- Hội nghị sinh hoạt Giáo hội được tổ chức tại 2 văn phòng Trung ương Giáo hội, Văn phòng I tổ chức vào ngày 12,13-4-2019 tại chùa Quán Sứ (số 73 phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội); Văn phòng II tổ chức vào ngày 16,17-4-2019 tại thiền viện Quảng Đức (294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM).
Tại Hội nghị sinh hoạt Giáo hội lần này, chư tôn đức Ban, Viện T.Ư, BTS GHPGVN các tỉnh, thành phía Nam sẽ thảo luận các chương trình nghị sự chính gồm: Sơ kết, đánh giá lại những hoạt động Phật sự quý I - năm 2019, xem những gì làm được và chưa làm được để rút kinh nghiệm trong hoạt động Phật sự.
Nhân hội nghị lần này, HĐTS GHPGVN cũng tập trung một số nội dung như: Triển khai một số vấn đề liên quan đến sinh hoạt tu học của Tăng Ni, tự viện, dành thời gian cho đại biểu từ các BTS GHPGVN tỉnh, thành thảo luận trong quá trình áp dụng Nội quy của Ban Tăng sự T.Ư khóa VIII (2017-2022) thực tế tại địa phương, nếu có phát sinh vấn đề khó khăn sẽ được HĐTS GHPGVN, Ban Tăng sự T.Ư hỗ trợ hướng giải quyết, tháo gỡ kịp thời. Hội nghị cũng sẽ triển khai công tác tổ chức An cư kiết hạ PL.2563 cho Tăng Ni cả nước. Đồng thời, HĐTS GHPGVN cũng đánh giá sơ kết hội nghị giao ban giữa Văn phòng II Trung ương Giáo hội và 34 Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phía Nam.
Đặc biệt, nội dung quan trọng được HĐTS GHPGVN quan tâm là tập trung cho Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2019 do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc (xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, Hà Nam) sẽ diễn ra vào tháng 5 tới. Các đại biểu sẽ được chư tôn đức Ban Thư ký HĐTS thông tin thêm về tiến trình tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2019, các bước tiếp theo Ban Tổ chức Đại lễ cần phải thực hiện để công tác tổ chức sự kiện quan trọng này được diễn ra chu toàn.
Từ sau Tết Nguyên đán cho đến nay, dư luận xã hội, qua các kênh thông tin báo chí chính trong nước đã đề cập nhiều về một số hiện tượng tín ngưỡng diễn ra tại một ít chùa, như biến tướng trong việc thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng truyền thống, dẫn đến việc gây xôn xao dư luận, Hòa thượng nhận định như thế nào về vấn đề đó?
- Như chúng ta đã biết, đặc thù của Phật giáo là khi được truyền bá đến các quốc gia, vùng miền thì hầu hết sẽ tùy thuận, tùy duyên với từng quốc gia vùng miền nơi đó, trong đó ảnh hưởng đặc biệt về văn hóa, kiến trúc, hội họa, tín ngưỡng và nghi lễ… để hài hòa với văn hóa, niềm tin, tín ngưỡng của người dân bản địa với tinh thần “tùy duyên bất biến”, “bất biến tùy duyên”. Từ khi du nhập vào nước ta, trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, có lúc thăng lúc trầm, Phật giáo Việt Nam luôn luôn thể hiện tinh thần “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác” trong mọi hoàn cảnh, để phù hợp với niềm tin, tín ngưỡng, hài hòa với đời sống tâm linh của người dân Việt Nam.
Trong từng giai đoạn phát triển của lịch sử, quá trình tiếp biến văn hóa, sự hòa hợp ấy trở thành sự gắn kết giữa những tập quán, truyền thống văn hóa, tín ngưỡng của người dân bản địa với văn hóa, truyền thống Phật giáo, sự tiếp biến của văn hóa, đời sống tâm linh của người dân cũng gắn bó, ảnh hưởng của văn hóa, nghi lễ Phật giáo.
Mối hỗ tương duyên khởi này tồn tại, hài hòa trong suốt chiều dài của lịch sử phát triển của dân tộc, của Phật giáo Việt Nam. Do đó, Phật giáo Việt Nam phát triển, tồn tại và đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của người dân, đồng bào bản xứ trên tinh thần phát triển song hành cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, có một vài tự viện, vài cá nhân đã thực hiện những nghi thức tín ngưỡng chưa phù hợp với nghi lễ truyền thống Phật giáo Việt Nam. Qua sự phản ảnh của báo chí, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có những văn bản để chấn chỉnh, định hướng giải quyết, thậm chí đã có xử lý, nhằm mang lại ổn định, niềm tin cho Tăng Ni, Phật tử, tín đồ và đông đảo đồng bào cả nước.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ chấn chỉnh nếu có những trường hợp tự viện, cá nhân Tăng Ni thực hành những tín ngưỡng chưa phù hợp với văn hóa dân tộc, với truyền thống Phật giáo Việt Nam. Thời gian tới, Giáo hội cũng sẽ tăng cường phổ biến sâu rộng trong Tăng Ni, tự viện về những quy củ thiền môn của chư Tổ, phù hợp với giáo lý, lời dạy của Đức Phật, phát huy những giá trị văn hóa, truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc…. nhằm để ổn định sinh hoạt tu học của Tăng Ni, tự viện.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng sẽ kết hợp với Ban Tăng sự T.Ư có thực hiện những khóa tập huấn, bồi dưỡng về Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nội quy Ban Tăng sự T.Ư khóa VIII nhằm tránh trường hợp đáng tiếc, mang lại ổn định trong sinh hoạt tu học của Tăng Ni, tự viện trong cả nước, góp phần xiển dương Chánh pháp.
Quang cảnh Hội nghị sinh hoạt hành chánh Giáo hội 2018 tại VPII TƯGH - Ảnh: Bảo Toàn
Có ý kiến từ các cơ quan báo chí bên ngoài, rằng Phật giáo cần có sự chấn chỉnh, chấn hưng, như cuộc chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX để thực sự đồng hành cùng dân tộc, Hòa thượng có suy nghĩ gì về vấn đề này?
- Chúng ta cần hiểu rằng giữa hai giai đoạn lịch sử và quy luật khách quan của sự phát triển có sự khác nhau rất lớn. Bối cảnh lịch sử của Việt Nam vào giữa đầu thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI là hoàn toàn khác nhau. Quy luật khách quan của sự phát triển, trong bất cứ tổ chức nào trên thế giới, hiện tượng một ít cá nhân có hành vi tiêu cực làm ảnh hưởng đến tổ chức đó, không thể vì một ít cá nhân đó mà chúng ta đánh đồng với bản chất của tổ chức đó. Như ông bà ta đã nói “mía sâu có đốt, nhà dột có nơi”, điều quan trọng là khi cá nhân có hành vi chưa đúng mực, chúng ta sẽ chấn chỉnh để xác định bản chất của tổ chức là luôn trong sáng.
Dịp này, là vị giáo phẩm lãnh đạo cao nhất của Hội đồng Trị sự, cơ quan điều hành mọi hoạt động của Giáo hội, Hòa thượng có lời nhắn nhủ gì đến Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước?
- Dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, giai đoạn nào thì duy nhất Tăng Ni phải cố gắng gìn giữ giới hạnh cho được trang nghiêm, nỗ lực tinh tấn trong tu tập, hành trì. Đó là nền tảng vững chắc nhất để chúng ta đi vào cuộc đời, đóng góp cho cuộc đời.
Đối với Phật tử tại gia và những người yêu mến đạo Phật, chúng ta luôn tỉnh giác để nhận định những vấn đề đúng sai trong cuộc sống; ngoài sự tinh tấn, nỗ lực thì người Phật tử phải luôn luôn tỉnh giác trong mọi vấn đề để vừa tu tập vừa góp phần trách nhiệm của mình trong sự nghiệp phát triển và xiển dương Chánh pháp với vai trò người Phật tử tại gia.
Thành kính cảm ơn Hòa thượng Chủ tịch!
H.Diệu thực hiện