Xu hướng phá bỏ đập thủy điện cứu môi trường ở Âu, Mỹ

Thứ sáu, 13/11/2020, 07:12 GMT+7

     Trong khi nhiều nước đang phát triển ở châu Á và châu Phi đầu tư xây dựng vô số đập thủy điện trên sông, các chính phủ ở châu Âu và Mỹ đã bắt đầu cho phá bỏ những công trình kiểu này.

Xu hướng phá bỏ đập thủy điện cứu môi trường ở Âu, Mỹ

     Theo Viện Trái đất thuộc Đại học Columbia (Mỹ), động thái trái ngược của các quốc gia phát triển ở Âu, Mỹ diễn ra sau khi có nhiều nghiên cứu đánh giá về tác hại của các đập thủy điện với môi trường, hệ sinh thái và những cộng đồng dân cư xung quanh.

Lợi ích

     Các chuyên gia cho biết, việc xây dựng các con đập chắn ngang sông từng được tiến hành ồ ạt ở phương Tây trong những thập niên 1920 – 1970, nhằm cung cấp nguồn nước tưới tiêu ổn định cho nông nghiệp, kiểm soát lũ và đặc biệt là khai thác tiềm năng về giao thông cũng như thủy điện dồi dào của các con sông.

     Một ví dụ điển hình cho hệ thống phức hợp thủy điện và thủy lộ quy mô như vậy là tổ hợp công trình trên sông Colombia nằm giữa hai bang Washington và Oregon của Mỹ.

     Ngoài việc góp phần đáp ứng tới 80% nhu cầu điện năng của vùng đông bắc Mỹ, hệ thống liên hoàn các đập và 8 âu tàu (hệ thống khóa có tác dụng tăng – giảm mực nước để tàu thuyền có thể di chuyển qua các vùng chênh lệch mức nước) trên dòng sông đã được nạo vét này giúp vận chuyển tới hơn 17 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Theo tổ chức Giáo dục về nguồn nước và năng lượng (FWEE), hệ thống cũng tham gia điều tiết dòng lũ và kiểm soát sự di chuyển của các loài cá.

     Suốt một thời gian dài, các đập thủy điện được coi là nguồn cung cấp năng lượng tái tạo sạch và rẻ hơn các nhà máy sản xuất điện than hay điện khí.

     Cụ thể, do các đập thủy điện không sử dụng nhiên liệu hóa thạch (dầu mỏ, than đá, khí đốt tự nhiên…) nên chúng không làm phát thải khí CO2 trong quá trình sản xuất năng lượng và không phải phụ thuộc vào sự biến động giá của những nhiên liệu này. Ngoài ra, chi phí trung bình để xây dựng và duy trì 1 trạm thủy điện công suất trên 10MW chỉ vào khoảng 0,03 – 0,05 USD/kWh. Các nhà máy thủy điện nhìn chung cũng có tuổi thọ lớn hơn các nhà máy nhiệt điện.

     Vì các lợi thế trên, thủy điện đã đóng vai trò then chốt cho động lực phát triển kinh tế của nhiều nước. Xét về tỉ lệ, 99% lượng điện tạo ra ở Na Uy là nhờ sức nước, trong khi các thủy điện tại Iceland đáp ứng tới 83% nhu cầu về điện của người dân. Tỉ lệ này ở Canada là hơn 70% và Áo khoảng 67%.

Mặt trái

     Ngoài các lợi ích không thể phủ nhận, thế giới đã chứng kiến không ít thảm họa gắn liền với các đập thủy điện, gây tổn thất nặng nề về người và của, chẳng hạn như các vụ vỡ đập Gleno ở Valle di Scalve, Italia năm 1923; Malpasset ở Frejus, Pháp năm 1959; Bản Kiều ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc năm 1975; Kelly Barnes ở bang Georgia, Mỹ năm 1977; Machchu-2 tại Morbi, Ấn Độ năm 1979…

     Các nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng cũng chỉ ra rằng, tính trên quy mô toàn cầu, trong thế kỷ qua có khoảng 472 triệu người phải chuyển nơi ở, mất sinh kế vì các dự án đập thủy điện. Sự cân bằng hệ sinh thái ở nhiều nơi bị phá vỡ do sự thay đổi dòng chảy và hoạt động của máy phát điện. Công tác trữ nước và xả lũ chưa hợp lý có thể gây ngập lụt hoặc hạn hán ở khu vực hạ lưu sông. Nguy cơ xói mòn bờ sông, lở đất và động đất cũng tăng cao.

     Ví dụ, ngay sau khi Brazil xây đập thủy điện Tucurui trên sông Amazon, lượng cá đánh bắt được tại đây giảm 60%. Khoảng 100.000 dân ở vùng hạ lưu nghèo đi do mất nguồn cá và đất canh tác bị ngập.

     Để xây dựng Tam Hiệp, đập thủy điện lớn nhất thế giới, từ năm 1994 Trung Quốc đã phải di dời khoảng 1,3 triệu dân (có báo cáo ghi nhận con số thực tế tới 1,9 triệu người) khỏi hơn 1.500 thành phố, thị trấn và làng mạc dọc theo sông Dương Tử vì mực nước dâng cao. Nhiều cảnh quan tráng lệ, vô số địa điểm kiến trúc có giá trị khảo cổ học và văn hóa trong vùng chịu tác động tiêu cực.

     Bộ Môi trường sinh thái và Cục Địa chấn Trung Quốc thống kê, có tới 776 trận động đất xảy ra ở khu vực xung quanh sông Dương Tử vào năm 2017, tăng 60% so với một năm trước đó và số trận động đất trong vùng đã tăng gấp 30 lần trong giai đoạn từ năm 2003 – 2009.

     Các chuyên gia cảnh báo, sự tích tụ chất cặn gần đập đang đe dọa những nỗ lực kiểm soát lũ lụt. Trong khi, hồ chứa nước khổng lồ của Tam Hiệp có thể đang góp phần làm gia tăng nhiệt độ trong khu vực và cùng với sự phân tán môi trường sinh thái đang đe dọa sự tồn tại của các loài thủy sản ở sông Dương Tử, đặc biệt là cá tầm.

     Như vậy, nếu tính tổng các phí tổn, hầu hết các dự án thủy điện không còn rẻ như nhận định ban đầu. Bên cạnh đó, do tuổi thọ trung bình của các đập ngắn, chỉ 30 – 50 năm nên theo thời gian, các công trình trở nên lạc hậu và hoạt động kém hiệu quả hơn nhiều so với thiết kế ban đầu. Chỉ tính riêng ở Mỹ, tạp chí Thủy điện quốc tế ước tính, tới 85% trong tổng số hơn 80.000 đập trên toàn quốc, với đủ kích cỡ khác nhau đã tồn tại hơn 50 năm vào thời điểm năm 2020.

     Theo các chuyên gia, chi phí bảo trì thiết bị lỗi thời, nâng cấp máy móc để đáp ứng các yêu cầu vận hành an toàn với đập thủy điện hàng chục năm tuổi tương đối tốn kém. Trong khi đó, việc phá dỡ các đập cũ thường giúp tiết kiệm 10 – 30% chi phí so với việc cố gắng duy trì chúng.

au-my-ro-xu-huong-pha-bo-dap-thuy-dien-cuu-moi-truong-1Đập thủy điện khổng lồ Glines Canyon trên sông Elwha, Mỹ bị phá dỡ hoàn toàn vào tháng 8/2014. Ảnh: Reuters
Phá bỏ

     Sau khi cân nhắc lợi, hại, Mỹ và nhiều nước ở châu Âu đã quyết định loại bỏ các đập ngăn sông quá lỗi thời, gây hại cho môi trường và ít mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng.

     Tổ chức Các dòng sông Mỹ thống kê, trong vòng 30 năm qua, nước này đã phá dỡ tổng cộng gần 1.300 đập thủy điện, trong đó chỉ tính riêng năm 2017 đã loại bỏ 86 công trình kiểu này.

     Xu hướng cũng phát triển mạnh ở châu Âu sau khi Liên minh châu Âu (EU) năm 2000 thông qua một chính sách mới về nguồn nước. Chính sách này đặt ra các tiêu chuẩn cụ thể về môi trường, đồng thời yêu cầu các nước thành viên phải đưa các sông, hồ và vùng nước trong lãnh thổ của mình về “tình trạng tốt” vào năm 2027.

     Theo tổ chức Wetlands, hơn 60% các sông của châu lục hiện cần được cải thiện dòng chảy và hệ sinh thái để đáp ứng các tiêu chuẩn trên. Các chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận và các nhóm cộng đồng đang cùng chung tay xúc tiến các kế hoạch nhằm đạt được mục tiêu này.

     “Khôi phục 25.000km sông chảy tự do là một bước đột phá, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phá dỡ các đập nhằm hồi sinh cho các dòng sông đang chết dần ở châu Âu. Với phong trào đang phát triển mạnh khắp châu Âu, chúng tôi tin tưởng rằng mục tiêu sẽ sớm được hoàn thành, mang lại lợi ích to lớn cho chính các dòng sông, con người và thiên nhiên”, bà Eva Hernandez, Trưởng nhóm Sáng kiến sông ngòi châu Âu thuộc Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) nhận định.

     Theo tổ chức Dam Removal Europe, trong khoảng 20 năm qua, gần 5.000 đập ngăn sông trên khắp châu Âu đã bị loại bỏ. Trong đó, việc phá 2 đập Vezins và Le Roche Qui Boit chắn ngang sông Selune ở Pháp năm 2018 là dự án phá dỡ lớn nhất ở châu lục cho đến thời điểm này. Những nỗ lực được tin đã giúp giải cứu các con sông; trả lại dòng chảy tự nhiên; cải thiện chất lượng nước; khôi phục môi trường sống cho các loài động vật nước ngọt, nhất là những loài quen với cuộc sống di cư như cá hồi; thúc đẩy đa dạng sinh học và tạo ra những cơ hội phát triển mới cho người dân địa phương.

     Các nhà quản lý thống nhất rằng, không cần thiết phải đánh đổi quá nhiều về vấn đề môi trường, hệ sinh thái và đời sống dân cư bản địa để phát triển thủy điện. Hội đồng Năng lượng Thế giới (WEC) khuyến nghị, với các đập thủy điện đang tiếp tục vận hành, chính quyền và các nhà quản lý cần phải giám sát chặt chẽ, bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa kịp thời khi xảy ra sự cố, đảm bảo quy trình tích nước, xả lũ an toàn cũng như có kịch bản ứng phó trong trường hợp thiên tai, khẩn cấp.

     Với các dự án đang và sẽ triển khai, các bên liên quan cần tính toán kỹ lợi – hại, lựa chọn thiết kế tối ưu và đảm bảo cơ chế chia sẻ lợi ích giữa nhà đầu tư và các cộng đồng địa phương.

Theo VIETNAMNET

Ý kiến của bạn