GN - Giở lại báo Giác Ngộ số ra ngày đầu tiên, 1-1-1976, được phát hành sau hơn nửa năm giải phóng miền Nam, và những trang báo sau đó, vẫn cảm nhận được không khí của những ngày tháng đất nước buổi đầu được hòa bình, độc lập và thống nhất.
Lễ rước Phật cầu nguyện hòa bình tại cố đô Huế, Phật đản LHQ 2008 - Ảnh: P.T
Nhớ về ngày lịch sử này, cư sĩ lão thành Tống Hồ Cầm, năm nay đã ngoài trăm tuổi, vẫn bồi hồi với cảm xúc hoan hỷ: “Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, dù ở thời điểm ban đầu chư tôn đức các tổ chức, Giáo hội, hệ phái Phật giáo Việt Nam có những lo lắng nhưng rồi mọi người cũng đặt niềm tin về sự ổn định ở một giai đoạn mới. Các tổ chức, Giáo hội, hệ phái Phật giáo Việt Nam được thành lập trước đó cũng hòa mình chào đón thời kỳ độc lập, tự chủ của đất nước”.
HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN, trong cùng cảm xúc, đã chia sẻ: “Tùy sự uyển chuyển của chư tôn đức lãnh đạo có trách nhiệm mà từng Giáo hội hoặc hệ phái hoạt động nhiều hay ít. Dù vậy, thực tế vẫn còn nhiều hoang mang dao động. Một số vị Tăng Ni hoàn tục, một số bỏ nước ra đi, một số cố gắng bình tâm phó mặc cho nhân duyên. Số còn lại nhiều hơn, tích cực hội nhập vào các phong trào góp công xây dựng đất nước thông qua các tổ chức, đoàn thể”.
“Tuy vậy, cũng nhờ đó mà những ý tưởng về thống nhất và làm mới Phật giáo được nhen nhóm để đưa con thuyền của đạo pháp vượt ra khỏi những khó khăn nội tại, trở thành một khối đoàn kết, đầy đủ sinh lực để đồng hành cùng dân tộc”, Hòa thượng nói.
Chính ý tưởng hòa vào và thống nhất đó mà mọi thành phần xã hội đã liên kết, trong đó có Phật giáo, là động lực để vượt lên sự khác biệt và cả khó khăn ban đầu, cùng hướng tới mục tiêu mới: xây dựng đất nước ổn định, hội nhập và phát triển.
Đã 44 năm kể từ ngày lịch sử ấy, đất nước đã trải qua nhiều chặng đường đổi mới, trong đó có những bước chuyển mình đầy ngoạn mục, mở rộng mối tương quan quốc tế đa phương, giữ vững nền hòa bình và thống nhất, dù vẫn luôn phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn phát sinh trong bối cảnh chung của thế giới.
Theo đó, sau thời gian vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, thể hiện cho ý chí thống nhất hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức của tín đồ Phật giáo Việt Nam.
Nói như HT.Thích Minh Châu trên bài viết cho báo Giác Ngộ số ra đầu tiên vào ngày 1-1-1976: “Cuộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã đem lại cho chúng ta hòa bình, độc lập và thống nhất, và đã có những ảnh hưởng sâu rộng và thiết thực vào con người và xã hội Việt Nam nói chung, vào con người Phật tử và tổ chức Phật giáo nói riêng. Phật học viện, nơi quy tụ Tăng Ni để tu học hiện đang có những luồng gió mới thích nghi thổi vào, đem lại nhiều sinh khí cho Tăng Ni trong cuộc sống mới”.
Kỷ niệm 44 năm thống nhất đất nước trong không khí Phật giáo ở cả ba miền đang hân hoan chuẩn bị tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc lần thứ ba được tổ chức tại Việt Nam - sự kiện văn hóa, tôn giáo quốc tế càng có ý nghĩa cho nhận định đó, về một sinh khí - kết quả của những chính sách đổi mới, trong đó có đổi mới về tôn giáo tại nước ta.
Giác Ngộ