Thực trạng rừng thế giới

Thứ năm, 21/04/2022, 15:21 GMT+7

    Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), thế giới đã mất khoảng 100 triệu ha rừng trong 20 năm qua, và hiện rừng chỉ còn bao phủ 30% bề mặt Trái Đất.

    Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Sustainability cho biết, lượng khí thải carbon từ nạn phá rừng nhiệt đới trong thế kỷ này đã tăng gấp đôi chỉ trong 2 thập kỷ và đang tiếp tục tăng tốc.

    Trong 10 năm Liên hợp quốc tổ chức Ngày Quốc tế bảo vệ rừng (21/3), nhiều cam kết ngăn chặn phá rừng đã được thực thi và ở một số nơi, tình trạng phá rừng đã giảm. Tuy nhiên, mỗi năm vẫn có khoảng 10 triệu ha rừng biến mất.

278924661_5140395229387989_7679771028231996743_n

    Con người đã làm suy thoái hoặc phá hủy khoảng 70% diện tích rừng nhiệt đới nguyên thủy của thế giới, làm dấy lên báo động về tình trạng vùng đệm tự nhiên quan trọng chống lại biến đổi khí hậu đang nhanh chóng biến mất.

    Vào năm 2020, 2,5 tỷ tấn CO2 đã bị thải lại vào khí quyển do việc mất rừng nhiệt đới.

    Trong vòng 15 năm qua, khu vực Đông Nam Á đã mất đi 14,5% diện tích rừng và có thể mất hơn 50% độ che phủ rừng nguyên sinh. Một số khu vực, bao gồm nhiều diện tích thuộc Indonesia được dự báo sẽ mất đi 98% diện tích rừng vào năm 2022. Trong khi đó, hơn một nửa rừng của Châu Âu cũng đã biến mất. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất rừng là do nhu cầu về đất nông nghiệp ngày càng tăng và việc sử dụng gỗ làm nguồn nhiên liệu.

    Tại Châu Phi, các hệ sinh thái rừng suy giảm nhanh chóng do các tác động xấu của khí hậu, sức ép dân số và đô thị hóa có thể cản trở tiến trình phát triển ít carbon tại châu lục lớn thứ hai thế giới này.

    Sa mạc hóa cũng đang tàn phá khu vực Mỹ Latinh khiến cho tình trạng suy thoái rừng cũng đang trở thành vấn đề nghiêm trọng ở một loạt nước như Brazil, Bolivia, Chile, Cuba, Colombia, Ecuado, Guatemala, Peru, Uruguay, Jamaica, Haiti, và nhiều đảo ở vùng Caribe.

    Một nghiên cứu của Liên hợp quốc cho thấy rừng có thể tạo thêm 80 triệu việc làm xanh và giúp 1 tỷ người thoát khỏi đói nghèo. Khoảng 1,6 tỷ người phụ thuộc vào rừng để kiếm sống.

    Rừng là môi trường sống quan trọng của hàng triệu loài, nguồn cung cấp không khí và nước sạch và là lá chắn rất quan trọng để chống lại biến đổi khí hậu. Liên hợp quốc khẳng định đã đến lúc thế giới nhìn thấy những hành động cụ thể và đáng tin cậy trên mặt đất, dưới hình thức chấm dứt các mô hình khai thác rừng không bền vững.

Ý kiến của bạn