Năm 7- 8 tuổi, tôi thường theo bà nội đi chùa và những ngôi chùa với tất cả sự thâm nghiêm, huyền bí của nó đã hấp dẫn thằng-bé-tôi ghê gớm. Khi bà tôi quỳ xuống, chắp tay, cúi đầu vái lạy, tôi cũng được dạy phải làm theo y như thế. Những rung cảm kỳ lạ, khó lý giải xuất hiện trong tâm hồn tôi sau mỗi cái chắp tay, mỗi lần vái lạy.
Mọi thứ cứ diễn ra như vậy cho đến năm 20 tuổi, sau một giấc mơ lạ và sau rất nhiều suy nghĩ chất chứa của cậu-thanh-niên-tôi (chứ không còn là thằng-bé-tôi) về những cái chắp tay, những lần vái lạy trong mỗi lần bước chân vào chùa. Rốt cuộc thì tại sao mình phải quỳ lạy như thế nhỉ?
Tại sao mình phải tin vào sự màu nhiệm huyền bí đến từ những pho tượng trên đài uy nghiêm? Tại sao mình phải tin chỉ vì bà mình đã tin, bố mẹ mình đã tin, những người xung quanh mình đã tin? Tại sao mình phải tin chỉ vì đấy là một niềm tin thói quen - một niềm tin phản xạ vốn đã theo đuổi mình từ thời thơ ấu?
Tôi đem tất cả những thắc mắc này hỏi vị sư ở một ngôi chùa trong lòng Hà Nội. Vị sư đó giải thích với tôi rằng tôn giáo xét cho cùng được xây dựng trên cơ sở của niềm tin. Có niềm tin sẽ có tốt lành. Có niềm tin sẽ có an lạc. Và có niềm tin sẽ có giải thoát. Cách trả lời ấy vừa thỏa mãn, vừa không thỏa mãn tôi.
Thỏa mãn ở chỗ, xét về mặt nguyên lý, đúng là mọi tôn giáo, tín ngưỡng trong cuộc đời này đều xây dựng trên cơ sở của lòng tin, trong đó có những tín ngưỡng bản địa mà lòng tin ấy là vô điều kiện.
Nhưng theo tìm hiểu của tôi khi đó thì tất thảy những tôn giáo lớn đều có một thế giới quan - một nhân sinh quan - một cơ sở lý luận, và nếu bỏ qua những cơ sở lý luận căn bản này để tin ngay, tin vội, tin mơ hồ thì không loại trừ khả năng chúng ta sẽ bị niềm tin dẫn dắt sai đường.
Đọc kinh Phật, tôi chợt nhận ra chính đức Phật cũng có lần đề cập tới điều này. Kinh Kalama - một trong những bộ kinh rất hay và rất nổi tiếng có kể lại câu chuyện một lần Phật đi ngang qua bộ tộc Kalama và những người thanh niên Kalama đã chạy tới hỏi Phật:
- Thưa thầy, bất kể vị đạo sĩ nào đi qua đây cũng nói giáo lý của họ mới đích thực là chân lý. Do vậy, chúng con hoang mang, không biết tin ai!
Câu trả lời của đức Phật:
- Các con đừng vội tin tưởng vào bất cứ điều gì, cho dù những điều ấy đã được chép trong kinh điển. Cũng đừng vội tin tưởng vào bất kỳ điều gì, cho dù điều ấy được nói ra từ những đạo sư danh tiếng.
Thấy các chàng trai Kalama vẫn chưa hiểu, đức Phật nói rõ thêm:
- Với tất cả những điều được người khác rao giảng, các con phải dùng tâm mình để quán chiếu, tìm hiểu và phê phán, rồi ứng dụng nó vào đời sống hằng ngày, xem nó có giúp mình thoát khỏi khổ đau được không. Nếu được thì hãy tin.
Cách trả lời của đức Phật khiến chúng ta phải đi đến một kết luận: Cũng chớ vội tin ngay vào chính đức Phật cùng những giáo lý của người, nếu chưa quán chiếu nó, tìm hiểu nó và ứng nghiệm nó vào cuộc sống của chúng ta.
Hiểu như thế (A Di Đà Phật, không biết cách hiểu đó có sống sượng và lầm lạc không!?), mà tôi bắt đầu đọc sách Phật nhiều hơn và bắt đầu thử ứng nghiệm những điều mình đọc vào trong cuộc sống của mình. Nhưng đọc rồi và ứng nghiệm rồi thì tôi vẫn chưa tin ngay.
Thế nên có một giai đoạn dài, thật sự là tôi vẫn hay vãn cảnh chùa, để tìm một sự bình an nào đó, xua đi những căng thẳng mà đời sống này đem lại. Nhưng tôi không còn chắp tay, vái lạy trước tượng Phật như ngày xưa nữa.
Tôi nghĩ, theo tinh thần của kinh Kalama, khi mình chưa hiểu và vẫn chưa thể xác lập một niềm tin đầy đủ vào những giáo lý của Phật mà vẫn cứ chắp tay lạy Phật thì có thể chính đức Phật cũng không hài lòng. Tất nhiên, không chắp tay vái lạy nhưng tôi vẫn giữ sự tôn kính tất yếu của một chúng sinh bé mọn trước một vĩ nhân trong lịch sử loài người.
Đến năm đại học thứ 2, tôi bắt đầu tiếp cận đến khái niệm "tư duy độc lập" từ những cuốn sách tư tưởng phương Tây. Và thật kỳ lạ, cái khoảnh khắc đốn ngộ sâu sắc nhất về khái niệm tư duy độc lập là khoảnh khắc tôi ngưỡng phục và tin tưởng vào giáo lý của đức Phật hơn bất cứ khi nào.
Bởi từ đó đến nay, tôi vẫn giữ nguyên một quan điểm cá nhân rằng, chính đức Phật, bằng cuộc đời và giáo lý của mình lại là minh chứng rõ ràng nhất và để lại những bài học vĩ đại nhất về cái mà người phương Tây gọi là "tư duy độc lập".
Thử nghĩ xem, sinh ra trong hoàng cung tráng lệ, mang trong mình cái chân mệnh thiên tử điển hình và đã được chuẩn bị trong một khoảng thời gian trên dưới 20 năm để một ngày chính thức làm thiên tử, thế mà vị thiên tử tương lai ấy - thái tử Tất Đạt Đa nhất quyết thoát khỏi cuộc sống vương giả của một thiên tử.
Thoát khỏi cái nôi mà mình đã lớn lên, thoát khỏi những tư tưởng mà mình đã được dạy dỗ, chấp nhận mạo hiểm đi một con đường khác con đường của tất cả những vương tôn quý tử khác, nếu không phải là người có khả năng tư duy độc lập thì sao có thể thực hiện thành công!
Nhưng sự "độc lập" của thái tử Tất Đạt Đa không chỉ là sự độc lập trong mối quan hệ với dòng dõi quý tộc, nó còn là sự "độc lập" với cả đội ngũ tăng lữ thời kỳ đó.
Bởi lẽ, thoát khỏi chốn hoàng cung nhung lụa, thoạt tiên, thái tử Tất Đạt Đa tìm đến trường tu khổ hạnh. Nhịn ăn, nhịn uống, khổ hạnh, ép xác - đấy là con đường tu tập mà các sa môn cùng thời với người đã theo đuổi.
Nguồn: antgct.cand.com.vn
Phan Mỹ Chí