Người xuất gia và vương quyền

Thứ bảy, 25/05/2019, 07:51 GMT+7

Người xuất gia và vương quyền

Nhìn từ lễ lên ngôi của tân vương Thái Lan

 

2a
      Vào ngày 4 tháng 5 năm 2019 vừa qua tại Thái Lan, Vua Rama Đệ Thập lên ngôi Hoàng Đế cũng đã để lại một sự kiện có liên quan đến Phật Giáo và nhất là việc làm lễ Quán Đảnh cũng như cúng dường chư Tăng trong cung điện Hoàng Gia Thái Lan, là một điều đặc biệt nên đề cập đến để đời sau có người tìm lại sử liệu ngày xưa, có được nhân duyên để nghiên cứu về một đất nước có truyền thống theo Phật Giáo Nam Tông, nhưng cũng đã có sự hiện hữu của Bà La Môn Giáo trong Đại Lễ nầy.

      Lễ Thánh tẩy thân tâm hay lễ Quán Đảnh phát nguồn từ Ấn Độ và sau đó là Phật Giáo. Có lẽ Thái Lan nằm gần Ấn Độ, nên cũng không phải là không ảnh hưởng ít nhiều tục lệ nầy khi Vua Chúa lên ngôi. Vì người Ấn Độ theo Tôn Giáo Bà La Môn luôn dùng nước sông Hằng để gội rửa thân dơ và họ quan niệm rằng sông Hằng là con sông thiêng, nếu ai tắm gội được trong dòng sông nầy thì mọi tội lỗi đều xả bỏ, dứt sạch.

      Trong lễ Đăng quang của Vua Rama Đệ Thập, đầu tiên là một vị Giáo Sĩ của Bà La Môn quỳ xuống trước Vua dâng lên bình nước sạch được múc từ nhiều con sông trong nước Thái Lan, đoạn nhà Vua lấy hai tay hứng nước và xoa lên đầu mình.

      Kế tiếp một trong nhiều vị Sư Trưởng Lão mang một bình nước xối lên sau lưng của Đức Vua, sau đó vị Trưởng Lão nầy đi đến trước mặt Vua (không quỳ) đưa bình nước lên và nhà Vua đưa hai tay ra để đỡ lấy nước được rót ra từ bình của vị Trưởng Lão nọ.

      Kế đến là Hoàng Tộc cả nam lẫn nữ, đặc biệt chỉ có những người lớn tuổi mới được vinh dự nầy.

      Nhà Vua mặc đồ màu trắng, giống như hình thức của một Cư Sĩ tại gia.

      Sau khi làm lễ Thánh tẩy rồi Vua và Hoàng hậu được di chuyển về chùa Phật Ngọc để dự lễ đăng quang.

      Trong lễ đăng quang nầy, có 80 vị Sư được xếp ngồi bên trái từ ngoài hướng vào và Hoàng tộc cũng như những người quan trọng được mời, ngồi chứng kiến ở gian giữa.

      Khi nhà Vua bước lên Điện Phật để lễ bái cầu nguyện thì tất cả Hoàng tộc và các vị Đại thần đều phải đứng lên nghênh tiếp Vua, trong khi đó chư Tăng vẫn ngồi.

      Điều nầy chứng tỏ rằng Vương quyền vẫn nằm dưới ánh sáng của Phật Pháp, chư Tăng nắm giữ vị trí làm Thầy như Ngài Huệ Viễn bên Trung Hoa thuộc Phật Giáo Đại Thừa đã tuyên bố rằng: ”Người xuất gia vốn như khách bên ngoài thế gian nầy….

      Rõ ràng là như vậy. Người xuất gia không bận bịu với thê triền tử phược, không bị trói buộc bởi thế quyền, muốn đi đâu thì đi, muốn ở đâu thì ở, luôn sống với một cuộc đời “độc cư nhàn cảnh” là vậy.

      Khi Vua và Hoàng Hậu ngồi đối diện với cận thần và Hoàng tộc, thì một vị Trưởng Lão tiến ra phía trước đốt đèn để cầu nguyện và sau khi chư Tăng hiện diện tụng xong bài Kinh bằng tiếng Pali ngắn gọn, thì cây đèn cầy ấy được tắt và vị Trưởng Lão kia trở về lại vị trí cũ để ngồi.

      Những người hầu cận lần lượt mang lễ vật cúng dường lên chư Tăng, nhà Vua đích thân rời ngai vàng đi xuống cúng dường cho 8 vị Trưởng Lão đại biểu, trong khi các Ngài vẫn ngồi để nhận lễ vật và sau đó những vị còn lại tiến đến trước Vua để Vua cúng dường lên chư Tăng.

      Ngày hôm sau, 5 tháng 5 năm 2019 nhà Vua được Thủ tướng và các vị cận thần cũng như Công Chúa đương triều đứng chờ phía trước một đồ hình gồm tám góc, giống như Bát Chính Đạo và từ đây những bảo vật của Hoàng Gia tượng trưng cho uy quyền của một bậc quân vương được các cận thần dâng lên như: Vương miện, kiếm, quạt, đôi hia nạm ngọc v.v…

      Giờ nầy Rama Đệ Thập mới chính thức là một nhà Vua thực sự và đã được những thanh niên lực lưỡng thay nhau khiêng kiệu đi bộ đến ba ngôi chùa trong Hoàng Thành, để nhà Vua lễ bái nguyện cầu trong vòng 7 cây số.

      Tại những ngôi chùa nầy Vua Rama Đệ Thập của Thái Lan chính thức tuyên bố với thần dân là: Trẫm dùng uy quyền để trị nước theo chính nghĩa, cũng như bảo hộ Phật Giáo và thần dân của Trẫm”.

      Tuy bên Nam truyền không quảng bá tinh thần Lục Độ Vạn Hạnh như Bắc truyền gồm: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ, nhưng bên Nam truyền cũng đã áp dụng ba trong sáu điều nầy. Đó là: Bố thí, Trì giới và Thiền định. Đây là ba điều căn bản của Phật Giáo Nam truyền.

      Ngày nay khi Phật Giáo Nam truyền được truyền sang Âu Mỹ, nhưng ở đây có phần đảo ngược lại là: Thiền Định đi đầu, sau đó mới đến Trì giới và Bố thí.

      Nhìn chung một lễ đăng quang như vậy của thế kỷ thứ 21 nầy đã gợi lại cho chúng ta thấy được ảnh hưởng của Đạo Phật thật là không nhỏ với dân chúng Thái Lan.

      Họ ở cách nước Việt Nam của chúng ta chẳng bao xa, nhưng tinh thần đạo đức của họ vẫn còn giữ lại hầu như nguyên vẹn, và Phật Giáo chính là một chất liệu dưỡng sinh cho hơn 70 triệu người dân Thái, dưới sự trị vì của Đức Vua Rama Đệ Thập nầy.

      Chúng ta cũng nên góp lời cầu nguyện cho đất nước ấy luôn mãi bình yên để Phật Giáo được phát triển và từ đó dân chúng sẽ được sống thái bình, như trong hai lần đệ nhất (1914-1918) và đệ nhị (1939-1945) thế chiến vừa qua, trong khi Á Âu đều bị đổ nát qua nhiều lằn ranh lửa đạn của chiến tranh và hận thù, nhưng Thái Lan vẫn an bình, không bị chiến tranh chi phối và vì thế người dân Thái không bị kéo vào quỹ đạo của hận thù, cấu xé lẫn nhau.

      Nguồn: phattuvietnam.net

Ý kiến của bạn