Suy nghĩ về Xuất Gia

Thứ năm, 26/04/2018, 21:54 GMT+7

           Mới đó mà đã hơn 25 năm tôi đi xuất gia, cũng đúng vào dịp 8-2 (âm lịch) - kỷ niệm Thái tử Tất-đạt-đa xuất gia (cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm tại Ấn Độ).

           Thái tử đã từ bỏ cung điện tráng lệ nguy nga, lợi danh và tài sắc, Ngài cưỡi ngựa vào rừng sâu rồi cắt tóc đi tu, đó là một sự ra đi vĩ đại và Thái tử đã trở thành người Giác ngộ - Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. 


Tác phẩm ra đi (Thái tử Tất-đạt-đa cưỡi ngựa vượt thành xuất gia) của thầy Nhuận Thường
“Xuất gia” là “ra khỏi nhà”- gồm 3 ngôi nhà: thế tục, phiền não và tam giới.


           Nhà thế tục thì tôi cũng rời đi khá lâu, nhưng thỉnh thoảng cũng phải... "về thăm ba mẹ”. Còn nhà phiền não thì lúc đi, khi về - “vô thường” bất chợt. Chừng như cái nhà này do mình xây quá kiên cố, quá lâu đời rồi nên đi đâu rồi cũng… thấy nhà, cũng muốn về nhà. 

           Cái nhà (tham, sân, si) này thật khó mà bỏ nó đi lâu được: có nhiều người lên tít trên núi hay “lặn” xuống biển sâu cũng khó mà “thoát”, có người dập đầu vào tường cho cái “phiền” nó sợ, cái “não” nó chừa… (thật là dại dột làm sao). Có người lại “lén” luyện phép thuật với mong muốn mình có thể “biến mất” để khỏi phải bị phiền-khổ bao vây. 

           Thực ra, ta quên nhận ra rằng: nhà phiền não ấy chính là cái “ta”. “Ta” chính là chướng ngại của… mình. “Mấy cái này” là của ta; chức vị này của ta, công việc này của ta, ta thấy mệt (trong khi tụng kinh), ta thấy buồn ngủ (trong lúc tọa thiền), ta muốn được mau chóng “lên cấp” (tức mức độ thâm sâu trong thiền định), v.v… Bao nhiêu cái tham lam, sân giận, đều thường trú trong ngôi nhà phiền của "ta" đó. 

           Nếu mình “giải tỏa” ngôi nhà này, tức là buông bỏ cái “ta”, làm cái “ta”, cái bản ngã cố chấp biến mất, thì tâm mới thực sự bình an, tĩnh tại.

           Nói dễ, thực hành khó lắm, nhưng tu sửa thì cần kiên nhẫn, đừng cố quá (mà quá cố), đừng nôn nóng, đừng trông mau đắc quả (cứ ngồi im, việc gì đến sẽ đến). 

           Nhà tam giới (gồm dục giới, sắc giới, vô sắc giới) thì lại càng khó “rời xa” hơn - nếu ta chưa hoàn toàn rời xa ngôi “nhà phiền não”. Nhưng đừng bao giờ lùi bước. Vì càng vượt qua nhiều gian khó thì ta càng hưởng được nhiều hạnh phúc, an lạc vô cùng.

           Tôi nhận ra rằng, 25 năm, 30 năm hay cả đời tu sửa (lòng mình) cũng đâu phải là “thời gian dài” so với “tuổi đời” của trái đất, lại càng chẳng thấm vào đâu so với vòng luân hồi sinh tử...

             (Nhuận Thường)

Ý kiến của bạn