Bánh của mình được làm bằng gạo nếp và đậu xanh. Bánh được gói trong lá chuối hoàn toàn organic. Theo tục lệ thì phải luộc 10 giờ đồng hồ bánh mới chín. Thường thì người ta luộc vào đêm giao thừa, tức là đêm ta thức suốt cho tới khi năm mới đến.
Hôm nay chúng ta sẽ học gói bánh chưng. Bánh chưng là một món ăn ngày Tết của người Việt Nam. Bánh chưng có một lịch sử rất hay từ đời vua Hùng Vương thứ hai. Có tất cả 18 vua Hùng nối tiếp nhau. Vua Hùng Vương đầu tiên có tới 22 người con trai, một trong 22 người con đó sẽ được làm vua Hùng thứ hai. Vua Hùng Vương thứ hai xuất thân từ một vị hoàng tử nghèo, tuy là con vua nhưng không được ở trong cung điện, vừa mới lớn lên thì mẹ mất. Các con trai của vua Hùng được gọi là Quan Lang. Lâu lâu vua Hùng triệu tập tất cả các Quan Lang lại để dạy bảo phải sống như thế nào để tiếp nối được nét đẹp văn hóa của tổ tiên. Một ngày sắp Tết vua Hùng triệu tập 22 vị Quan Lang lại và nói:
– Tết này mỗi người con trai của ta phải chuẩn bị một món ăn để dâng lên tổ tiên chúng ta. Đến ngày cúng tổ tiên các con phải mang tới phẩm vật mà chính tay các con chuẩn bị để chứng tỏ lòng thành kính của các con đối với tổ tiên. Sau đó chúng ta ngồi xuống như một gia đình để cảm thấy sự có mặt của nhau.
Ngày Tết là một ngày mà ta có cơ hội tiếp xúc với tổ tiên để dâng lên tổ tiên niềm biết ơn của mình. Nếu cây có gốc rễ, nếu sông có nguồn thì con người cũng có tổ tiên, vì vậy ngày Tết là cơ hội để ta tiếp xúc với tổ tiên của mình. Cách tiếp xúc hay nhất là chúng ta quy tụ lại rồi dâng lên tổ tiên những thức ăn mà mình chuẩn bị bằng tất cả trái tim của mình. Các con mỗi người phải chuẩn bị một món, hôm đó ta sẽ nhìn vào các món để thấy tâm của các con như thế nào. Ta sẽ chọn một người trong số các con để nối tiếp ta làm vua Hùng thứ hai.
Quan Lang này nghe tin đó rất buồn, nghĩ rằng những người anh của mình giàu sang, họ có thể làm ra những món ăn rất cầu kỳ, quý giá. Còn mình nghèo như vậy thì làm sao bày biện ra một món ăn để được chọn lựa? Nghĩ như vậy nên vị Quan Lang này tính bỏ cuộc, không tham dự vào cuộc thi. Nhà nghèo, không đủ chi dụng trong đời sống hàng ngày thì làm gì có thể tranh đua với những anh khác. Nhưng đêm đó, trong một giấc mơ Quan Lang thấy mẹ hiện về nói:
– Con đừng nên có thái độ bỏ cuộc như vậy. Con hãy nhìn lên trời tròn, con hãy nhìn xuống đất vuông. Từ trời đất con có thể tìm ra được món quà con có thể dâng cúng lên tổ tiên. Nếu nhìn kỹ trời tròn đất vuông con sẽ thấy được những tư liệu có thể sử dụng để làm ra một phẩm vật dâng lên tổ tiên để chứng tỏ lòng hiếu thảo của mình. Còn nếu con không làm thì con không có phương tiện để chứng tỏ lòng hiếu thảo và biết ơn của mình.
Tới đó thì vị Quan Lang này tỉnh dậy, đi ra ngoài nhìn lên trời, nhìn xuống đất. Tự nhiên anh ta có ý là mình sẽ làm ra hai thứ bánh để cúng dường lên tổ tiên, một thứ bánh hình tròn làm bằng gạo nếp và một thứ bánh hình vuông làm bằng gạo nếp và đậu xanh. Điều hay là những vật liệu được sử dụng rất là dễ tìm. Không chỉ người giàu mới tìm ra vật liệu cần thiết mà tất cả người dân, dù nghèo cách mấy cũng có thể tự cung cấp cho mình, tức là gạo nếp và đậu xanh.
Bánh hình tròn tượng trưng cho trời gọi là bánh dày. Bánh hình vuông tượng trưng cho đất gọi là bánh chưng. Anh chàng đã có ý kiến và có khả năng làm ra bánh đó. Một bên thì nấu xôi, giã ra và nắn thành một mảnh hình tròn tượng trưng cho trời. Một bên thì ngâm nếp cho mềm, nấu đậu cho nhuyễn, cuốn đậu vào nếp và gói thành bánh hình vuông tượng trưng cho đất. Dâng cúng tổ tiên hai thứ bánh như vậy là dâng cúng trí tuệ của mình và không phải chỉ có người giàu mới dâng cúng được mà tất cả người dân đều có thể tỏ bày lòng thành kính của mình đối với tổ tiên. Hai phẩm vật đó có ý nghĩa rất hay: một là nó tượng trưng cho trời đất, hai là tượng trưng cho khả năng có thể tỏ lộ lòng hiếu kính đối với tổ tiên của tất cả mọi người.
Ngày hôm đó anh ta đã thực hiện được hai thứ bánh đó. Ban đêm anh nằm mơ thấy mẹ cười thật tươi nói:
– Con đã làm đúng!
Đến ngày Tết anh ta mang bánh chưng và bánh dày tới mà không có mặc cảm vì anh ta biết rằng mình có tuệ giác, mình có phương tiện của mình. Tuy mình không mặc áo đẹp, tuy mình không giàu sang nhưng mình có tâm và trí tuệ của mình.
Sau khi đi thăm qua tất cả các món sơn hào hải vị của các Quan Lang và tới chỗ bánh chưng bánh dày thì vua Hùng thứ nhất rất ấn tượng khi thấy bánh hình tròn và bánh hình vuông. Vua hỏi vị nào đã làm hai thứ bánh đó. Vị Quan Lang này tới trình bày cho vua biết mình làm bánh hình tròn tượng trưng cho trời, bánh hình vuông tượng trưng cho đất bằng những vật liệu rất đơn giản vì muốn dân chúng trong nước ai cũng có thể tỏ lộ được lòng biết ơn đối với tổ tiên. Vua Hùng nghe rất đắc ý, rất cảm động nhưng vua không nói ra. Một tháng sau lễ Tết vua tuyên bố người thừa kế ngôi vua là vị Quan Lang nghèo, tác giả của hai thứ bánh dày và bánh chưng. Từ đó về sau vua ra lệnh mỗi ngày 23 tháng chạp thì các Quan Lang phải tụ hợp lại như một gia đình và tập làm bánh dày và bánh chưng.
Bánh của mình được làm bằng gạo nếp và đậu xanh. Bánh được gói trong lá chuối hoàn toàn organic. Theo tục lệ thì phải luộc 10 giờ đồng hồ bánh mới chín. Thường thì người ta luộc vào đêm giao thừa, tức là đêm ta thức suốt cho tới khi năm mới đến. Tất cả mọi người đều quay quần chung quanh bếp lửa, ca hát, trao đổi và chuyện trò với nhau để xây dựng tình huynh đệ, để có cảm tưởng mình cùng là một gia đình. Đó là cách thức ăn Tết của người Á đông: gói bánh chung, nấu bánh chung, thức đêm quanh nồi bánh chưng đang sôi và luôn đưa củi vào cho tới khi bánh chín. Khi bánh chín vớt ra thì cái đầu tiên phải được dâng lên bàn thờ tổ tiên, và tất cả mọi người đều lạy xuống để tỏ bày lòng thành kính của mình đối với tổ tiên. Đó là cách ăn Tết của người Việt Nam còn giữ lại mấy ngàn năm. Và hôm nay chúng ta ăn Tết như vậy cho vui.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh