấy là thân cận Như lại, huân tập Chánh pháp nên cũng gọi là “Ức Phật”. Khi chẳng đọc Kinh thì bèn niệm Phật, Đại Thế Chí Bồ Tát trong Kinh Lăng Nghiêm nói rằng: “Ức Phật, niệm Phật hiện tiền tương lai tất định kiến Phật”. Đây là nói rằng: Nay chúng ta nhớ Phật, niệm Phật thì hiện tại và tương lai nhất định thấy Phật. Hai chữ “thấy Phật” ở đây có 2 tầng nghĩa:
1. Thấy được Phật A Di Đà.
2. Thấy được chân tâm Phật tánh của chính mình.
Do đó, nay chúng ta do niệm A Di Đà Phật mà thành tựu vị Phật của chính mình. Cho nên vì sao phải niệm Phật? Đạo lý chính là như vậy đó.
Hòa thượng Tịnh Không