GN - Tại ngôi chùa Phật giáo ở miền Nam thủ đô Bangkok (Thái Lan), một nhà sư đang quan sát máy ép hàng ngàn chai nhựa chứa nước uống đã qua sử dụng, bao bọc xung quanh là những kiện chai nhựa khổng lồ được nén kỹ lưỡng.
Chư Tăng thu gom rác thải nhựa
Các chai nhựa này sẽ được tái chế thành sợi polyeste, rồi thành vải; sau đó đem đi nhuộm màu vàng nghệ để may y cho chư Tăng.
Hoạt động này bắt đầu tại chùa Chak Daeng từ năm 2018, được xem là ví dụ sinh động và thiết thực về bảo vệ môi trường của đất nước Phật giáo Thái Lan; cụ thể là hoạt động tái chế rác thải nhựa tại nước này, một trong 5 quốc gia là “chủ nhân” của một nửa lượng rác thải nhựa đi vào các đại dương trên thế giới.
Trong 2 năm qua, kể từ khi khởi xướng chương trình cho đến nay, chư Tăng của chùa đã tái chế một cách hiệu quả 40 tấn rác thải nhựa tại nước này, ngăn chặn lượng rác này trôi ra con sông Chao Phraya, xuôi dòng về hướng Nam vào Vịnh Thái Lan, phía Tây Thái Bình Dương.
“Tôi đang thực hành những lời dạy của Đức Phật, những điều vô cùng tương thích với việc giải quyết khủng hoảng môi trường toàn cầu hiện nay”, chia sẻ của sư Phra Maha Pranom Dhammalangkaro, 54 tuổi, trụ trì chùa Chak Daeng (tỉnh Samut Prakan), phía Nam thành phố Bangkok.
Không giống như hầu hết các ngôi chùa khác ở Thái Lan - chư Tăng sẽ trì bình khất thực để người dân cúng dường vật phẩm, tại đây người dân cưỡi xe đạp đến chùa để “cúng dường túi và chai nhựa” cho các nhà sư với mong muốn nhận được sự chúc phúc của sư trụ trì.
“Quyên góp 1kg chai nhựa có thể giúp làm ra một bộ y hoàn chỉnh cho chư Tăng. Việc làm này vừa giúp tiết kiệm vừa là cơ hội để mọi người dân gieo nhân thiện lành”, nhà sư nói.
Tính đến nay, chùa đã sản xuất được 800 bộ y và nhiều bộ y nữa đang trong quá trình sản xuất. Thông thường, mỗi bộ y có giá bán từ 2.000 - 5.000 baht để gây quỹ cho dự án và chi trả thù lao phân loại rác thải cho người dân tham gia vào quy trình sản xuất đặc biệt này với hầu hết là người nội trợ, người về hưu và người khuyết tật.
Thái Lan là quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới “đóng góp” rác thải nhựa ra các dòng chảy đại dương, theo báo cáo của Tổ chức Bảo vệ Đại dương (Ocean Conservancy, trụ sở tại Hoa Kỳ). Danh sách này bao gồm ba quốc gia khác ở khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc - đất nước có mức ô nhiễm rác thải nhựa cao nhất.
“Các nhà sư không những đang đóng góp cụ thể và thiết thực cho hoạt động tái chế rác thải mà hành động tốt đẹp này còn giúp nâng cao nhận thức trong cộng đồng người dân các quốc gia gây ô nhiễm rác nhựa. Nếu bạn không thu gom các chai nhựa này, chúng sẽ đi về đâu? Trong dạ dày của bò biển, cá heo, cá voi và các động vật biển cả khác. Và, chúng sẽ chết...”- chia sẻ của Chever Voltmer, giám đốc sáng kiến liên quan đến chất thải nhựa của Ocean Conservancy.
Trí Đức