/

Myanmar: Vị sư bảo vệ môi trường & cưu mang người nghèo

Thứ sáu, 23/10/2020, 21:46 GMT+7
     GN - Sư Sayadaw U Ottamasara - nhà hoạt động xã hội được người dân Myanmar kính trọng vì hạnh nguyện nhập thế phụng sự chúng sanh, biểu hiện một cách sinh động qua những hoạt động từ thiện xã hội thiết thực dành cho người cơ nhỡ và các loài động vật bị bỏ rơi trên khắp đất nước này.
 
2b.jpg
Nhà sư và các tình nguyện viên xử lý rác thải nhựa tại chùa
 
     Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành và làm thay đổi nghiêm trọng cuộc sống thường nhật của hàng triệu con người trên thế giới và tại Myanmar, sư Ottamasara vẫn chú trọng đến việc bảo vệ môi trường sống, cụ thể là hoạt động xử lý và tái chế rác thải nhựa đang ở mức báo động tại địa phương.
 
     Khi rác thải trở thành vật phẩm cúng dường…
 
     “Ngày càng có nhiều rác nhựa bị ném ra đường trong thời gian dịch bệnh này. Nếu chúng tôi kêu gọi người dân cúng dường chai nhựa đã qua sử dụng, họ sẽ giữ các phế phẩm này sạch sẽ. Sau đó, nhà chùa có thể biến chúng thành vật chứa thực phẩm cho chư Tăng khi khất thực - vừa tiết kiệm tiền của vừa phần nào giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa tràn lan như hiện nay”.
 
     Đây là chia sẻ của sư với Thông tấn xã Reuters sau khi chứng kiến “các loại chai nhựa, túi nylon và rác thải nhựa khác chất đống thành núi” trên đường đi khất thực mỗi buổi sáng, xung quanh Trung tâm Thiền Thabarwa - trú xứ của sư, nơi diễn ra nhiều chương trình tu học cho người dân cả nước.
 
1.png
Người dân "cúng dường" các chai nhựa đã qua sử dụng
 
     Theo đó, ngoài vật thực, người dân có thể “cúng dường các chai nhựa đã qua sử dụng, túi nylon và các loại rác thải nhựa khác” đến chư Tăng Trung tâm Thiền Thabarwa. Các chai nhựa sau khi thu nhận, một số được vệ sinh sạch sẽ và trở thành vật chứa thực phẩm khất thực của các nhà sư. Bên cạnh đó, người dân có thể làm đầy các chai nhựa không sử dụng nữa bằng các loại rác nhựa khác như vỏ bọc thuốc tây, túi nylon, các mẩu nhựa nhỏ,… rồi cúng dường trực tiếp khi các nhà sư đi bát mỗi sáng hoặc mang đến xưởng tái chế của trung tâm vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày.
 
     Lời kêu gọi “cúng dường rác thải nhựa” sau khi phát đi đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân trong vùng và các khu vực lân cận. Mỗi ngày, chư Tăng và nhóm thiện nguyện của trung tâm tiếp nhận hàng ngàn chai nhựa.

     Thống kê của các chuyên gia cho thấy, duy chỉ tại thành phố Yangon, mỗi ngày có khoảng 2.500 tấn rác nhựa; phần lớn số rác này được thải trực tiếp ra môi trường hoặc thiêu hủy. Hiện nay, hoạt động tái chế rác của chính quyền địa phương không được tiến hành thường xuyên và kém hiệu quả. Do vậy, nỗ lực trên của sư Ottamasara và chư Tăng tại trung tâm có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với môi trường sống của người dân nơi đây.
 
     Tại Trung tâm Thiền Thabarwa - với diện tích 3,6ha, nhiều xưởng tái chế được ra đời và liên tục xử lý nguồn rác thải nhựa không ngớt đổ về trung tâm hàng ngày. Theo sư Ottamasara, khoảng 200.000 chai nhựa (tương đương 2 tấn rác thải nhựa) được tái chế tại trung tâm trong suốt 3 tháng qua và giúp tiết kiệm đến 10.000USD, kể từ khi chương trình được vận hành, với sự chung tay của cộng đồng.
 
1c.png
Các chai nhựa được kết lại với nhau, làm thành các tấm chắn dã chiến và xây vách trong khuôn viên chùa
 
1d.png
Chai nhựa và rác thải nhựa được chèn đầy vào các vỏ xe cũ
 
1e.png
và được sử dụng trong xây dựng dân dụng tại địa phương
 
     Đặc biệt, rác thải nhựa được tái chế phục vụ cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau như chế tạo các tấm che nắng dã chiến; vỏ xe cũ được làm đầy bằng các chai nhựa chứa rác thải nhỏ bên trong, trộn với xi-măng trở thành vật liệu xây dựng dân dụng ở chùa và địa phương.
 
     Nơi nương náu của những chúng sanh bất hạnh
 
     Sư Sayadaw Ottamasara thành lập Trung tâm Thiền Thabarwa (tại thị trấn Thanlyin, ngoại ô thành phố Yangon) vào năm 2008, hướng dẫn thiền tập cho Phật tử địa phương và tổ chức các khóa tu thiền cho người dân cả nước. Cũng tại nơi đây, vị sư trụ trì cung cấp chỗ ở miễn phí, lâu dài cho các hành giả, người cao tuổi không có nhà ở hoặc bị gia đình bỏ rơi trên toàn lãnh thổ Myanmar. Đến nay, ngoài chư Tăng và các thiện nguyện viên, trung tâm cưu mang khoảng 3.000 người vô gia cư, trong đó có người cao tuổi và người mắc bệnh mãn tính.
 
     Sau khi đề đạt nguyện vọng mở rộng diện tích xây dựng nơi tu học cho người dân, cùng sự đồng hành của mạnh thường quân, sư Ottamasara đã kiến thiết thêm hai trung tâm thiền tập mới tại khu vực Ayeyarwady (phía Đông thành phố Yangon) và hàng chục trung tâm thực hành khác khắp Myanmar. Nhà sư cũng thành lập một ngôi làng rộng 73ha, mang tên Saytanar (làng “Hạnh phúc”) - là nơi cộng trú của 500 hộ gia đình nghèo khó, không nơi an cư. Ngôi làng này nằm gần Trung tâm Cưu mang động vật Thabarwa (rộng 52,5ha trên dãy núi Bago Yoma, cách Yangon 45km về phía Đông bắc), cũng do nhà sư Ottamasara sáng lập và điều hành từ năm 2016 nhằm cung cấp chỗ trú ngụ an toàn cho các động vật vô chủ, bị bỏ rơi không giới hạn về số lượng và điều kiện sức khỏe khi được thu nhận. Tại đây, các động vật được cho ăn uống, tiêm chủng định kỳ và chăm sóc y tế cần thiết.
 
     Khu bảo tồn đặc biệt này từng chăm sóc hơn 2.000 con chó không được thừa nhận và thả rông ngoài đường phố vào năm 2018. Cũng theo thống kê cùng năm của Chính phủ Myanmar, mỗi năm nước này có khoảng 1.000 người chết do bệnh dại - là một trong những đất nước có tỷ lệ tử vong do bệnh dại cao nhất thế giới. Theo đó, hoạt động của Trung tâm Cưu mang động vật Thabarwa phần nào giảm thiểu đe dọa về bệnh dại và nguy cơ chó dữ tấn công đối với người dân thị trấn này.
 
     Trong tinh thần từ bi, nhà sư luôn hướng tâm từ đến các “cư dân” của khu bảo tồn và “các đoạn thu âm kinh Phật được mở hai lần trong ngày, giúp các con vật ở đây bình tĩnh và ít hiếu chiến hơn. Ngoài ra, đường sá dẫn đến trung tâm bảo vệ động vật này cũng không ngừng được cải thiện trong thời gian qua, giúp cho việc tiếp cận trung tâm trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn” - chia sẻ của quản lý Trung tâm U Maung Oo.
 
     “Kể từ khi nhận ra rằng, hành thiền và suy nghiệm về chân đế theo lời Đức Phật vô cùng cần thiết đối với mỗi người, trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc và mọi nơi - tôi chấp nhận và chào đón tất thảy chúng sinh tìm kiếm nơi nương trú tại vùng đất Thabarwa này…” - sư Sayadaw U Ottamasara chia sẻ.

 

Sư Sayadaw U Ottamasara sinh năm 1969 tại Katha (vùng Sagaing, Tây bắc Myanmar). Trước khi xuất gia, sư tốt nghiệp thạc sĩ loại xuất sắc từ Đại học Yangon và sớm trở thành một doanh nhân trẻ thành công.

nha su.jpg
Sư Sayadaw U Ottamasara

 
Tuy nhiên, sau nhiều năm kinh qua những thăng trầm trong kinh doanh, sư tạm ngừng công việc và quy y Tam bảo vào năm 1999. Thông qua lời giới thiệu của một pháp hữu, sư tham gia khóa tu thiền nội quán 5 ngày tại Trung tâm thiền Mogok (thuộc tu viện Insein, Yangon) và bắt đầu phát khởi niềm yêu thích đặc biệt đối với sự thực hành này.
 
Kể từ đó, sư chuyên tâm thiền tập và cảm nghiệm sâu sắc hơn về Phật pháp, từng bước đối diện và giải quyết các vấn đề kinh doanh trong sự chánh niệm. Sau đó, sư quyết định trao tặng tất cả tài sản có được trong 6 năm làm kinh doanh của mình đến các tổ chức từ thiện xã hội, tập trung vào hoạt động thiện nguyện, tu bồi đạo đức và cầu học Phật pháp.
 
Năm 2002, sư Ottamasara chính thức xuất gia với Thiền sư Sayadaw U Nayyasagara (tại Yangon) và triển khai các hoạt động hoằng pháp, hướng dẫn thiền tập, xây dựng các trung tâm thiền và nhiều chương trình hỗ trợ nhân sinh khác cho đến nay.

 

 
Trần Trọng Hiếu Báo Giác Ngộ
(theo The Buddhist Door, thabarwa.org)
Ý kiến của bạn