Những nghiên cứu mới nhất cho thấy, đường là mối nguy thực sự với sức khỏe và nên được cắt giảm khỏi khẩu phần ăn nếu có thể.
Chúng ta luôn biết rằng phải hạn chế đường trong chế độ ăn uống, nhưng thực tế rất có thể bạn đang ăn nhiều đường hơn mình nghĩ.
Dưới đây là những dấu hiệu để bạn biết đến lúc phải hạn chế lượng đường nạp vào cơ thể.
Bao nhiêu là quá nhiều?
Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo việc giảm mạnh lượng đường nạp vào cơ thể. Theo WHO, chỉ nên có 5% lượng calo bạn nạp vào cơ thể có nguồn gốc từ đường bổ sung. Điều này tương đương khoảng 6 thìa cà phê đường mỗi ngày. Trong khi người Mỹ trung bình tiêu thụ gần gấp 4 lần khuyến nghị của WHO, tức là 22 thìa cà phê đường mỗi ngày.
Việc cắt giảm đường có thể khó khăn vì đường rất phổ biến, nó có cả trong các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe như ngũ cốc và sữa chua. Hãy chú ý đọc danh sách thành phần trong đồ ăn và giảm lượng thức ăn đóng gói, chế biến sẵn để ưu tiên sản phẩm tươi sạch và protein nạc.
Bạn đang nổi mụn nhiều hơn bình thường
Ăn quá nhiều đường có thể gây hại tới làn da của bạn. Một nghiên cứu trên Tạp chí của Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng cho thấy mối quan hệ giữa chế độ ăn nhiều đường và mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá. Những người tham gia với mức độ mụn trứng cá từ trung bình đến nặng cho biết họ ăn đường nhiều hơn so hơn so với những người bị mụn nhẹ hoặc không có mụn.
Bạn thấy kiệt sức
Nếu ăn bữa sáng hoặc bữa trưa chứa đầy đường và thiếu hẳn chất đạm, chất xơ và chất béo, bạn có thể gặp phải tình trạng thiếu hụt năng lượng đáng kể vào buổi chiều. Bạn có thể bị đau đầu dữ dội hoặc chỉ muốn nằm lì trên giường. Một chế độ ăn uống cân bằng và bổ dưỡng sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng giảm lượng đường trong máu từ mức cao đến mức thấp có thể gây hôn mê.
Răng miệng đang có vấn đề
Khi vi khuẩn trong miệng bạn tiêu hóa bất kỳ loại carbohydrate nào (cho dù đó là mì Ý, Skittles hay salad), chúng tạo ra một loại axit kết hợp với nước bọt để tạo ra mảng bám. Mảng bám không được chải sạch sẽ tích tụ trên răng và bắt đầu ăn mòn men răng – từ đó bắt đầu tình trạng sâu răng. Vì thế cần đảm bảo đánh răng ít nhất hai lần một ngày để giảm thiểu tác động của đường.
Chỉ số huyết áp tăng cao
Huyết áp được coi là bình thường ở mức 120/80 hoặc thấp hơn. Theo một nghiên cứu trên Tạp chí Hiệp hội Thận học Hoa Kỳ, một chế độ ăn nhiều đường có thể đẩy huyết áp vượt qua ngưỡng này. Trong một đánh giá nghiên cứu năm 2014 được công bố trên tạp chí BMJ Open Heart, các chuyên gia y tế lập luận rằng để huyết áp khỏe mạnh, việc hạn chế lượng đường tiêu thụ quan trọng hơn việc giảm lượng natri tiêu thụ.
Các tác giả viết: “Đường có thể đáng quan tâm hơn natri trong chế độ ăn uống đối với bệnh tăng huyết áp, và đặc biệt là đường fructose có thể làm tăng nguy cơ tim mạch bằng việc kích thích rối loạn chức năng trao đổi chất.”
Chỉ số cholesterol trong máu cao
Một dấu hiệu tiềm ẩn của việc có quá nhiều đường trong chế độ ăn uống là việc gia tăng nồng độ các chất béo lưu thông trong máu. Theo một nghiên cứu trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, dư thừa quá nhiều đường có thể làm giảm lượng cholesterol tốt (HDL) và tăng lượng cholesterol xấu (LDL) trong cơ thể.
Mặc dù chưa hoàn toàn hiểu rõ cơ chế mà đường có thể ảnh hưởng đến cholesterol và mỡ máu, nhưng các tác giả nghiên cứu cho rằng đường fructose có thể thúc đẩy cơ thể tạo ra chất béo trung tính và cholesterol LDL. Vậy nên nếu bác sĩ nhắc nhở bạn về nồng độ cholesterol, hãy cố gắng thay đổi chế độ ăn uống tốt nhất mà bạn có thể thực hiện để giảm lượng chất này.
Cảm thấy mệt rũ rượi sau khi tập thể dục
Cung cấp năng lượng đúng cách cho cơ thể là rất quan trọng để có một buổi tập tốt. Việc tập thể dục ngày càng trở nên khó khăn hơn có thể xuất phát từ nguyên nhân là chế độ ăn nhiều đường.
Sara Folta, Tiến sĩ, một trợ lý giáo sư tại Trường Khoa học và Chính sách Dinh dưỡng Tufts Friedman cho biết: “Nếu làm tăng lượng đường trong máu của mình trước khi luyện tập nặng, bạn có thể cảm thấy rất mệt mỏi và kiệt quệ về sau. Nạp quá nhiều đường đơn cho bản thân có thể khiến lượng đường trong máu tăng vọt nhanh chóng, và sau đó là giảm nhanh chóng, khiến cơ thể cảm thấy kiệt sức giữa chừng".
Vòng bụng tăng số
Theo một đánh giá của các nghiên cứu trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ, đồ uống có đường dường như chỉ dẫn đến tăng cân, do combo chết người bao gồm hàm lượng đường cao, cảm giác no thấp (chúng không gây cảm giác no) và "bù đắp không đầy đủ vào tổng năng lượng" (chúng không thay thế các thực phẩm khác, vì vậy chúng cộng dồn vào tổng lượng calo) gây ra. Vậy nên hãy cố gắng từ bỏ đồ uống có đường và thay vào đó lựa chọn nước, sữa, cà phê và trà.
Thường xuyên cảm thấy chán nản
Nhiều nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa lượng đường tiêu thụ và nguy cơ trầm cảm. Chế độ ăn nhiều đường làm tăng mức độ viêm nhiễm khắp cơ thể, điều này cũng có liên quan đến mức độ trầm cảm cao hơn, theo Prevention.com.
Chế độ ăn nhiều đường đơn từ carbs cũng có liên quan đến chứng trầm cảm. Sử dụng dữ liệu từ Women’s Health Initiative — đang theo dõi hơn 70.000 phụ nữ — các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng lượng đường trong máu của phụ nữ càng tăng sau khi ăn đường và ngũ cốc tinh chế, thì nguy cơ trầm cảm của cô ấy càng cao. Và điều ngược lại cũng đúng: Một chế độ ăn giàu ngũ cốc nguyên hạt và sản phẩm tươi sạch sẽ giúp giảm nguy cơ trầm cảm.
Luôn cảm thấy ăn chưa đủ no
Tại sao chúng ta có thể ăn socola hay bánh liên tục? Đó là do thực phẩm có nhiều đường nhưng ít protein, chất xơ và các chất dinh dưỡng khác sẽ không khiến bạn cảm thấy no. Đường không kích hoạt các cơ chế trong cơ thể khiến bạn cảm thấy như vừa mới ăn, mà ngược lại.
Theo The Healthy
Thiên An
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị