/

Butta: Mạng Xã hội mới ra mắt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Thứ bảy, 07/12/2019, 19:40 GMT+7
    Hiện nay, trên mạng xã hội có nhiều nhóm diễn đàn từ vài trăm đến vài chục ngàn thành viên tham gia, hoạt động thông tin, chia sẻ, thảo luận, bày tỏ ý kiến… về các vấn đề Phật pháp và xã hội liên quan tới Phật giáo. Đó là chưa kể các trang cá nhân khác, tùy theo nội dung và tần suất cập nhật thông tin mà có nhiều hay ít người theo dõi.
 
butta.jpg
Giáo hội hiện đã ra mắt mạng xã hội Butta.vn, mong rằng Giáo hội sẽ có kênh tiếp nhận những phản ánh.
 
    Khác với báo chí và các trang điện tử chính thức của các tổ chức, doanh nghiệp, trong đó có Giáo hội, mạng xã hội có thế mạnh riêng, với lợi thế là ai cũng tạo được, không chỉ một mà có thể nhiều trang; người dùng có thể cập nhật, bày tỏ và chia sẻ quan điểm, chính kiến về bất cứ điều gì và ở bất cứ đâu. 
 
    Do đó, không ít người phải gọi là liều lĩnh, sản xuất thông tin liên tục, bất chấp những điều cấm kỵ, sự tế nhị và lịch sự trong ứng xử, kết quả có thể bỗng dưng họ được nổi tiếng, được nhiều người biết tới.
 
    Trong xu hướng chia nhỏ công chúng của mạng xã hội, họ cũng có được số lượng người theo dõi nhất định. Đó là chưa kể một số người nắm rõ nguyên lý của công nghệ và sử dụng các tiểu xảo kỹ thuật để tạo nên những làn sóng chia sẻ, ủng hộ ảo.
 
    Do đó, không lạ gì với tình trạng tranh biện theo kiểu xô đạp nhau trong khi cùng nói về một hiện tượng, thậm chí một vấn đề Phật học theo các truyền thống, quan niệm nhận thức bị ảnh hưởng bởi cách diễn giải của một vài cá nhân nào đó.
 
    Cho đến nay, trong lĩnh vực nghiên cứu, sự tương đồng căn bản về tư tưởng và dị biệt về biểu hiện giữa các truyền thống Phật giáo Nam và Bắc truyền đã rõ, tuy nhiên, vẫn còn nhiều sự chỉ trích, phê phán trái chiều, thậm chí có lúc rất gay gắt, trong dư luận (qua một số diễn đàn trên mạng xã hội).
 
    Thậm chí, một số vấn đề Phật học, chẳng hạn quan niệm về địa ngục, chính trong các vị giảng sư thuộc Ban Hoằng pháp của Giáo hội cũng nhận thức và giải thích không thống nhất. Đó là chưa nói tới các hiện tượng, giá trị được đúc kết từ quá trình tiếp biến văn hóa hàng trăm năm để làm nên yếu tố nền tảng cấu thành thiết chế văn hóa, bản sắc Phật giáo Việt Nam đôi khi cũng bị phủ nhận qua cái nhìn từ một nền văn hóa quốc gia khác mà người giảng sư tiếp nhận kiến thức.
 
    Thực trạng đó đã và đang diễn ra, và càng sôi nổi hơn trên các diễn đàn mạng xã hội, nhưng dường như chưa thấy một tổng kết nào từ Giáo hội, trong khi có hệ thống 13 Ban, Viện chuyên môn, để qua đó có tiếng nói điều chỉnh và hướng dẫn cộng đồng. Đó là chưa kể tới những chuyện xúc phạm tình cảm, niềm tin tôn giáo vẫn được lan truyền trên mạng xã hội gây bức xúc cho nhiều người. 
 
    Giáo hội hiện đã ra mắt mạng xã hội Butta.vn, mong rằng Giáo hội sẽ có kênh tiếp nhận những phản ánh. Qua đó, có những xác quyết, hướng dẫn phù hợp với bối cảnh Phật giáo Việt Nam. Đồng thời, Giáo hội cũng cần chấn chỉnh những trường hợp các vị Tăng Ni, cư sĩ thuộc hệ thống các cấp Giáo hội có sự tùy tiện, phát ngôn lệch lạc với Phật học và văn hóa dân tộc nhằm ổn định dư luận, củng cố niềm tin của tín đồ với Phật giáo, tránh tình trạng khi tín đồ bức xúc không biết kêu ở đâu và với ai, đành thể hiện trên mạng xã hội. 

Nguyên Tâm

Ý kiến của bạn