Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước
Nguồn: Thích Không Tú, TC Nghiên cứu Phật học, số tháng 5/2016, tr.24-27.
Với tinh thần từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha từ ngày du nhập vào Việt Nam cho đến nay đã hơn hai ngàn năm, Phật giáo đã trở thành một phần không thể thiếu trong nên văn hóa dân tộc. Đồng thời lịch sử cũng đã chứng minh mối quan hệ keo sơn, khắn khít giữa Phật giáo và dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và tầm ảnh hưởng ngày càng lớn đến các lĩnh vực đời sống xã hội. Điều này đã được đề cập trong nhiều nghiên cứu của các tác giả như: Nguyễn Lang (Việt Nam Phật giáo sử luận), Nguyễn Đức Lữ (Tôn giáo với dân tộc và Chủ nghĩa xã hội), Hoàng Thị Thơ (Đạo đức Phật giáo với vấn đề xây dựng nhân cách con người Việt Nam), Nguyễn Duy Hinh (Mấy đặc điểm Phật giáo Việt Nam), Nguyễn Tấn Đạt (Tìm hiểu một số đặc điểm của Phật giáo trong hệ thống tôn giáo Việt Nam), Phạm Đình Liên (Hồ Chí Minh với Phật giáo Việt Nam), Quách Thanh Tâm (Phật giáo và con người Nam Bộ từ đầu thế kỷ XX), Thích Thanh Tứ (Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay), Lê Hữu Tuấn (Một số vấn đề của Phật giáo Việt Nam trong đời sống hiện nay), Trần Thị Kim Oanh (Vị thế của Phật giáo trong văn hóa Việt Nam), Đinh Kiều Nga (Những ảnh hưởng của Phật giáo với văn hóa dân tộc), Trần Thị Minh Nga (Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc), Nguyễn Văn Long (Phật giáo Việt Nam 30 năm thành lập và truyền thống Hộ quốc An dân),…
Trong thời kỳ Bắc thuộc, từ tinh thần nhập thế đã đưa đồng bào Phật giáo cùng với quần chúng nhân dân đứng lên chống lại ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ bờ cõi đất nước. Thời bấy giời, sự học hành của người dân bị hạn chế do sự hà khắc của chế độ phong kiến, khi đó chùa chiền không chỉ mang yếu tố tâm linh mà còn là nơi diễn ra việc chữa bệnh, dạy chữ, sinh hoạt văn hóa của nhân dân làng xã và khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức độc lập quốc gia trong người dân.
Cũng thời kỳ này, xuất hiện tên tuổi nhiều vị thiền sư, quốc sư có công giúp chính sự cho nhà vua trong việc cai trị quần chúng và đối ngoại với các nước lân cận. Có thể kể đến như Thiền sư Ngô Chân Lưu có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng lập nên nước Đại Cồ Việt và được vua phong làm Khuông Việt Thái sư. Thời tiền Lê có thiền sư Đỗ Pháp Thuận, đặc biệt Thiền sư Vạn Hạnh có công rất lớn đối với hai triều đại Tiền Lê (Lê Đại Hành) và nhà Lý (Lý Công Uẩn). Đến triều đại nhà Trần thì Thiền sư Trúc Lâm có công chỉ cho vua Trần Thái Tông thấy được nhiệm vụ, bổn phận đạo làm vua, thuyết phục vua trở về chấp chính khi vua muốn đi tu. Bên cạnh đó, còn có các thiền sư Đa Bảo, Viên Thông, Tuệ Trung Thượng Sĩ cũng làm rạng danh Phật giáo. Vua Trần Nhân Tông sau khi lãnh đạo nhân dân đánh tan giặc Nguyên-Mông đã nhường ngôi lại cho con trai và đi tu ở núi Yên Tử, trở thành vị tổ sư đầu tiên sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (thiền phái duy nhất mang hệ tư tưởng Việt Nam), được người đời tôn là Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Nhờ những đóng góp của Phật giáo mà các triều đại nhà Lý – Trần đã chọn tôn giáo này làm quốc giáo, làm hệ tư tưởng thống trị của mình, góp phần đem lại cho giai cấp cầm quyền một đường lối cai trị bằng từ bi và hướng thiện. Nỗi bật là các tư tưởng tiến bộ như khoan dung, độ lượng, chia sẻ; giáo hóa dân chúng bằng chính sách nhân văn đưa lại thái bình cho dân tộc.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đến quốc Mỹ, Phật giáo luôn ủng hộ đường lối chính sách của Đảng - Nhà nước và có những hoạt động cụ thể đóng góp cho cách mạng. Nhiều chùa chiền là cơ sở, nơi che giấu những nhà cách mạng. Đông đảo Phật tử kể cả tại gia tham gia tích cực sự nghiệp kháng chiến giành độc lập, thống nhất nước nhà đi đến thắng lợi cuối cùng. Nhiều tu sĩ đã tạm gác việc tu hành chốn thiền môn trực tiếp cầm súng tham gia cách mạng như: Hòa thượng Thiện Chiếu, Hòa thượng Minh Nguyệt, Hòa thượng Thiện Hào, Hòa thượng Thế Long… trong đó có nhiều người đã hy sinh anh dũng vì nền độc lập của dân tộc. Đặc biệt sự kiện ngọn lửa “vị pháp thiêu thân” của Hòa thượng Thích Quảng Đức ngày 11/6/1963 đã thắp sáng lương tri toàn thế giới, kêu gọi thế giới ủng hộ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Trong xã hội hiện nay, cùng với xu thế hội nhập của đất nước, Phật giáo Việt Nam tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội bằng các hoạt động giao lưu quốc tế, vận động hòa bình, đối nội, đối ngoại… Đại bộ phận Tăng ni, Phật tử thực hiện nếp sống đạo đức văn hóa, ích nước, lợi dân, trở thành những người tiêu biểu, gương mẫu, là chỗ dựa đáng tin cậy trong quần chúng nhân dân. Phật giáo đã có những thành tựu đáng kể về công tác từ thiện cũng như quảng bá hình ảnh Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Một học giả đã nhận định: “Nếu trước kia những người Phật tử bằng đánh giặc cứu nước mà đi đến giác ngộ, thì ngày nay để đi đến giác ngộ họ cần phải tham gia tích cực vào công cuộc đổi mới, phục hưng đất nước, vào sự nghiệp “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”. Phải lấy nguyện vọng, ham muốn của toàn Đảng toàn dân làm nguyện vọng, ham muốn của mình bằng những hành động thiết thực cụ thể” ([1]).
Trong xu thế vận hành của dân tộc, Phật giáo không ngừng khẳng định, phát triển để xứng đáng là tôn giáo lớn của cả nước, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào Phật giáo và cả người dân không có tôn giáo. Có được điều này là do: Những giá trị nhân văn sâu sắc cùng những giá trị văn hóa đạo Phật đã ảnh hưởng tích cực đến quan niệm, tư tưởng, đạo đức, lối sống của nhân dân; Những yếu tố về mặt lịch sử hình thành, phát triển của dân tộc giúp Phật giáo trở thành tôn giáo luôn đồng hành, phục vụ thiết thực cho sự phát triển đó; Sự đa dạng về các hệ phái Phật giáo với các đường hướng hành đạo đặc thù cũng là yếu tố đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của Phật tử và nhân dân; Xu thế thế tục hóa, hướng vào việc phục vụ đời, nhập thế làm không khí đời sống Phật giáo thêm phần sôi động; Và cuối cùng đó là chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ngày càng cụ thể và có phần khích lệ những điều tốt đẹp có trong giáo lý tôn giáo tạo thuận lợi cho Phật giáo phát triển.
Dân tộc ta từ ngày dựng nước đến nay đã trải qua bao lần thăng trầm, biến động lịch sử và xuyên suốt tiến trình đó Phật giáo luôn khắn khít, keo sơn cùng vận mệnh quốc gia, dân tộc. Thời kỳ nào đất nước hòa bình, phồn vinh thì Phật giáo phát triển, đất nước nô lệ, suy yếu thì Phật giáo cũng suy tàn. Thế nên, Bác Hồ khẳng định: “Nước có độc lập thì đạo Phật mới dễ mở mang”([2]). Đối với với con người Việt Nam, Phật giáo đã góp phần hoàn thiện đạo đức cá nhân, lành mạnh hóa quan hệ xã hội, hình thành phong cách, lối sống thuần hậu bao dung. Có thể nói, thái độ ứng xử và giá trị tư tưởng, triết lý của Phật giáo đã hòa quyện với truyền thống văn hóa dân tộc, trở thành di sản, bản sắc quý báo của dân tộc Việt Nam.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của Phật giáo đối với lịch sử dân tộc Việt Nam, chúng tôi xin mượn câu nói của một vị lãnh tụ cao cấp nước ta để kết thúc bài viết tại đây và mọi người cùng suy ngẫm. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đương thời là Chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng nước Cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, trong buổi tiếp chư Tôn đức Đại biểu Đại hội hiệp thương thống nhất các tổ chức hệ phái Phật giáo Việt Nam thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (từ ngày 4-11 đến 7-11-1981) tại Phủ Chủ tịch ở thủ đô Hà Nội, Ông thay mặt Đảng và Nhà nước trân trọng phát biểu: “Phật Giáo Việt Nam đã góp phần làm sáng ngời lý tưởng của dân tộc và trưởng thành cùng dân tộc… Trong quá khứ, Phật giáo Việt Nam đã gắn chặt với dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Lịch sử đã xác nhận Phật giáo Việt Nam là một tôn giáo, từ bản chất, bản sắc, từ trong thực tiễn hoạt động của mình, biểu hiện truyền thống yêu nước, gắn bó chặt chẽ với dân tộc, với Tổ quốc. Trong sự nghiệp cách mạng cao cả của dân tộc ngày nay, Phật giáo đã góp phần xứng đáng. Đối với Việt Nam, nói đến tôn giáo là người ta nghĩ ngay đến đạo Phật, đến các việc làm quý báu, đẹp đẽ của Tăng Ni, Phật tử. Đạo Phật ở Việt Nam đã mang màu sắc dân tộc Việt Nam rõ rệt. Có thể nói rằng Phật giáo Việt Nam đã góp phần làm sáng ngời lý tưởng của dân tộc và trưởng thành cùng dân tộc”([3]).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Viện thông tin khoa học và Trung tâm khoa học về tín ngưỡng và tôn giáo (1997), Những đặc điểm cơ bản của một số tôn giáo lớn ở Việt Nam, Thông tin chuyên đề, Hà Nội, tr.112.
[2] Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.197.
[3] http://vncphathoc.com/bai-nghien-cuu/phat-giao-viet-nam-da-gop-phan-lam-sang-ngoi-ly-tuong-cua-dan-toc-va-truong-thanh-cung-dan-toc/