Là một người con sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, với tôi, mảnh đất này thân thương và gần gũi như một phần máu mủ, ruột thịt của chính mình.
Và tôi tin rằng không chỉ riêng tôi, mà với bất cứ những ai, sinh ra và lớn lên tại đây hay chịu sự cưu mang của Sài Gòn thì đều thấm nhuần “chất Sài Gòn” trong từng góc nhỏ của tâm hồn. Để từ đấy ảnh hưởng, hình thành nên tính cách con người Sài Gòn - đầy khảng khái và hào sảng.
Nhiều người nói rằng, Sài Gòn - TP.HCM là mảnh đất địa linh, vì ít khi bị thiên tai như các tỉnh thành khác của cả nước. Thế nhưng, hai tháng vừa qua, Sài Gòn đang oằn mình chống chọi với làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19.
Theo Chỉ thị số 16 của Chính phủ, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội. Chưa bao giờ, Sài Gòn lại trở nên yên ắng đến thế. Từ một thành phố năng động nhất cả nước, thế mà giờ đây, Sài Gòn buồn hiu hắt, đường phố vắng hoe, mọi hoạt động thương mại, buôn bán đều bị đình trệ. Hàng ngàn mảnh đời nằm trong vòng tay bao bọc của Sài Gòn cũng vì thế mà bị liên đới. Nhưng có lẽ, tầng lớp lao động bình dân, những người phải chạy ăn từng bữa là chịu tác động nặng nề nhất từ đợt dịch này.
Đứng trước những hình ảnh như vậy, hình bóng Tăng Ni, những người con Phật mang hạnh nguyện lợi tha đã không khỏi chạnh lòng.
Biết bao lần trong lịch sử, hình ảnh áo nâu của chư Tăng Ni đã hòa mình vào dòng chảy của lịch sử của dân tộc, gắn liền với tinh thần “hộ quốc an dân”. Những tấm gương của Thiền sư Vạn Hạnh, Bồ-tát Thích Quảng Đức hay Thiền sư Thích Nhất Hạnh... mãi là tấm gương sáng chói cho việc mang ánh sáng, lòng từ bi của đạo Phật đi vào đời. Trong thời chiến, hình ảnh “cởi cà-sa khoác chiến bào” của bao vị xuất gia đã góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc. Nay thời bình, nhưng trước cuộc chiến đấu với đại dịch, cũng không ngăn cản được sự dấn thân của các Tăng Ni trẻ vào những chốn nguy nan.
Mặc dù đang trong thời điểm An cư kiết hạ, thời khóa công phu có phần nghiêm ngặt hơn lúc bình thường, nhưng chư Tăng Ni và Phật tử vẫn sẵn sàng lăn xả vào các chương trình thiện nguyện để giúp đỡ người dân trong lúc khó khăn. Những "cây ATM gạo”, những “phiên chợ 0 đồng” của các chùa đã đem đến cho những người nghèo khổ chút gạo, chút rau, để người dân chống chọi trong mùa đại dịch.
Tình cảm ấy còn được chuyên chở qua từng hộp cơm nhỏ, mà quý Thầy, quý Sư cô chuẩn bị từ tờ mờ sáng, phân phát vào từng khu phố bị cách ly hay những bệnh viện dã chiến, gói gọn cả hơi ấm của tình yêu thương, đong đầy được năng lượng bình an, sự cảm thông và chia sẻ của người con Phật với những người dân đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Không dừng lại ở đó, theo lời hiệu triệu, chư Tăng Ni đã tạm gác lại chuông mõ sớm chiều, hăng hái đi vào tâm dịch để hỗ trợ cho các bệnh viện dã chiến. Đây thật sự là một hình ảnh đẹp, mang nội hàm của sự từ bi cao tột.
Đọc được những lời tâm sự của sư cô Nhuận Bình - một vị Ni tham gia hỗ trợ tại một bệnh viện dã chiến, mới thấy rằng mỗi một giây phút trải qua nơi ấy là một cuộc chiến đấu sinh tử. Bóng dáng Tăng Ni trong những bộ đồ bảo hộ xuất hiện nơi tuyến đầu là một minh chứng hùng hồn cho thệ nguyện độ tha không mệt mỏi củ hàng ngũ xuất gia. Vì tất cả đều biết rằng phục vụ chúng sanh chính là sự cúng dường chư Phật tối thắng nhất.
Và ở hậu phương, hằng đêm, tất cả các chùa cũng đều gửi gắm năng lượng từ bi của mình qua từng lời kinh tiếng kệ bằng việc trì tụng kinh Dược sư. Mong rằng với tấm lòng lân mẫn này, có thể góp phần tiếp sức cho nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Sài Gòn - TP.HCM nói riêng đẩy lùi được dịch bệnh.
Xin gửi những lời chúc an lành nhất tới những huynh đệ của tôi nơi tuyến đầu tâm dịch - những “Bồ-tát vô uý” đã làm đẹp thêm hình ảnh chiếc áo người tu và trọn vẹn được lời ước nguyện “thệ độ nhất thiết nhân” cho tới khi viên thành đạo quả.
“Sau cánh cửa chùa chúng tôi là tu sĩ
Chiếc y vàng gởi giấc mộng thoát kiếp trầm kha
Chuông mõ lời kinh sớm tối ngân vang
Cơm cháo dưa rau, giản đơn màu áo nâu sòng đạm bạc
Nhưng khi Tổ quốc cần, chúng tôi là chiến sĩ.
Xếp lại y vàng khoác áo trắng y vương
Vào chốn dịch, hành trang chỉ có sự yêu thương
Với đôi tay Từ bi - xoa dịu những cơn đau, bệnh tật
Hạnh nguyện Dược sư theo chúng tôi trong từng bước chân, hơi thở.
Thấy người bình an là cả một hạnh phúc tuyệt vời
Những Bồ-tát vô uý nơi tuyến đầu đầy hiểm nguy thử thách
Rót giọt nước Thanh Lương dập tắt bao hiểm nguy nạn ách
Cố gắng lên! Những người con trai, con gái của Đức Như Lai
Vì tuổi thanh xuân chỉ một lần sục sôi trong trái tim người xuất sĩ
Nhưng hương thơm người độ đời tỏa ngát khắp ngàn sau”.
Đức Kiên