MẸ TA HOA PHẬT
Không biết cảm nhận cá nhân của mọi người như thế nào, nhưng cá nhân tôi mỗi khi tiếp xúc với một số Phật tử tu Tịnh độ, tôi thấy họ có nét gì đó hồn hậu, khiêm cung, rất mực kính Phật trọng tăng.
Đa phần khi được hỏi về tuổi tác sức khoẻ, các cụ đều nói, thầy ơi yếu lắm không còn khoẻ như trước nữa, mắt không nhìn rõ để đọc sách tụng kinh nữa rồi, ngồi một chút là mỏi, chỉ tiếc rằng biết đến đạo muộn quá, chẳng học được gì, giờ hàng ngày chỉ biết niệm Phật cho vui, chờ ngày vãng sinh thôi.
Có một số cụ còn căn dặn khi nào con hấp hối, nếu các cháu có gọi báo, mong qúy thầy đến trợ niệm cho con nhé.
Mỗi khi nghe xong những lời tha thiết ấy, tôi đều nghĩ đạo Phật nếu không có thêm pháp môn niệm Phật thì sẽ như thế nào...
Nghe một số qúy thầy bài bác pháp môn Tịnh độ, khi giảng còn lấy vị dụ mấy bà niệm Phật để chờ ngày Phật xẹt hào quang đón về Tây phương, không lo tu ngồi đó mà niệm bô bô rồi mong chờ Phật rước có được hay không? Thế rồi giảng sư phá lên cười còn hội chúng thì vỗ tay rần rần.
Vâng, những người trẻ khoẻ, còn biết tìm niềm vui ở toạ thiền, ở yoga... Nhưng đến khi tuổi già mệt mỏi bải hoải thích nằm nhiều hơn ngồi thì mới thấy Thiền và Tịnh cũng không khác nhau mấy, quán thân thọ tâm pháp cũng có khác gì niệm thân thọ tâm pháp.
Cụ Nguyễn Du nói “Thử tâm thường định bất ly thiền”. Thiền đó ở trong đi đứng nằm ngồi và làm việc.
Giờ chúng ta cùng nhìn vào hình ảnh tu tập pháp môn niệm Phật của mấy cụ già xem có gần với thiền không?
Hàng ngày lấy siêng năng niệm Phật làm vui, thì ngay khi siêng năng đã có sở hữu cần (tinh tấn), ngay nơi niệm đã có sở hữu niệm, ngay khi vui đã có sở hữu hỷ.
Niệm Phật căn cứ trên ba phương pháp tín, hành và nguyện.
Tín Phật cho sâu là có sở hữu tín, hành cho đến mức đạt được nhất tâm bất loạn thì có được sở hữu nhất hành (tức sở hữu định), nguyện cho rộng là bao gồm cả sở hữu tuỳ hỷ, sở hữu tầm, sở hữu tịnh thân tịnh tâm, sở hữu khinh thân khinh tâm (tức sở hữu khinh an) và sở hữu nhu thân nhu tâm.
Các tâm thiện và tâm tịnh hảo của một cụ già không còn quyến luyến gì nhân gian nữa, trong đầu chỉ còn niềm mong mỏi sớm được vãng sinh, đáng để cho chúng ta cười cợt một cách nông cạn như thế sao.
Vâng, với ngần ấy tâm, cứ cho rằng niệm ngày niệm đêm mà vẫn chưa thể đạt đến nhất tâm bất loạn hợp nhất với cảnh Tứ thiền (Đại định bất động), hay Tam thiền (Ly hỷ lạc, dứt tầm tứ), thì họ cũng đang ở trạng thái của Sơ thiền, Nhị thiền (còn hỷ lạc, còn tầm tứ - lời nói thì thầm, suy nghĩ thì thầm).
Xin ai đó đừng khởi tâm ngã mạn, xem thường tâm niệm của người khác, nơi pháp môn khác. Tìm ra những lý giải nơi tâm, biết rằng Thiền - Tịnh có chỗ gặp nhau đó mới là thắng giải.
Nhìn các cụ già gần đất xa trời mà vẫn tha thiết tu niệm như thế mới thấy điều đó đáng qúy biết chừng nào. Chẳng phải tiếng niệm ấy chính nó đã vượt lên mọi lý luận hơn thua hay sao.
Bởi bất cứ ai trong chúng ta đều biết tuổi thọ cũng được xem là một phước báo, nhưng cũng có người thọ trong minh mẫn, có người thọ trong lú lẫn, đau khổ...
Cho nên thọ là phước đấy nhưng cũng là vô phước đấy. Nói thọ cũng là vô phước vì tướng lão suy, tướng của cái chết, tướng của ngọn đèn cạn dầu đã hiện ra rồi.
Nhưng điều đó cũng chưa đáng buồn, mà cái đáng buồn nhất là sắp chết rồi mà vẫn chưa biết tu niệm, vẫn tham lam, vẫn tiếc nuối, vẫn chìm đắm trong thụ hưởng...
Thú thực khi nghe xong mấy lời chế giễu, hình ảnh mấy cụ Phật tử ngồi im một góc tường cầm chuỗi lại hiện về trong tâm trí, đó cũng là hình ảnh thân mẫu của mình, đặt bản thân mình vào tuổi gần đất xa trời ấy mới thấy thương quá đỗi. Nhìn mẹ già niệm Phật lại nhớ đến câu thành ngữ “Mẹ ta hoa Phật”.
Thương các cụ già móm mém vì cái chân đã yếu cái lưng đã mỏi, tứ đại bất điều mà vẫn tín, vẫn hành, vẫn nguyện, vẫn kiên trì cần mẫn niệm Phật, vẫn mong thế giới Tịnh độ có thêm một bông sen là chính mình.
Thử hỏi còn điều thiện nào ở thế gian hơn thế nữa!
Thích Thanh Thắng