Tôn Thất Thiện: Liêm sỉ: Vấn đề cơ bản của Việt Nam ngày nay

Thứ bảy, 13/07/2024, 11:47 GMT+7

(Cảm nghĩ về quan điểm của một chân nho: Cụ Phan Chu Trinh)
TÔN THẤT THIỆN

 “Đạo mất trước, rồi nước mới mất sau”
(PHAN CHU TRINH)

 

Hằng ngày, không biết bao năm qua, trên báo chí, vô tuyến truyền thanh và vô tuyến truyền hình, trong những buổi thảo luận tại Quốc Hội hay những nơi khác của chính trường, ta thấy một số danh từ được dùng rất thường, thường đến nỗi nó mất gần hết ý nghĩa sâu xa của nó: (canh tân) xứ sở, (thực thi) dân chủ, (giải quyết) vấn đề chậm tiến, (tận diệt) tham nhũng, dân tộc (tự tồn), cách mạng (toàn diện), tái lập (uy quyền) quốc gia, xây dựng một nước Việt Nam (độc lập, hùng cường, thịnh vượng) v.v… Ta cũng được chứng kiến bao nhiêu cuộc cách mạng, chỉnh lý, hoan hô, đả đảo, tuyên bố, hứa hẹn, buộc tội và bôi lọ lẫn nhau, thay đổi hiến pháp, tổ chức tuyển cử. Nhưng rốt cuộc, mọi sự đâu vẫn nằm đó, hết ngày này qua ngày khác, hết tháng này qua tháng khác, hết năm này qua năm khác, không có gì thay đổi; trái lại, tuy nhân dân Việt Nam và các nước đồng minh đã tốn không biết bao nhiêu tài sản, mồ hôi và nước mắt, xã hội Việt Nam càng ngày càng suy đồi, hầu như đang tiến rất nhanh đến một tình trạng vô phương cứu chữa.

Phản ứng tự nhiên của những ai thiếu suy nghĩ là buộc tội chính quyền hiện tại hoặc đã qua, hay đổ lỗi cho (ngoại bang), hay tố cáo lẫn nhau. Nhưng thật ra, mọi người đều có lỗi, cũng như mọi người đều là nạn nhân. Truy cho ra trách nhiệm không phải là việc vô ích, nhưng tìm cho ra nguyên do căn bản của sự suy đồi nói trên để mong cứu vãn tình thế mới là việc hữu ích và quan trọng hơn.

Trong sự tìm kiếm nguyên do căn bản này, chỉ chú tâm vào chính quyền và định chế, là theo con đường đưa đến những sự nhận định sai lầm, và từ đó, đến những giải pháp sai lầm hay không thực hiệu nghiêm. Muốn nhận định vấn đề cho đúng ta phải đặt nó dưới khía cạnh xã hội học, và đứng về phương diện này, ta phải nhớ rằng xã hội chỉ là sự kết hợp của cá nhân, và giá trị của cá nhân thế nào thì giá trị xã hội sẽ thế ấy, cũng như một cái nhà có vững chắc hay không một phần lớn tùy gạch đá ta dùng để xây cất cái nhà đó có tốt hay không. Cá nhân có đàng hoàng, xã hội mới đàng hoàng được, cũng như gạch đá có tốt, cái nhà mới vững chắc được.

Đặt vấn đề như trên, ta mới đi đến một sự nhận định đúng, và từ đó, ta mới tìm được những giải pháp thích hợp để giải quyết vấn đề Việt Nam một cách hữu hiệu. Và đặt vấn đề như trên ta mới thấy rõ trách nhiệm của mỗi người Việt Nam, và không quy trách nhiệm cho một chính quyền một đoàn thể hay một cá nhân nào riêng biệt. Ta thường nghe nói: “quốc gia hưng vong, sĩ phu hữu trách”. Muốn cho đúng, ta phải nói: “quốc gia hưng vong, toàn dân hữu trách”. Chính quyền chỉ gồm những người xuất thân từ xã hội mà thôi. Xã hội thế nào, thì chính quyền thế ấy. Đặc biệt là xã hội Việt Nam thế nào thì chính quyền Việt Nam thế ấy. Tính chất chính quyền Việt Nam chỉ phản ánh tính chất xã hội Việt Nam mà thôi, tuy rằng là những người nắm quyền quyết định trong tay, họ phải lãnh một phần trách nhiệm nặng hơn.

Đặt vấn đề như trên cũng là đặt vấn đề liên quan đến nhiều thế hệ. Tình trạng xã hội ngày nay là thành quả của việc làm của những thế hệ trước ta, cũng như tình trạng xã hội Việt Nam trong tương lai sẽ là thành quả của việc làm của thế hệ hiện tại. Cho nên muốn hiểu tình trạng xã hội Việt Nam ngày nay phải xét việc làm của những thế hệ trước ta, và đặc biệt là việc làm của ba bốn thế hệ vừa qua.

Người nào có ít nhiều óc quan sát và thành thực cũng phải nhận rằng xã hội ngày nay có hai đặc điểm: chậm tiến về phương diện kỹ thuật và suy đồi về mặt đạo lý. Nói một cách khác, xã hội Việt Nam ngày nay rất kém về cả ĐẠO lẫn THUẬT. Sau bảy mươi năm (duy tân), gia sản đạo đức cũ biến hầu hết, mà thuật mới cũng chẳng có bao nhiêu. Về phương diện đạo, cảnh vô liêm sỉ và thối nát của người lớn, sa đọa và mất tin tưởng của người trẻ tràn lan quả rõ ràng, không ai chối cãi được. Về phương diện thuật, thì chỉ cần đếm số (chuyên viên) ngoại quốc ngồi khắp nơi trong các tổ chức nhà nước cũng như tư nhân ta cũng rõ trong bảy mươi năm vừa qua Việt Nam đã đào tạo (nhân tài) thứ gì, chớ người có đủ khả năng để lãnh đạo và canh tân xử sở thì hình như không có.

Thuật thì chưa thấy mà đạo thì gần mất. Nguyên do tình trạng đó ở đâu ? Nghiên cứu sơ qua lịch sử cải tiến xã hội Việt Nam trong gần một thế kỷ vừa qua, ta nhận thấy một sự kiện rất rõ ràng và nổi bật: trong gần một thế kỷ vừa qua, nước Việt Nam không có một sự cải tổ căn bản nào hết. Tình trạng hiện tại cũng không khác gì tình trạng cách đây bảy mươi năm, Cụ Phan Chu Trinh đã tả tình trạng đó như sau trong bức thơ Cụ gởi cho viên Toàn quyền Pháp Paul Bert ngày 15-8-1908:

“…trong một nước mà học thuật không ra sao, phong hoá bại hoại, liêm sỉ mất hết, kiến thức không có một chút gì, ngày nay trong một làng một ấp mà cũng xâu xé lẫn nhau, trong một họ một nhà mà cũng coi nhau như thù địch, thì còn mong gì liên kết đoàn thể mà chống với ai”…

“…ví thử bây giờ người Pháp cho người Nam độc lập, giao cho mấy nghìn khẩu súng, cắt cho đất đai mấy tỉnh, rồi cho tự trị lấy, không hỏi gì đến nữa, thì chỉ trong mấy năm là tranh nhau tước, vị, cướp bóc của cải, báo thù báo oán, chém giết lẫn nhau đến chết thì thôi, còn mong gì mở mày mở mặt với thế giới được; ấy mình đối phó với mình còn thế, còn mong gì đối phó với ai?”…((Bức thư của Cụ Phan Chu Trinh gửi Chính phủ Pháp trong Thế Nguyên, Phan Chu Trinh. Saigon, Tân Việt 1956, tr. 98.))

Từ nhận định đó, Cụ Phan Chu Trinh phân tách tình trạng xã hội Việt Nam với một con mắt mà ngày nay ta có thể nói là sáng suốt lạ lùng đối với một nhà Nho học thời đó. Âu đây cũng là một bằng chứng rằng chế độ Nho học không phải chỉ sản xuất một lớp người từ chương không có khả năng tư tưởng.

*    *
*

Lớp Nho học ra đời dưới thời Tự Đức và lúc trưởng thành được chứng kiến những sự đổi thay trong những năm sôi động từ triều Hàm Nghi đến triều Khải Định, có thể chia làm ba nhóm: 1) nhóm xu thời, chấp nhận và phục vụ chính quyền Bảo hộ Pháp vô điều kiện để tiến thân, 2) nhóm chủ trương bạo động và dựa vào ngoại bang để lật đổ chính quyền thuộc địa Pháp, và 3) nhóm quan niệm rằng cải tiến xã hội Việt Nam là vấn đề căn bản, quan trọng hơn vấn đề lật đổ chỉnh quyền thuộc địa Pháp. Tiêu biểu cho nhóm thứ ba này là Cụ Phan Chu Trinh.

Trong những người theo Nho học đến đích, nghĩa là đã thi đỗ đến tiến sĩ, có lẽ cụ Phan Chu Trinh là người có tư tưởng độc đáo hơn cả. Trong tình trạng đạo gần mất, thuật chưa thành của ngày nay, những tư tưởng đó có một tầm quan trọng đặc biệt. Vì vậy ta có thế lấy tư tưởng đó làm khởi điểm cho công cuộc xét lại và sửa sai tư tưởng ngày nay; để định lại hướng đi của xã hội Việt Nam, nhất là trong giới lãnh đạo trí thức, tinh thần và chính trị. Chúng ta rất tiếc rằng cụ Phan Chu Trinh mất quá sớm (năm 1926 lúc Cụ mới 56 tuổi) cho nên không có dịp trình bày hết tư tưởng của Cụ ở giai đoạn mà ta cảm thấy tư tưởng ấy đã chín mùi. Nhưng những bài phân tách của Cụ mà may còn lại cũng đủ cho ta nhiều đề tài suy tưởng lớn để tìm hiểu vấn đề căn bản của Việt Nam hiện tại.

Cụ Phan Chu Trinh đã lên án nhóm nho học xu thời rất gay gắt, và chỉ trích nhóm nho học bạo động khá mạnh.

Đối với giới nhà Nho quan lại, Cụ Phan Chu Trinh rất khinh miệt, không nhận họ là Nho học, mà chỉ coi họ như một lũ “ăn cắp có giấy”, không làm gì ích nước lợi dân, “danh dự không bằng ai, học thức không bằng ai, chỉ làm đầy tớ người, mà hống hách với đồng bào”.(((Đạo Đức và Luân Lý Đông và Tây) (diễn văn tại Saigon đêm 19-11-1925) trong quyển Phan Chu Trinh đã trích dẫn ở trên, tr. 153.)) Trong bức thơ gởi cho Toàn quyền Bert, Cụ viết:

… “Mấy chục năm gần đây, ở trong chốn trào đình thì mấy anh quan đại thần khúm núm cho qua ngày tháng, làm việc thì vụ tại cho chiếu lệ thì thôi, còn các quan ở các tỉnh, phủ, huyện thì ăn đút ăn lót, cầu cạnh chạy chọt không còn biết liêm sỉ là cái gì! Máu thịt của dân càng ngày càng khoét, làm cho dân đến hết làm ăn; hiện tình trong nước bây giờ cảnh tượng thì tiêu điều, lương dân thì ly tán, phong tục đồi bại, lễ nghĩa mất hết, lập quốc hơn hai mươi triệu người, cái thời kỳ bán khai mà bây giờ sắp trở lại dã man; trong những người có trí, thấy thế thì thở ngắn than dài, tìm phương chạy chữa, người nào có can đảm thì bỏ đi ngoại quốc, có lẽ đến gởi xương đất khách mà không mong được trở về; còn kẻ nhút nhát thì cúi đầu mà chịu, quanh năm không ra khỏi nhà… nước Nam ngày nay thành ra một nước đau gần chết không thể nào trị khỏi, đó là cái tội của bọn sĩ phu nước Nam”…((Thơ cho Toàn quyền Bert, — ibid —, tr. 83-83))

Còn dân thì sao? Cụ nói rằng nếu “kẻ trên ký cóp bóc lột để nuôi sự giàu sang của mình, kẻ dưới thì lòn cúi chạy chọt để cầu được làm quan, một người như thế, trăm người như thế, ngàn, muôn, ức, triệu người như thế…” và “ngoài những sự trai gái ăn uống ra không còn biết một việc gì… kẻ nào gian xảo thì lành như con thỏ, kẻ nào ngu xuẩn thì dốt như con heo, gian tham dối trá, không cái gì là không làm, đánh đập roi vọt cũng không hề dám giận, cả nước đều gian xảo nhút nhát không còn nhân cách gì cả”.((Thơ gởi cho Bert, Phan Chu Trinh, tr. 84-85))

Cụ Phan cũng nói thêm rằng “nước Nam khi xưa, pháp luật dẫu không công bình cho lắm, song về phần quan lại cũng không đến nỗi tệ quá như bây giờ”.((ibid — tr. 86))

Tình trạng như vậy, đổ lỗi cho ai? Cho Pháp? Nhưng Cụ Phan nói không phải vì Pháp mà người Việt mất nhân cách, liêm sỉ. Họ chỉ làm ngơ trước tình trạng đó mà thôi. Nguyên do của sự lụn bại nói trên là luân lý đạo đức của người Việt Nam đã bị mất đi. Mà lại sao người Việt Nam lại mất luân lý, đạo đức? Cụ Phan thấy có hai lý do chính: “độc khoa cử” và chế độ quân chủ chuyên chế. Hai lý do này đi đôi với nhau. Độc khoa cử đã giết chết hồn luân lý đạo đức người Việt Nam, “chỉ còn để nguyên lại một cái tính nô lệ thôi”.((Trong Đạo Đức và Luân Lý… ibid. tr. 160)) Đạo đức lớn (nghĩa là những đức tính cần để điều hành quốc gia) người mình không có, mà đạo đức nhỏ (nghĩa là tư đức mỗi người) cũng không có luôn, vì “một xứ đã bị chuyên chế thì tính chất gì thuộc về đạo đức cũng không thể nào sánh được”.((ibid —, tr. 152))

Nói đến đạo Nho, Cụ Phan nghĩ rằng đoạn lịch sử từ Nghiêu Thuấn cho đến Văn Võ là một đoạn lịch sử tốt đẹp như là cái khí mùa xuân, như là cái ánh sáng mặt trời ai thấy mà không khen ngợi, ai thấy mà không ước ao. Ai cũng nói đến đạo Nho.

Vua mình theo đạo Nho!
Triều đình mình theo đạo Nho!
Nước nhà mình theo đạo Nho!
Dân mình theo đạo Nho!

Nhưng đạo Nho ở đâu? Xét lịch sử quân chủ ở Á đông thì từ Tần Thủy Hoàng về sau, các nước theo đạo Nho kỳ thật trong nước không có thi hành một chút đạo Nho nào, chỉ còn sót một hai điều trong gia đình mà thôi, kỳ dư là những điền mấy ông vua chuyên chế dựa vào đạo Nho để đè nén dân.(((Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa) (điền văn ở Saigon, năm 1925, trong Phan Chu Trinh, tr. 111)) Các nền luân lý ở Á Đông đổ nát vì các nhà vua chuyên chế làm sai hết cả đạo Khổng Mạnh mà ra,((Đạo Đức và Luân Lý, tr. 137)) Các ông má dân gọi là Nho học chỉ là những người học được ít chữ Tàu, nhất là những ông đậu cử nhân, tiến sĩ, “không hiểu Nho giáo là gì hết”, còn vua thì “chẳng ngó chi đến cái lợi hại dân tộc, chỉ lo tính toán mà đè nén cái trí dân, để mà giữ chặt cái chìa khoá tủ sắt ngôi Thiên tử cho con cháu mình”.((ibid —, tr. 114)) Cũng vì áp dụng Nho giáo như vậy mà quan không biết gì đến dân chỉ biết có vua, mà chính dân cũng chỉ biết có vua, không biết đến nước, không biết quyền dân là gì, thương nước là gì:

Dân không biết đoàn thể, không trọng công ích là vì bọn học trò trong nước mắc ham quyền tước, ham bã vinh hoa của các triều vua mà sinh ra nịnh hót, chỉ biết có vua mà không biết có dân. Bọn ấy muốn giữ túi tham mình được đấy mãi, địa vị mình được đấy mãi, bèn tìm cách thiết pháp luật, phá tan tành đoàn thể của quốc dân…

Dân khôn mà chi! Dân ngu mà chi! Dân lợi mà chi! Dân càng nô lệ, ngôi vua càng lâu dài, bọn quan lại càng phú quý…((“Đạo Đức và Luân Lý…” — ibid — tr. 148))

Tình trạng Cụ Phan Chu Trinh mô tả trên đây là tình trạng thời Nho học đang thịnh. Nhưng sau 1905, với phong trào duy tân, Nho học suy lần, và, như ta biết, đến năm 1018 thì chế độ Nho học hoàn toàn bãi bỏ trên toàn cõi Việt Nam, nhường chỗ cho phong trào Tây học. Nhưng Tây học đã đưa đến kết quả thế nào? Theo quan điểm Cụ Phan, nhóm Tây học cũng chẳng khác gì nhóm Nho học. Cụ nói:

Đã mấy mươi năm nay, nhờ cái phong trào của thế giới xô đẩy mà trong nước ta cũng có đảng thủ cựu, đảng duy tân, đảng hòa bình, đảng kịch liệt, làm ồn ào cả lên mà rút cục chả thành hiệu quả gì. Đến khi đổ bể ra thì thấy toàn những đầu trâu mặt ngựa cả, chỉ bêu xấu cho cái danh giá của dân tộc mình, khiến cho người ta trông vào thấy thế càng khinh dễ thêm, càng vây đạp thêm”…(((Đạo Đức và Luân Lý…), — ibid —, tr. 131))

Đạo đức cũ thì đã mất, mà đạo đức mới thì chưa thành. Các ông cựu học thì nói rằng phải buộc bọn thiếu niên tân tiến phải theo đạo cũ, nhưng xét ra thì các ông ấy đã bỏ mất lễ, nghĩa, liêm, sĩ rồi.

…“Còn các bạn thiếu niên thấy ông già lù khù như thế lại càng giàu thêm cái tính kiêu căng, học được chút ít đã vội tưởng mình hơn các cụ già rồi, không giữ gìn tính nết, thành ra cách ăn ở Tây không ra Tây, mà Nam cũng không ra Nam”…((ibid —> tr. 130))

Theo Cụ Phan, những kẻ Tây học này là giới thượng lưu mới. Nếu giới thượng lưu cũ là những bọn nho đã đỗ được cái bằng cử nhân, tiến sĩ,

…“ngày nay thì bọn ấy là bọn Tây học đã được cái chức ký lục, thông ngôn; có khi bồi bếp dựa vào thân thế của chủ cũng ra làm quan nữa. Những bọn quan lại (đã nói ở trên) này chỉ còn một tiếng chỉ đúng hơn là lũ ăn cướp có giấy phép vậy”…((ibid -—> tr. 149))

Sự phán đoán của Cụ Phan có phần khắt khe thật, nhưng nó chỉ nói lên sự kiện mà những người vô tư phải nhận là đúng, mà không những đúng ở thời Cụ, dưới những triều từ Đồng Khánh đến Khải Định, mà ngày nay cũng còn đúng, nếu ta hiểu “Tây học” theo nghĩa rộng, gồm cả Âu lẫn Mỹ học.

Như đã nói ở trên, Cụ Phan Chu Trinh nghĩ rằng Việt Nam suy đồi vì để mất đạo đức và luân lý, và nguyên do sâu xa của sự kiện này là giới Nho học cũng như Tây học chỉ lo thuật mà không lo đạo. Trừ một số Nho gia minh mẫn vượt được ra ngoài vòng ràng buộc của lối học khoa cử, còn là nói đến đạo là nói lý thuyết mà thôi, kỳ thực thì họ chỉ lo đến thuật, nghĩa là kỹ thuật thi cử, học cốt sao cho thi đậu để tiến thân. Đến thế hệ Tây học thì đạo bị bỏ luôn, không được nói đến nữa. Thế hệ này cũng chỉ lo có thuật mà thôi. Thuật này nhằm lấy bằng cấp Tây, hoặc học một ngành “chuyên môn” nào đó với mục đích tiến thân, làm thật nhiều tiền chớ không nhằm cải tiến xã hội, đưa nước nhà ra khỏi tình trạng cổ hủ suy đồi, và nô lệ, bằng cách nâng cao dân trí và đạo lý của xứ sở. Nói vậy không có ý buộc tội ai cả. Như đã nhấn mạnh ở đoạn đầu, thế hệ hiện tại là nạn nhân của một tình trạng mà không phải họ gây ra.

Nguyên do của tình trạng nói trên là tinh thần khoa cử từ chương hữu thuật vô đạo và lối học Tống Nho gây ra. Cụ Huỳnh Thúc Kháng, trong một bài luận về lối học khoa cử và lối học của Tống Nho đã phân tách rất tỉ mỉ vấn đề này. Vì Cụ và Cụ Phan là bạn tâm đầu ý hiệp — cả hai cùng đậu tiến sĩ Nho học, cả hai đều từ quan, cả hai đều có tinh thần cách mạng —, nên ta có thể coi quan điểm cụ Huỳnh như quan điểm của Cụ Phan. Bài luận về lối học khoa cử Tống Nho và ảnh hưởng sâu xa của nó là một tác phẩm hết sức quan trọng cho những ai muốn hiểu rõ nguyên do suy đồi của nước Việt Nam hơn một thế kỷ nay. Nhưng trong phạm vi bài này, ta không thể đi vào chi tiết, mà chỉ có thể đề cập đến đề chính của nó mà thôi.

Cho đến cuối đời Trần, nước Việt Nam vẫn chưa bị cái họa từ chương, khoa cử. Nhưng bắt đầu cuộc xâm lăng và đô hộ của Trung Hoa dưới nhà Minh, lối học của Tống Nho được nhập cảng vào Việt Nam, chiếm độc quyền và gây ra họa học giới chuyên chế. Từ đó “ con ma khoa cử “ được truyền sang Việt Nam, làm tiêu mất học phong của đời Trần về trước. Bao nhiêu sách vở của ta đều bị quân nhà Minh tịch thu đem về Trung Hoa hết.

“…thời đại nước ta thuộc Minh, chỉ trên vài mươi năm (kể từ nhà Hồ mất năm 1406 đến vua Lê Thái Tổ hiệu Thuận Thiên năm đầu 1428), mà học giới ta bị luồng khí độc, làm cho cái hay tốt từ đời Trần về trước quét sạch sành sanh, không còn sót gì, lại lưu cái họa bùa mê của Tống Nho nhập chung với con ma khoa cử làm hại cho học giới sau này…”((Huỳnh Thúc Kháng, (Lối học khoa cử và lối học của Tống Nho có phải là học đạo Khổng Mạnh không?), trong Phan Bội Châu, Khổng Học Đăng, Huế, Anh minh 1957 quyển hạ tr. 777-780))

Tiếp đó, “bao nhiêu dẻ rách canh thừa” của Tống Nho, do học trò đời Minh, đời Thanh phô trương thêu dệt thêm làm “mối hàng đắt mà bán sang cho ta… đều là giống thuốc nhồi sọ mà người mình vẫn tôn phụng làm mẫu thánh hiền”, một sự kiện rất lạ lùng. Đến đời Lê Trịnh “sĩ khí tiêu mòn, nhân tâm hèn nhát, bao nhiêu sĩ phu đều mang cái mặt gái hai chồng, đã không biết liêm sỉ là gì, lại còn vào xe ra lọng, tụng thánh ca thảo, hót nịnh kẻ quyền quí, mượn cái bã vinh hoa để lòe đời mà lên mặt là học trò Khổng mạnh…” Đến Nguyễn triều lúc mở mang cơ nghiệp về miền Nam công học giới “không phải là ít”, nhưng sau đại định rồi “lại đem cái đồ phấn sức thái bính là thứ học Tống Nho và khoa cử mà trương ra!” Đến triều Thiệu Trị, Tự Đức trở đi thì toàn sĩ phu đều xu nào vào một cái khuôn ấy hết.((ibid  —, tr. 781)) Cho đến triều Thành Thái mới có người xướng bỏ khoa cử. Tuy vậy,

“Bỏ cũ theo mới không phải không tốt, nhưng não Tống Nho và khoa cử di truyền đã lâu, không phải mai chiều mà chùi sạch được.”

“Bởi thế, cái vỏ bề ngoài tuy đổi khác, mà cái gân óc bề trong vẫn còn y nguyên, nên trong khoảng thanh hoàng bất tiếp này, trong học giới ta lại sinh lắm trò quái gở.”

Cụ Huỳnh công nhận rằng Hán học “đã hạ màn”, nhưng nói về Tây học thì.

…“trường nọ trường kia, bằng cao bằng thấp, cái vinh dự Tây học ngày nay lại càng sang trọng hơn mấy bậc khoa học ngày trước. Thế mà xét về thực tế thì trừ công việc viết thuê nói mướn và làm các công sở ra, nào đã mấy ai lưu tâm đến chỗ triết lý, tìm được chỗ tinh túy của Âu học mà tự lập lấy mình và du nhập cho bà con đâu? Chẳng qua ngày trước nói Khổng Mạnh, thì nay thay vào Hy lạp, La mã, Mạnh Đức, Lư Thoa, đổi cái lối “chi hồ giả giả “ mà bước sang “a, b, c, đ” cũng chỉ ngoài biệt diện! Học giới như thế mà nói đến nhân tài, thật không sao tránh khỏi câu Cụ Tây Hồ đã nói: “Ngày trước học Hán thì làm hủ Nho, ngày nay học Tây thì làm hủ Tây”((Khổng Học Đăng, quyển hạ, tr. 786))

Nếu hai Cụ Phan và Huỳnh còn sống đến ngày nay, chắc các Cụ sẽ thêm vào một đoạn nói về Lincoln, Jefferson, “ây, bi, xi, đi”, “cách mạng thế giới”, “chiến tranh giai cấp”, Mác Lê, và danh từ “ hủ Cọng”.

Riêng về phần các nhà Nho cách mạng chủ trương bạo động và cầu viện ngoại quốc để lật đổ chính quyền thuộc địa Pháp, Cụ Phan không đồng, ý kiến với họ. Cụ nói rằng thương nước không phải là “xúi dân tay không nổi lên, hoặc đi lạy nước này cầu nước khác về phá loạn trong nước đâu”. Thương nước cho phải đường mới gọi là thương nước, nếu thương nước không phải đường thì đã không ích cho ai mà còn làm hại cho sinh linh nữa. (Nay ta nói rằng thương nước, nhưng chỉ thương lỗ miệng, nằm ỳ ra đó kêu người đến thì khác gì đem đầu đi ở đày tớ người này xong lại đem đầu đi ở đày tớ với người khác)((Đạo Đức và Luân Lý của Phan Chu Trinh, tr. 145.))

Năm 1906 Cụ Phan đi Nhật với Cụ Phan Bội Châu, nhưng sau khi xem xét một thời gian Cụ bỏ về. Đối với những người đi Nhật mà không làm gì được Cụ lên án nghiêm khắc. Cụ rất lấy làm lạ cho những người qua Nhật bản về và hỏi:

“Không biết họ qua bển làm gì? Người ta có câu “gần mực thì đen gần đèn thì sáng”. Sao những kẻ sang Nhật không đem cái hay cái tốt về cho dân Việt Nam nhờ, mà chỉ làm giàu thêm tính nô lệ như thế? Rất đổi những việc hèn hạ, một người dân tầm thường không làm, mà những kẻ ấy cũng làm được hết thảy! Hay là đạo đức luân lý đã chết mất ở trong lương tâm của người mình rồi, cho nên không hấp thụ được đạo đức luân lý của người chăng? Hay là người mình đã hư phổi rồi, cho nên một nơi có thanh khí như nước Nhật mà không thở nổi chăng?”…((“ Đạo Đức và Luân Lý…”, — ibid —, tr. 160))

Những người đi Trung Hoa cũng không học được gì, nhất thiết không biết gì về những sự cố gắng đổi mới của người Tàu, mà lại còn về xứ nói láo ! Chính Cụ Phan Bội Châu, sau bao năm hoạt động ở Nhật, Trung Hoa, Xiêm và các nơi khác, và bị Pháp bắt đưa về giam lỏng ở Huế, cũng đổi ý và cho rằng quan điểm của Cụ Phan Chu Trinh là đúng. Trong một cuộc phỏng vấn của ký giả Pháp André Viollis năm 1932, Cụ tuyên bố rằng “cũng như nhiều người khác, tôi ghi nhận rằng chúng tôi chưa đến trình độ độc lập” (depuis mon retour, j’ai constaté, comme d’autres, que nous n’ en sommes point arrivés au stade de I’ indépendance).((Andrée Viollis, Indochine S.O.S., Paris, Les Editeurs Francais Réunis, 1949, tr.136)) Và sau đó Cụ dành thì giờ viết sách về Khổng giáo để cố gây dựng lại đạo lý mà Cụ Phan Chu Trinh cho là căn bản trong sự xây dựng lại xứ sở

*     *
*

Trên đây, ta đã theo dõi Cụ Phan Chu Trinh trong sự phân tích tình trạng xã hội nước Việt Nam, và những điều mà Cụ đả kích — lối học khoa cử, quân chủ chuyên chế, bạo động, cầu ngoại. Bây giờ ta hãy xét, về phần tích cực, Cụ Phan chủ trương những gì?

Trong buổi diễn thuyết tại nhà Hội Việt Nam ở Sài gòn đêm 19-11-1925, Cụ Phan giải thích, Cụ đã chọn đề tài “ Đạo Đức và Luân Lý Đông và Tây” vì cụ cho rằng:

“bất cứ dân tộc nào, bất luận quốc gia nào, dầu vàng, dầu trắng dầu yếu, dầu mạnh, đã đứng cạnh tranh hơn thua với các dân tộc trên thế giới thì chẳng những thuần nhờ sức mạnh mà thôi, mà phải nhờ có đạo đức làm gốc nữa; nhất là dân tộc nào đã bị té nhào xuống, nay muốn đứng lên khối người đè lên trên thì cần phải có một cái nền đạo đức vững chắc hơn dân tộc đang giàu mạnh hơn mình”.((ibid —, tr. 156))

Việt Nam cần có đạo đức. Đạo Khổng Mạnh rất hay, Cụ sùng bái lắm. Đạo Khổng Mạnh không chuyên chế; Khổng Tử chủ trương quân chủ lập hiến (quân dân cộng trị), Mạnh Tử chủ trương dân chủ (dân vi quí). Nhưng đạo Khổng Mạnh đã mất rồi, kiếm đâu ra? Vậy nay ta muốn nước ta có một nền đạo đức luân lý vững vàng, thì “không gì hay bằng ta hết sức đem cái chủ nghĩa dân chủ Âu Châu về” Cụ giải thích rằng:

Chủ nghĩa dân chủ chính là một vị thuốc rất thần hiệu đề chữa bệnh chuyên chế của nước ta vậy. Đem văn minh Âu Châu về tức là đem đạo Khổng Mạnh về. Đạo Khổng Mạnh là đạo trung dung thường dùng như cơm nước thường ngày, như kính trọng cha mẹ, như thương người đồng loại, chớ không mê tín như các đạo khác. Thế thì đem văn minh Âu Châu về đã không hại gì mà lợi còn làm cho rõ ràng thêm đạo Khổng Mạnh ra”.((ibid —>))

Nhưng Cụ Phan cũng nhấn mạnh rằng đem văn minh Âu Tây chân thực hỗn hợp với Nho giáo Á đông, chớ không phải là “tự do độc lập của mấy anh Tây học lem nhem, mà cũng không phải là quốc hồn quốc túy ngoài môi của các bác Hán học dở mùa đâu”.((“Đạo Đức và Luân Lý…”, Phan Chu Trinh, 129)))

Cụ Phan chủ trương đem đạo đức Âu Tây vào Việt Nam, vì theo Cụ, đạo đức là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, cần, kiệm, và “đạo đức như thế thì không có mới có cũ, có Đông, có Tây nào nữa”; nhất thiết đời nào, người nào cũng phải giữ đạo đức ấy mới là người trọn vẹn. “Dầu nhà bác học xưng ra học thuyết nào khác nữa, dầu các chính thể khác nhau, hoặc dân chủ, hoặc quân chủ, hoặc cộng sản đi nữa, cũng không tài nào vượt ra khỏi chân lý của đạo đức, nghĩa là đạo đức thì không bao giờ thay đổi được”. Đạo đức như cơm với nước, như đồ bổ dưỡng cần cho mọi người, dầu muốn thay đổi cũng không thay đổi được, thay đổi được thì là “đạo đức giả.((“Đạo Đức và Luân Lý…”, — ibid —, tr. 132))”

Cụ Phan phân biệt đạo đức và luân lý. Đạo đức không thay đổi được những luân lý “như cái áo” tùy người lớn nhỏ mà thay đổi.((ibid-)) Ta nên hiểu rõ danh từ luân lý mà Cụ Phan dùng đây có nghĩa là phong tục, lối cư xử trong xã hội, hay tác phong xã hội. Cho nên mỗi thời luân lý mỗi khác. Cụ phân biệt ba loại luân lý: luân lý gia đình, luân lý quốc gia, luân lý xã hội. Luân lý gia đình thì người mình nhiễm lâu lắm rồi. Luân lý quốc gia và luân lý xã hội thì người mình không có, vì bị nạn quân chủ chuyên chế và gia đình chuyên chế nên có một quan niệm trung và hiếu quá hẹp hòi, chỉ biết có cha mẹ và vua mà không biết có nước.

Nếu Cụ Phan không do dự chủ trương đem đạo đức Âu Tây vào Việt Nam, thì Cụ rất dè dặt khi đề cập đến vấn đề nhập cảng luân lý Âu Tây. Luân lý ta đã mất, đem luân lý Âu Tây vào thì “đặt ở đâu”? Vì mất luân lý, nước ta đã mất cơ sở. Nếu đem cây luân lý Âu Tây chắp vào cây đã cằn cội như cây luân lý Việt Nam thì “không thể nào sinh ra hoa tươi, quả tốt được. Muốn cho sự kết quả về sau được tốt đẹp, trước khi chắp cây phải bồi bổ cho hai sức lực bằng nhau đã.”((ibid —, tr. 160))

Cụ dè dặt như vậy vì, theo Cụ nghĩ, luân lý Âu Tây “không trọn tốt”. Luân lý đó có nhiều chỗ dở: nam nữ tự do thái quá, “ly ly hợp hợp rất thường”; giàu nghèo cách biệt nhau thái quá “người ngồi không kẻ cắm đầu làm, thành ra kẻ lao động người tư bản xung đột nhau mà trong nước không yên”; mê tín quốc gia chủ nghĩa, cho nên chiến tranh mãi mãi; trọng trí dục hơn đức dục; chuộng ngoại giao hơn thành thật v.v… Cho nên Cụ nhắn nhủ rằng nếu ta thâu thái luân lý Âu Tây đem truyền bá ở Việt Nam thì “phải nên chú ý lắm, lựa lọc lắm mới được, những gì đáng đem về thì ta hãy đem”((ibid —, tr.163.))

Về luân lý quốc gia và xã hội Cụ thấy cần, nhất là trong phong trào xã hội đang “cuồn cuộn như nước nguồn đang đổ”.

Nhưng đối với Việt Nam, đó là vấn đề còn xa. Vấn đề căn bản và ưu tiên là khôi phục lại nền đạo đức cũ. Làm việc đó trong một nước mà trăm việc đều đổ nát không phải là dễ, nhưng bảo rằng khó mà không làm thì không biết bao giờ Việt Nam mới mở mặt với người được. Nhưng Cụ cũng minh xác rằng:

…“Tôi nói đạo đức cũ không phải là con phải làm tôi mọi cho cha, vợ phải làm tôi mọi cho chồng, tôi phải làm tôi mọi cho vua đâu, mà chính là cái đạo đức trung dung của Khổng Mạnh, đem dùng vào đời nào, nước nào cũng được, không cổ, không kim, không Đông, không Tây… Đạo ấy ở trong câu: Sĩ khả sát, bất khả nhục (giết người học trò được, mà làm nhục thì không được). Phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất, thử chi vi đại trượng phu (giàu không mê được lòng mình, nghèo hèn không đổi được chí mình, sức mạnh không buộc mình cúi đầu, được thế mới là đại trượng phu”…((ibid —, tr. 164))

Cụ Phan cho đó là điều căn bản, vì nước ta mất, dân ta hèn cũng vì mất đạo đức luân lý, bị người khinh bỉ dày xéo cũng vì mất đạo đức luân 1ý. “Đạo mất trước, rồi nước mất sau”. Nhưng muốn nói tự do độc lập thì phải có quốc gia luân lý in sâu vào óc người mình, và sau khi có quốc gia luân lý hai ba mươi năm mới có thể mong tiến lên xã hội luân lý được.(((Đạo Đức và Luân Lý…), tr 147)) Lúc đó nước Việt Nam mới thoát khỏi tình trạng suy đồi nô lệ và hy vọng thi đua với các nước khác được.

*     *
*

Những nhận định của Cụ Phan Chu Trinh về quốc gia và xã hội thời Cụ, nghĩa là vào khoảng giữa một trăm đến bảy mươi năm trước đây. Cụ sinh năm 1872, đậu cử nhân năm 1900, và tiến sĩ năm 1901, từ quan năm 1905, bị đày Côn Lôn năm 1908, đi Pháp năm 1911, hồi hương năm 1925, và mất năm 1926. Trong khoảng đời đó, thế hệ của Cụ là nạn nhân của những tệ đoan do những thế hệ trước Cụ gây ra hay không trừ bỏ, và chính thế hệ của Cụ trách nhiệm một phần không nhỏ về tình trạng suy đồi và nô lệ mà thế hệ ngày nay đang chịu đựng.

Cụ Phan và những người đồng quan điểm và chí hướng với Cụ không làm gì được, trừ việc khua chuông thức tỉnh đồng bào, một việc nguy hiểm có thể đưa đến tù đày và mất mạng: Chính Cụ và bạn Cụ là Cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng bao nhiêu người khác đã bị đày đi Côn Đảo, và người bạn tâm giao thứ hai của Cụ là Trần Quí Cáp đã bị xử tử, Cụ Phan đã không thành công ngay. Đó không phải là lỗi của Cụ, vì thời đó ít người thấy rõ vấn đề. Nhưng công việc của Cụ không phải là không có kết quả, vì nó đã giúp nhiều người khác ý thức được mối nguy đe dọa nước Việt Nam.

Nếu Cụ Phan còn sống ngày nay, chắc những sự chỉ trích của Cụ còn gắt gao, và những lời cảnh cáo của Cụ còn nghiêm khắc, hơn nữa, vì tình trạng ngày nay so với một trăm năm hay năm mươi năm trước còn lụn bại hơn nhiều, và thế hệ hiện tại không thể viện lẽ rằng mình không được cảnh cáo để tự bào chữa cho mình được. Nếu thế hệ ngày nay không làm gì để chận đứng sự xuống dốc của xã hội Việt Nam để đưa nước nhà ra khỏi tình trạng nô lệ thì các thế hệ mai sau sẽ buộc tội chúng ta cũng sẽ gắt gao như Cụ Phan đã buộc tội lớp sĩ phu của thế hệ của Cụ và trước Cụ.

Vấn đề căn bản của Việt Nam, như Cụ Phan đã thấy rõ, không phải là thâu lượm thêm thuật — chạy đua với các nước Âu Tây về khoa học kỹ thuật — mà khôi phục lại nền đạo đức cho xã hội Việt Nam. Như Cụ nhấn mạnh, đạo đức là cái gì căn bản, không cổ không kim không Đông không Tây. Đạo đức ấy nằm vỏn vẹn trong câu: Sĩ khả sát, bất khả nhục; phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di; uy vũ bất năng khuất. Tóm tắt ta chỉ cần khôi phục đức tính căn bản là liêm sỉ. Có liêm sỉ tất nhiên các đức tính khác dần dần sẽ có. Xã hội ta bây giờ tan nát, đồi bại, nô lệ ngoại bang, chém giết bóc lột, áp bức lẫn nhau, chung qui cũng chỉ vì không có liêm sỉ. Đặt nặng vấn đề liêm sỉ Cụ Phan Chu Trinh đã đặt ngón tay đúng vấn đề căn bản của Việt Nam hiện tại. Khôi phục được liêm sỉ các vấn đề tự nhiên sẽ được giải quyết; và ta sẽ khỏi bận tâm đến các vấn đề như mất chủ quyền, bị ngoại bang lấn áp, tham nhũng, bất công, chậm tiến v.v… Không giải quyết vấn đề liêm sỉ mà ngày ngày đêm đêm ngồi nói đến giành lại chủ quyền quốc gia, tận diệt tham nhũng, chấm dứt bất công, xây dựng dân chủ, phát triển kinh tế v.v… là nói suông mà thôi. Tri sỉ cận hồ dũng (biểt hồ thẹn là gần bậc dũng). Và khi đã có dũng rồi thì việc gì mà không dám làm: từ chối chức tước, tiền tài, không sợ nghèo, không sợ tù, không sợ chết, không vì danh lợi mà phản thầy phản bạn, mà bóc lột áp bức kẻ yếu, đút lót nịnh bợ kẻ trên v.v… Chú trọng liêm sỉ, Cụ Phan đặt đúng vấn đề căn bản của Việt Nam hiện tại. Nhưng trong chủ trương đem “luân lý” Tây phương, đặc biệt là luân lý dân chủ Tây phương, vào Việt Nam, Cụ không thấy có sự mâu thuẫn, hay ít nhất là sự khó khăn. Tình trạng xã hội Việt Nam hiện nay là một tình trạng suy đồi. Như đã nhấn mạnh ở trên, thế hệ hiện tại chỉ là nạn nhân của một tình trạng không do họ gảy ra. Họ chỉ sinh trưởng trong tình trạng đó.

Cụ Phan chủ trương chế độ dân chủ Âu Tây vì nhờ dân chủ Pháp mà khỏi bị xử trảm, và sau, cũng nhờ đó mà ân xá, và được đi Pháp quan sát. Đồng thời Cụ hờn ghét chế độ quân chủ chuyên chế ngu muội, ích kỷ Việt Nam thời Cụ. Thật ra, thì điều mà Cụ muốn là một chế độ dân trị như Mạnh Tử chủ trương. Cụ không chống hẳn chế độ quân chủ. Bằng chứng là Cụ khen chế độ quân chủ Nhật và Xiêm, vì hai xứ đó thoát nạn ngoại bang đô hộ và lạc hậu nhờ gặp minh quân trong giai đoạn nguy biến. Ta cũng nhận thấy Cụ Phan dùng danh từ “dân trị” hơn là danh từ “dân chủ”.

Nhưng dù dùng danh từ nào đi nữa, áp dụng chế độ dân chủ kiểu Tây phương trong tình trạng xã hội đồi bại, tinh thần quốc gia và xã hội chưa có, liêm sỉ cũng không, thì rất nguy hiểm. Trong một chế độ dân chủ, chính quyền tất nhiên phải làm theo ý đa số, nhưng nếu đa số thiếu những đức tính nói trên, thì nước Việt Nam sẽ đi về đâu? Không việc gì căn bản có thể thực hành được, vì những cải tổ cần thiết và trọng đại cho quyền lợi tối thượng của quốc gia và xã hội Việt Nam và của những thế hệ tương lai, sẽ động chạm quyền lợi của rất nhiều người, nhất là người có quyền thế trong thế hệ hiện tại, hoặc đa số thiếu sáng suốt. Những sự cải tổ đó sẽ bị gạt bỏ hay chận đứng hết.

Muốn thoát khỏi tình trạng nói trên chỉ cỏ một giải pháp: trao quyền hành nhiều trong một thời gian khá dài cho một người lãnh tụ có tư cách, liêm sỉ, can đảm, nhân đức, sáng suốt, công minh, được dân kính trọng và tin cậy. Tìm cho ra một người như vậy trong giai đoạn này không phải là dễ. Nước Việt Nam phải may mắn lắm mới có được một người như vậy.

Giải pháp nói trên tất nhiên có tính cách “phản dân chủ”. Nhưng nếu ta mù quáng nhập cảng dân chủ Âu Tây vào xứ sở mà không cứu xét, lựa lọc kỹ càng, thì ta chỉ góp thêm phần vào sự gia tăng tan rã của xã hội Việt Nam, gây một mối họa lớn cho những thế hệ tương lai, và sẽ bị họ nguyền rủa. Vấn đề thật của ta không phải dân chủ theo kiểu Tây phương, mà dân trị theo nghĩa của Mạnh Tử, trên căn bản dân vi quí, bảo dân, dữ dân đồng ưu, dữ dân đồng lạc, tiên lao, tiên hành và thành tín. Một chế độ như vậy sẽ không phải là một chế độ dân chủ, hiểu theo nghĩa Tây phương, mà là một chế độ dân bản (xin chớ lầm với nhân bản). Có lẽ chỉ có một chính quyền mạnh, lấy đạo đức làm căn bản, lấy dân bản làm chính sách, mới cứu được nước Việt Nam ra khỏi tình trạng tối tăm, đồi bại, rối loạn và nhục nhã ngày nay. Đó là giải pháp mà Cụ Phan đã hình tưởng đã hơn nửa thế kỷ này, nhưng cho đến ngày nay, rủi cho Việt Nam chưa được áp dụng, vì vẫn thiếu một minh chúa.

TÔN THẤT THIỆN

(trích Tạp chí Tư Tưởng số 1, năm 1970)

Ý kiến của bạn