Tận dụng chai nhựa đựng đầy nước để làm thành đèn chiếu sáng

Thứ sáu, 18/03/2022, 11:01 GMT+7
1_1

     Ông Alfredo Moser, một thợ cơ khí người Brazil đã phát minh ra cách tận dụng chai nhựa đựng đầy nước để làm thành đèn chiếu sáng cho căn nhà vào ban ngày mà không cần phải dùng điện.

     Sáng kiến này bắt nguồn từ những đợt mất điện thường xuyên tại Brazil năm 2002. Khi đó, chỉ duy nhất các nhà máy ở thành phố Uberaba thuộc miền nam Brazil là có điện.

     Khởi đầu từ ý tưởng dùng chai nhựa đựng đầy nước làm thấu kính hội tụ tia nắng trên cỏ khô để đốt lửa trong trường hợp khẩn cấp, Moser đã phát triển ý tưởng đó thành phát minh đèn chiếu sáng từ các chai nhựa bỏ đi của mình.

     Ông khoan lỗ trên mái ngói và nhét các chai nhựa chứa đầy nước từ bên dưới lên, dính chặt chai tại mái ngói bằng nhựa polyester để chống thấm.

3_1

     Để tránh trường hợp nước bị đóng rêu xanh do tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, Moser cho hai nắp chất tẩy vào nước đựng trong chai.

     Tùy thuộc vào sức mạnh của ánh sáng mặt trời, ánh sáng thu được từ đèn “chai nước” trong phòng tương đương 40 đến 60 watt.

     Áp dụng phương pháp này, tổ chức My Shelter ở Phillipines, một tổ chức chuyên sử dụng vật liệu tái tạo hoặc vật liệu bền vững để xây dựng, đã dạy người dân nghèo Philipines cách lắp đặt những "bóng đèn Moser" cho nhà họ.

     Vào năm 2013 đèn Moser đã được trang bị trong hơn 140.000 ngôi nhà ở Philippines, nơi mà 1/4 dân số sống trong nghèo đói và điện được coi là thứ xa xỉ.

     Để tạo ra các chai nhựa phát sáng, người dân chỉ cần trộn 3ml chất tẩy trắng vào 1l nước. Một dung dịch như vậy có thể được sử dụng trong vòng 5 năm, sau đó chỉ cần thay bằng dung dịch mới và tiếp tục sử dụng.

     Một vấn đề khác mà dự án có thể giải quyết được với những chiếc đèn làm từ chai là chất thải nhựa bỏ đi, họ đặt mục tiêu giảm rác thải ở cộng đồng nơi họ hoạt động.

4_1

     Ngoài ra, "bóng đèn Moser" cũng được triển khai ở khoảng 15 quốc gia khác - bao gồm Ấn Độ, Bangladesh cho đến Tanzania, Argentina và đảo quốc nhỏ bé Fiji ở Nam Thái Bình Dương.

     Moser cho biết: "Người dân sống trong những khu nghèo khó có thể trồng cây lương thực trong nước và sử dụng ánh sáng do bóng đèn chai nước cung cấp".

     Phần lớn những căn nhà cũng như doanh nghiệp trong những khu ổ chuột ở thủ đô Dhaka của Bangladesh thiếu điện và không có cửa sổ, cho nên 80 đến 90% trong số họ phải câu điện bất hợp pháp để sử dụng. Trong những ngày cúp điện luân phiên ở Dhaka, người dân phải thắp đèn dầu hỏa hay nến để có ánh sáng.

     Agelo Diaz, Giám đốc điều hành Tổ chức phi lợi nhuận MyShelter phát biểu: "Alfredo Moser đã thay đổi cuốc sống của rất nhiều người và cho dù ông có được nhận giải Nobel hay không chúng tôi vẫn muốn nói cho ông biết rằng, rất nhiều người trên thế giới mang ơn ông".

Ý kiến của bạn