Donald S.Lopez Jr. là một nhà nghiên cứu Phật học đầy uy tín với những công trình đáng giá trong việc “giải mã” lịch sử hình thành và phát triển của các văn bản Phật giáo quan trọng; một trong số đó có Kinh Pháp hoa .
Trước hết, cần phải xác định rõ rằng trong cuốn sách Kinh Pháp hoa – tiểu sử, bản kinh được tôn sùng bậc nhất của Phật giáo Đại thừa không hiện diện dưới góc độ của một chủ thể tâm linh mà là một văn bản với lịch sử phát triển phong phú và đầy thú vị được soi chiếu dưới góc nhìn khoa học. Donald S.Lopez Jr. không đi sâu vào nội dung hoặc có sự phân tích cụ thể nào về mặt giáo nghĩa của kinh Pháp hoa, điều đó đã được ông thực hiện trong một tác phẩm khác được xuất bản vào năm 2019 với tên gọi Two Buddhas seated Side by Side: A Guide to the Lotus Sūtra cùng với Jacqueline I.Stone, cũng là một học giả xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu Phật học.
Ở Kinh Pháp hoa – tiểu sử, bản kinh này được nhìn nhận dưới góc độ nghiên cứu văn bản học thuần túy với một tiến trình phát triển lâu dài, với những chi tiết được bổ sung, những chương phẩm thêm bớt theo từng thời điểm, bối cảnh và cả những sự kiện lịch sử gắn liền với bộ kinh, từ Đông sang Tây. Ở đây, Donald S.Lopez Jr. đã phác họa lại cho người đọc thấy được con đường gian nan mà bộ kinh Pháp hoa đã trải qua, song hành với sự phát triển của Phật giáo Đại thừa.
Giới nghiên cứu nhất trí rằng sự hình thành và phát triển của kinh Pháp hoa trải qua bốn giai đoạn. Các phẩm thuộc giai đoạn đầu xuất hiện từ giữa năm 100 và 50 trước Tây lịch. Cho đến năm 220 sau Tây lịch, kinh Pháp hoa có được diện mạo hoàn chỉnh như hiện nay. Là một trong số những văn bản tiêu biểu cho Phật giáo Đại thừa, lịch sử bộ kinh cũng đồng thời phản ánh những bước thăng tầm, gian nan mà Đại thừa đã trải qua trước khi trở thành trường phái chủ lưu tại các nước Đông Á. Lịch sử này được phản ánh rõ nét qua một số chi tiết trong chính nội dung của bản kinh, trong đó có nỗi âu lo về sự trở ngại, khó khăn mà các hành giả Đại thừa, những người hộ trì bản kinh này sẽ gặp phải.
Tuy nhiên, cũng do sự đặc biệt trong tư tưởng và nội dung, kinh Pháp hoa đã tạo nên được một sự tín mộ và cả tôn sùng ở những vùng đất mà bản kinh này thâm nhập tới, đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản. Cùng với những tác phẩm chú giải, phân tích về bộ kinh này, Đại sư Trí Giả - người sáng lập Thiên Thai tông đã tạo nên những ảnh hưởng cực kỳ sâu rộng, trong đó có việc phân chia bản kinh này thành hai phần tích môn và bổn môn cũng như quan điểm về “ngũ thời bát giáo”. Ảnh hưởng này, sau đó, lan tới cả Nhật Bản. Tại đây, bộ kinh Pháp hoa dần đạt đến vị trí cao tột với sự ra đời của Nhật Liên tông và những phong trào sùng bái, hành trì (có lúc lên tới mức cực đoan) kinh Pháp hoa kéo dài cho đến tận thời hiện đại.
Sự hấp dẫn của bộ kinh này còn lan đến tận phương Tây. Thế kỷ XIX, theo cùng tiến trình xâm lược, giới chức thuộc địa Anh đã mang về những thủ bản, phiến đoạn kinh Pháp hoa giới thiệu đến công chúng phương Tây, từ đó tạo nên một phong trào phiên dịch, nghiên cứu sâu rộng về kinh Pháp hoa tại phương Tây kèm theo những minh định lẫn ngộ nhận về bộ kinh này. Sức hấp dẫn đối với phương Tây của bản kinh này, có lẽ chủ yếu đến từ các dụ ngôn được nêu lên trong kinh.
Đồng thời, qua những nghiên cứu, dẫn chứng thu thập được, các uẩn khúc xung quanh bản kinh Pháp hoa cũng dần được sáng tỏ. Trong đó có những dị biệt trong các bản dịch được lưu truyền đã đưa đến hệ quả là sự đứt gãy trong văn bản kinh. Đơn cử như trong bản dịch của ngài Cưu-ma-la-thập, phẩm Dược thảo dụ, dụ ngôn về người mù và người thợ làm đồ gốm không xuất hiện. Trong các bản dịch tiếng Pháp của Burnouf và bản tiếng Anh của Hendrik Kern, hai học giả có vai trò đặc biệt nổi bật trong việc đưa Pháp hoa đến phương Tây, bản kinh xuất hiện hoàn chỉnh với các dụ ngôn này.
Lịch sử phát triển của kinh Pháp hoa còn tiếp diễn một cách lâu dài cho tới thời hiện đại, đưa đến các phong trào liên hệ đến sự sùng bái bộ kinh cũng như giáo lý “Nhất thừa” mà bộ kinh tích cực rao giảng. Bằng việc tường thuật lại tiến trình đó, Donald S.Lopez Jr. đã viết nên một bản tiểu sử vĩ đại của kinh Pháp hoa, với cả sự trong sáng lẫn cực đoan đến tột cùng. Dẫu vậy, việc soi chiếu vào “đời sống” của kinh Pháp hoa dưới ánh sáng của học thuật không làm giảm đi tính chất thiêng liêng của bộ kinh này mà ngược lại, những bước thăng trầm mà bản kinh đã đi qua chắc chắn đủ để gây xúc động cho bất cứ ai và cũng đưa đến lời giải đáp về sự vĩ đại nơi bản kinh được tôn xưng là “Kinh vương” này.
Lương Hoàng/Báo Giác Ngộ