Họ là những người lao động nhập cư vào Nhật Bản và trải qua những ngày khó khăn. Trong buổi tiếp xúc này, chùa đã mời những người bạn Nigeria bánh gạo Okaki.
Sư Shucho Takaoka trò chuyện thân mật với một người nhập cư sống tại chùa
“Bạn dùng được không ?”, vị sư trụ trì chùa Tokurinji hỏi một nam thanh niên.
Chàng trai đó đến Nhật Bản để tìm việc và bắt đầu một cuộc sống mới. Anh có hoàn cảnh tương tự nhiều bạn sinh viên và người nhập cư Nigeria khác từng được sư Shucho Takaoka, nay đã 75 tuổi, dành nhiều sự hỗ trợ tại chùa trong suốt 3 thập kỷ qua.
“Nhiều người vui miệng gọi ngôi chùa tôi đang trú là kakekomidera”, sư Takaoka chia sẻ; thuật ngữ kết hợp đó được dùng để mô tả các ngôi chùa thời kỳ Edo (1603-1868) có chức năng như những ngôi nhà lánh nạn dành cho phụ nữ trốn thoát bạo hành.
Mặc dù sinh ra trong gia đình thuần tín Phật giáo và là con cả nhưng sư Takaoka không thường xuyên gắn bó với sinh hoạt của đạo Phật tại quê nhà cho đến khi 37 tuổi.
Sau khi đậu vào Trường Đại học Tổng hợp Nagoya, chứng kiến cảnh những người bạn cùng lớp tham gia biểu tình và được trang bị gậy gỗ, lòng ngờ vực của chàng sinh viên Takaoka về cuộc sống bình yên tăng lên.
Năm sư 26 tuổi, bố mẹ muốn con trai của mình vào sống trong chùa, nhưng chàng thanh niên Takaoka nói ước nguyện đó sẽ không thể thành hiện thực. Cũng giai đoạn này, Takaoka lên đường sang Nepal lập nghiệp và chẳng may bị cảm nặng sau khi đến đất nước Nam Á này. Nhờ một người đàn ông gốc Trung Quốc, chàng thanh niên vượt qua bệnh tật, lại còn được hỗ trợ chỗ ở miễn phí.
Trong suốt thời gian ở Nepal, Takaoka đã tham gia các hoạt động bảo tồn kinh văn Phật giáo được viết bằng chữ Sanskrit. Một thập niên sau, thấm nhuần lời Phật dạy nhờ công việc, Takaoka quay về quê nhà và phát tâm xuất gia.
Năm 1985, sư Takaoka chính thức được giao đảm nhiệm trụ trì chùa Tokurinji. Sư liền kiến tạo các phòng Shantikuti, có nghĩa là “ngôi nhà hòa bình” theo tiếng Sanskrit, làm nơi trú tạm miễn phí cho những người nước ngoài nhập cư khó khăn. Việc làm này noi theo những gì mà người đàn ông gốc Trung Quốc đã từng giúp sư suốt thời gian ở Nepal.
Năm 2011, sư Takaoka dựng thêm 2 ngôi nhà gỗ, mỗi nhà gồm 2 tầng trong khuôn viên chùa, cũng với mục đích trên.
Kể từ đó, chùa Tokurinji trở thành điểm đến, cung cấp nơi ở miễn phí thông qua đề nghị của các tổ chức quốc tế giúp người di cư. Đồng thời, nhà chùa cũng hỗ trợ họ các vật dụng cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày. “Hiểu một cách đơn giản là tôi chỉ muốn giúp những người trong lúc họ gặp khó khăn”, sư Takaoka chia sẻ.
Tháng 3-2017, một người đàn ông gốc Nepal mất và được đưa đến một đồn cảnh sát ở Tokyo, sư Takaoka đích thân phát nguyện đến tiếp nhận xác để cử hành lễ tang và hỗ trợ hỏa táng miễn phí do người mất không có thân nhân ở cùng.
Theo sư Takaoka, tất cả kinh phí chi tiêu trong các việc làm hỗ trợ người di cư khó khăn có được từ các khoản cúng dường. Thông thường, phần cúng dường này đều dành để thực hiện các Phật sự cũng như tu sửa chùa. Nhưng sư Takaoka cho biết, sư luôn cố gắng hết mức để các khoản chi tiêu đó giảm xuống.
“Tôi đã tự làm các công việc sửa chữa chùa nhằm tiết kiệm kinh phí và tôi hy vọng các Phật tử xung quanh chùa sẽ đồng cảm điều đó”, sư Takaoka tâm sự.
Tất cả các nhiệm vụ quản lý, điều hành sinh hoạt chùa đều do một nhà sư Phật giáo gốc Hoa Kỳ, người đã đến xuất gia và tu tập tại đây được 27 năm, điều hành.
Sư Takaoka cho biết, trong tương lai gần sẽ chuyển giao sứ mệnh trụ trì ngôi chùa cho chúng đệ tử để tập trung vào công việc giúp đỡ người nhập cư.
“Tôi tự nhận thấy mình còn khỏe khoắn nên làm được gì tốt cho những người khó khăn thì sẽ luôn cố gắng hết sức”, sư Takaoka hoan hỷ cho biết.
Sơn Thoại
(theo The Japan Times)