5 cấp của Phật giáo - Thầy Thái Hòa

5 cấp của Phật giáo - Thầy Thái Hòa

Thứ tư, 24/06/2020, 05:01 GMT+7

5 CẤP CỦA PHẬT GIÁO

      Có một giáo sư (người thế tục) thường được thỉnh giảng cho Học viện Phật giáo Việt Nam ở Hà Nội, vị này tuy giảng dạy về môn tôn giáo học, nhưng có cái nhìn sai lệch về Phật giáo. Khi trao đổi với hòa thượng Thích Thái Hòa, được hòa thượng đề nghị nói lên cảm nhận của mình, ông đã phát biểu rằng: Phật giáo sao lung tung quá! Đến chùa thì có người thắp hương, kẻ thì đốt vàng mã như một mớ hổ lốn. Sự tổ chức trong Phật giáo luộm thuộm quá…

      Hòa thượng cười và trả lời: “Cám ơn giáo sư đã nói thẳng. Giáo sư đã nói đúng. Nhưng cái đúng đó, may lắm là chỉ đúng với giáo sư thôi, chứ không đúng với Phật giáo." Sau đó, hòa thượng giảng giải Phật giáo có 5 cấp:

      1- Cấp thứ nhất là Phật giáo đại chúng: là đúng với cái nhìn của giáo sư. Bởi vì chùa là của chúng sinh, Phật của chúng sinh. Chúng sinh mỗi người mỗi nghiệp, mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một quả báo…và khi đến chùa, họ đem cái quả báo của họ để tu. Cho nên trở thành lung tung là phải! Quần chúng Phật tử đến chùa có rất nhiều hạng người, đến chùa với những tâm cảm khác nhau. Người thì cầu cho cha mẹ, kẻ cầu cho vợ cho chồng…Người thì cầu tài, kẻ thì cầu lộc, cầu phúc, người thì cầu tự v.v… Đó là chuyện bình thường. Mà chỉ có Phật giáo mới chấp nhận được. Vì sao? Phật giáo quá lớn cho nên dung chứa tất cả. Cho nên Phật giáo đại chúng là như thế. Nhưng thành phần này chẳng phải lớp ít học đâu, cả lớp có học như giáo sư, cũng là Phật giáo đại chúng. Giáo sư biết gì? Ta từ đâu tới? Vì sao tới đây? Tới đây làm gì? Chết rồi đi về đâu? Giáo sư biết không? Cho nên giáo sư cũng phải tới chùa dưới cái dạng của giáo sư, người bình dân người ta tới chùa trong cái điều kiện của người bình dân. Đó là chuyện muôn đời. Đó là Phật giáo đại chúng.

      2- Thứ hai là Phật giáo học thuật. Phật giáo học thuật là như thế nào? Từ nơi Phật giáo đại chúng, bắt đầu mới chọn ra phân loại thượng căn, trung căn và hạ căn. Rồi bắt đầu hướng dẫn, giáo dục. Hàng hạ căn thì hướng dẫn thế nào, trung căn hướng dẫn thế nào, thượng căn hướng dẫn thế nào…để đào tào con người.

      3- Thứ ba Phật giáo tổ chức. Muốn tổ chức thì phải đào tạo con người trước. Không có con người thì lấy gì mà tổ chức. Cho nên từ học thuật, Phật giáo đào tạo được một con người có tầm nhìn xuyên suốt Phật học ở chiều cao, chiều sâu và chiều rộng. Qua đó chỉ rõ: thực tiễn của Phật giáo thế nào, cái siêu việt của Phật giáo nằm ở đâu. Đâu là phương tiện và đâu là cứu cánh; đâu là quyền trí, đâu là thực trí; đâu là quyền pháp, đâu là thực pháp…Rồi mới đưa đến Phật giáo tổ chức. Mà nói rằng một tổ chức hoàn hảo, thì không có tổ chức nào hoàn hảo bằng Phật giáo. Vì sao? Vì đã nói đến tổ chức, thì phải nói đến luật. Phật giáo có cả một tạng (kho) Luật. Có tôn giáo nào có cả một tạng luật? Có tổ chức nào của xã hội có tạng luật? Phật giáo có hẳn một tạng luật, mà luật đó hoàn hảo cho cả hai giới tính nam và nữ. Và phát triển cả hai giới tính đó đi đến chỗ hoàn hảo: từ vị trí phàm phu đi đến địa vị Phật. Như vậy mà giáo sư lại nói Phật giáo tổ chức thua các tôn giáo khác à? Đã biết tổ chức là luật, không luật lấy gì mà tổ chức? Điển hình một ví dụ: Phật quy định trong Luật: ngày mai bố tát, tụng giới, thì hôm nay phải phát lồ sám hối. Phải dự bị yết-ma. Mọi chuyện phải làm thủ tục trước, mai mới bố tát. Bây giờ xã hội cũng bắt chước Phật giáo cả đó thôi. Muốn tổ chức đại hội chính thức thì phải có đại hội trù bị. Đại hội trù bị chính là dự bị yết-ma, dự bị bố tát của Phật giáo. Muốn an cư kiết hạ, thì phải có dự bị an cư. Thế thì, sao dám nói Phật giáo không có tổ chức chặt chẽ được? Một người muốn làm thầy, muốn làm tì kheo thì phải thế nào? Có bao nhiêu vị tác pháp, mà tác pháp gì để trao giới Cụ túc? Để thành toàn tư cách cho một vị tì kheo, tì kheo ni? Đều được Luật qui định chi tiết cả. Thế nên nói rằng Phật giáo là một tổ chức chưa hoàn hảo, thua các tôn giáo khác, là một nghiên cứu chưa kỹ. Học hành mà không nghiên cứu kỹ những gì trước khi mình phát biểu, thì cái học đó chỉ là nửa vời, cái tri thức nửa vời. Rất nguy hiểm.

      4- Phật giáo tổ chức rồi, mới đến Phật giáo thực nghiệm, là Phật giáo khoa học, Phật giáo “Trí giả nội chứng”. Tức là những gì người trí chấp nhận nghiên cứu, thực tập có kết quả, mới công bố. Nếu chỉ có Phật giáo học thuật, Phật giáo tổ chức thôi, mà không có Phật giáo thực nghiệm, nghĩa là nếu không có các tì kheo, tì kheo ni chứng được quả Dự lưu, Nhất Lai, Bất lai, A la hán thì lấy gì để chứng minh giáo pháp của đức Thế Tôn là thiết thực ngay trong cuộc sống này?

      5- Cấp cuối cùng là Phật giáo chứng ngộ. Chúng ta tu như vầy, đâu phải ai cũng chứng ngộ cả đâu! Có những người là đương cơ, những người kết duyên, những người ngoại hộ…Cho nên mới nhìn một cách hời hợt, có cảm giác Phật giáo như lung tung, nhưng mà chẳng lung tung chút nào hết!