/

Buổi nói chuyện chuyên đề: Sự liên hệ giữa Tăng già với cư sĩ trong Phật Giáo

Chủ nhật, 13/01/2019, 22:31 GMT+7

CHÙA PHẬT HỌC XÁ LỢI - BUỔI NÓI CHUYỆN CHUYÊN ĐỀ

“SỰ LIÊN HỆ GIỮA TĂNG GIÀ VỚI CƯ SĨ TRONG PHẬT GIÁO”

 

                                                                                                                                                                     Tin ảnh : TRÍ BÁ

 

 

Cư sĩ Trần Đình Sơn

 

      Sáng 8/12/2018 (nhằm ngày mùng 2 tháng 11 năm Mậu Tuất), tại Chùa Phật học Xá Lợi, Cư sĩ Trần Đình Sơn, Trường Ban Phật học Chùa PH Xá Lợi, đã có buổi nói chuyện về đề tài “Sự liên hệ giữa tăng già với cư sĩ trong Phật giáo”

      Theo Cư sĩ Trần Đình Sơn, Tăng-già, hay còn gọi là Tăng đoàn, bên cạnh Phật và Pháp, thì Tăng đoàn (bao gồm tăng, ni) là một trong Tam bảo của Phật giáo. Tăng được xem là các vị đệ tử của Phật Thích ca và cả những Phật tử hiện nay, những người đang tu học và thực hiện Chính pháp, giữ giới và dựa trên tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, gọi là lục hòa (sáu điều hòa hợp). Tăng đoàn phải có tối thiểu 4 tu sĩ trở lên mới được thực hiện phép yết ma.

      Tu sĩ Phật giáo là người từ bỏ đời sống thế tục, nên cũng còn gọi là người xuất gia, sống trong những chuẩn mực đạo đức và hành trì theo những pháp môn đã được Đức Phật thiết định. Sự hiện hữu của hình bóng tu sĩ đúng nghĩa là sự hiện hữu của Phật pháp.

      Còn người cư sĩ, điều kiện căn bản để trở thành người cư sĩ là phải quy y Tam bảo và thọ ngũ giới: 1. Không được sát sinh; 2. Không được trộm cắp; 3. Không được tà dâm; 4. Không được nói dối; 5. Không được uống rượu. Khẳng định này được xác quyết bởi kinh Tăng chi và cả kinh Tương ưng. Xét về liên hệ cội nguồn, người tu sĩ là tiền đề để có người cư sĩ hiện hành. Như vậy, từ định nghĩa cho thấy, không có người tu sĩ thì không có người cư sĩ, và đây cũng là điểm đặc thù giữa cư sĩ Phật giáo với người tại gia nói chung.

      Theo Đức Phật, một người cư sĩ chân chính phải sống có trách nhiệm với chính mình, với cha mẹ, vợ con, người làm công, thân hữu và các bậc tu hành, trưởng thượng. Sự chu toàn về sáu trách nhiệm vừa nêu là chuẩn mực đạo đức lý tưởng của một người cư sĩ. Đức Phật dạy rằng, người cư sĩ nếu đủ phước, đủ duyên thì nên hộ trì các bậc xuất gia phạm hạnh về các nhu cầu sống thiết yếu, trên cơ sở tự nguyện và tùy duyên.

      Tu sĩ Phật giáo và cư sĩ đều là đệ tử của Đức Phật. Cả hai đều nương tựa Thế Tôn và đều ở trên đường giải thoát. Chỉ có một điều khác biệt giữa hai bộ phận này là tu sĩ thì có đủ điều kiện đi sâu vào giải thoát, còn ở cư sĩ thì bên cạnh việc tu tập giải thoát còn mang nặng gánh gia đình và xã hội.

      Về mối liên hệ giữa tăng già và cư sĩ, cả hai đều có sự liên hệ, hỗ trợ với nhau chặt chẽ. Sự tăng trưởng hoặc ngược lại của bộ phận này đều có sự tác động, ảnh hưởng đến bộ phận kia; xét về mức độ sâu xa thì đôi khi còn ảnh hưởng tới sự phát triển hay suy vong của Phật giáo.

      Sau khi phát nguyện quy y Tam bảo, trở thành người cư sĩ, ngoài việc hoàn thiện đạo đức tự thân như tuân giữ năm giới và thực hành các thiện pháp; người cư sĩ còn có những trách vụ hỗ tương trong mối liên hệ với tu sĩ. Cư sĩ cần gần gũi tu sĩ để học hỏi giáo lý giải thoát và ủng hộ tu sĩ bốn thứ cần thiết hằng ngày cho đời sống: y phục, ngọa cụ, thực phẩm và y dược. Trong vai trò của mình, ngoài trách vụ hỗ trợ tu sĩ về các điều kiện sống, người cư sĩ còn có trách nhiệm tương hỗ, bảo vệ hình ảnh người xuất gia.

      Còn tu sĩ thì ròng học Phật pháp, thực hành Thiền định và hướng dẫn tu tập, nói pháp cho cư sĩ, giúp người cư sĩ trưởng thành trong nhận thức về Chánh pháp, sự vững chãi về đạo đức tự thân, sự tiến triển về tâm linh.        

      Sau phần trình bày của cư sĩ Trần Đình Sơn, các thành viên Ban Phật học đã cùng nhau trao đổi để hiểu sâu thêm về mối liên hệ giữa tăng đoàn và cư sĩ.

      Dưới đây là vài hình ảnh về buổi nói chuyện.

 

Lắng nghe thuyết trình

Cùng nhau trao đổi để hiểu thêm

      Nguồn: chuaxaloi.vn

Ý kiến của bạn