Văn phòng Hiệu trưởng Đại học Harvard, một ngày cuối thế kỷ 19. Một cặp vợ chồng rụt rè xin gặp Hiệu trưởng. Cô thư ký nhìn vẻ quê mùa của hai người khách, chiếc quần sờn gấu của ông và bộ áo bình dân của bà, trả lời "Hiệu trưởng rất bận, chỉ tiếp khách có hẹn trước".
Hai người khách nhất định xin được ở lại chờ, vì có chuyện muốn nói. Xế chiều, ông Hiệu trưởng Harvard xách cặp ra về thì hai ông bà xin được thưa chuyện vài phút rằng người con trai duy nhất của họ vốn ước ao được học Harvard, đã mất lúc 16 tuổi vì bị bệnh nên ông bà muốn dựng nên cái gì đó ở Harvard để tưởng nhớ đứa con. Vị Hiệu trưởng lịch sự thông cảm nỗi đau buồn của hai vị khách, nhưng thờ ơ "nếu ai có tang cũng muốn xây bia mộ ở đây thì Harvard sẽ thành nghĩa trang sao?"
"Chúng tôi đâu muốn xây bia mộ. Chúng tôi muốn xây tặng trường một giảng đường, hay một nhà nội trú cho sinh viên, để tưởng nhớ đứa con thôi."
Nhìn họ trong dáng vẻ không có gì để gây ấn tượng "Ông bà có biết xây một giảng đường tốn tới hàng trăm ngàn đôla chứ đâu phải ít tiền?" Nghe câu đó, bà vợ ngước lên nhìn chồng rồi nhỏ nhẹ: "Nếu chỉ cần thế là xây được giảng đường thì sao nhà mình không xây luôn cả trường đại học cho nó đàng hoàng?"
Hai ông bà ra về và chẳng bao lâu sau ra đời Đại học Stanford, nơi trường sở trong số đẹp nhất nước Mỹ và nơi đây cũng trở thành một trong ba đại học danh tiếng nhất của thế giới. Vị kia đã không biết mình vừa tiếp hai vợ chồng tỉ phú Stanford, vua xe lửa, sau này trở này trở thành Thống đốc California.
Câu chuyện có thật về ông bà Leland và Jane Stanford bỏ tiền ra xây trường đại học nay đã trở thành huyền thoại với lời tri ân ông bà được khắc trên tường nơi sảnh chính của trường và nay chúng ta có Đại học Stanford. Giai thoại Harvard bị lỡ mất cơ hội cũng là một chuyện truyền miệng được nhiều người kể lại tựa như dòng dân gian vui vẻ bởi bên Mỹ vẫn có nhiều chuyện hài hước về sự cạnh tranh giữa Stanford và Harvard, bên Stanford thích chọc quê bên Harvard, và ngược lại.
Nhưng tất cả những chuyện ấy cũng là để nói lên nhân sinh quan đặc biệt của người Tây Phương, nhất là ở những xứ ảnh hưởng văn hóa Tin Lành, với phương châm được dạy dỗ và thấm nhuần rằng hãy trả lại cho xã hội những gì đã nhận được của xã hội. Khía cạnh văn hóa đó giải thích tại sao ở Hoa Kỳ và Bắc Âu có những nhà tỷ phú như Bill Gates, Warren Buffett, Mark Zuckerberg dành những ngân khoản khổng lồ làm việc từ thiện, tài trợ những dự án công ích cho xã hội.
Đó là một yếu tố văn hoá, nhưng nó giải thích phần nào cho sự thành công kinh tế của những nước như Hoa Kỳ và các nước Bắc Âu. Văn hoá Tin Lành đã tạo ra xứ tư bản Tây Phương. Người Mỹ áp dụng những phương pháp hữu hiệu để kinh doanh, để làm giầu, nhưng khi đã thành công rồi, nghĩ tới việc trả lại cho xã hội những gì đã nhận của xã hội. Khi Bill Gates trình bày với vợ con việc lấy số tiền của mình là 40 tỷ đôla để lập Quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates và chỉ để lại cho mỗi người con 10 triệu (tiền ít quá thì khó thành công mà nhiều quá thì có cơ làm hư con cái), cả vợ ông và các con đều vui vẻ chấp nhận. Bởi vì họ được dạy dỗ, thấm nhuần văn hoá đó từ nhỏ.
Khi Bill Gates kể về quyết định của gia đình mình, Warren Buffet đã hưởng ứng ngay, đóng góp phần lớn gia sản kếch sù của chính ông cho Quỹ Gates. Trên 50 tỷ phú, đa số là người Mỹ, đứng đầu là Mark Zuckerberg, đã noi gương Bill Gates.
Các trường đại học Mỹ hay Anh đều giầu có, với những ngân sách khổng lồ, ngang với ngân sách một quốc gia nhỏ, mà nhà nước không tốn một xu, bởi vì nhiều cựu sinh viên khi đã thành công ngoài đời đều quay lại, tự nguyện đóng góp. Đối với họ, đó là một chuyện tự nhiên, khỏi cần ai kêu gọi. Không làm, mới là chuyện bất bình thường. Đơn giản như vậy, nhưng đem áp dụng ở những nước khác rất khó. Phải bắt đầu bằng sự thay đổi văn hóa, thay đổi tư duy. Và văn hoá, không phải chuyện một sớm một chiều. Đó là chuyện của hàng thế hệ.
Tinh thần "trả lại cho xã hội" giải thích tại sao vai trò của xã hội dân sự cực kỳ quan trọng trong các xã hội Tây Phương. Nó nhân bản hóa các xã hội tư bản. Ở Hoa Kỳ chẳng hạn, tiêu biểu cho chế độ tư bản, nó xoa dịu những bất công của một xã hội cạnh tranh, mạnh được yếu thua. Đó là hai khuôn mặt mâu thuẫn của tư bản Tây Phương. Mâu thuẫn hay bổ túc lẫn nhau. Những quỹ tư nhân, nhan nhản khắp nơi, với những số tiền nhận được ở khắp nơi gởi giúp, trợ cấp học bổng, chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, phát triển nghệ thuật văn hoá, giúp đỡ người nghèo, người sa cơ lỡ vận. Theo nguyên tắc dạy người ta câu cá hơn là cho tiền mua cá.
Người Tây Phương, có tinh thần cá nhân chủ nghĩa, nhưng không ích kỷ như chúng ta nghĩ. Rất nhiều người tích cực và nghĩ đến người khác, coi việc giúp đỡ người khác, cải thiện xã hội là một bổn phận. Họ không bi quan yếm thế. Tai họa cá nhân không đánh gục họ mà lại trở thành một động lực khiến họ lao đầu vào việc cải tiến xã hội. Hai ông bà Stanford, khi mất đứa con đã quyết định từ nay, tất cả những đứa con California sẽ là con mình. "The children of California shall be our children" để tạo dựng Đại học Stanford. Nơi đây ngày nay vẫn sừng sững nguy nga tráng lệ, là nơi học hành và vui chơi cho hàng vạn bạn trẻ được vinh dự là sinh viên Stanford.
Không chìm xuống bởi quá khứ, mà vươn lên vì tương lai, để chung sức cải thiện xã hội, đó là những yếu tố khiến xã hội Tây phương thành công về mọi mặt cả về kinh tế lẫn chính trị. Bởi vì dân chủ không phải chỉ xây dựng trên giấy tờ, qua hiến pháp, bầu cử, luật lệ mà dân chủ được thực thi, được bảo vệ, được nuôi dưỡng bởi xã hội dân sự và tấm lòng bác ái của từng con người được thấm nhuần từ tuổi thơ ở xã hội đó.
Nguồn: fb Hồng Châu Võ Thị